Sau khi tiêm vắc xin bao lâu thì được mang thai?
Sau khi tiêm vắc xin bao lâu thì được mang thai?

Thưa bác sĩ, sau khi tiêm vắc xin bao lâu thì có thể mang thai? Sau khi tiêm vắc xin chưa được 1 tháng (tính từ thời điểm tiêm phòng) em lỡ có thai thì có ảnh hưởng gì không? Mong bác sĩ tư vấn.

Trả lời

Chào bạn,

Rất vui vì bạn đang quan tâm đến vấn đề tiêm phòng vắc xin trước mang thai. Về câu hỏi: sau khi tiêm vắc xin bao lâu thì được mang thai chúng tôi xin trả lời như sau:

Tiêm vắc xin trước mang thai mang lại rất nhiều lợi ích như gia tăng miễn dịch của mẹ, đồng thời bảo vệ toàn diện cho sức khỏe của thai nhi. Khi mang thai, hệ miễn dịch của phụ nữ suy yếu nên rất dễ lây nhiễm bệnh. Trong khi đó, thai nhi không có khả năng tự bảo vệ mà chỉ dựa vào sự bao bọc, che chở nhờ miễn dịch có được từ mẹ. Nếu mẹ mắc bệnh, thai nhi cũng chịu tác động xấu, thậm chí đối mặt với nguy cơ dị tật bẩm sinh, sinh non, thai ngừng phát triển, thai chết non…

sau khi tiêm vắc xin bao lâu thì được mang thai

Ví dụ, một số căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể đe dọa cho sức khỏe mẹ và thai nhi như:

  • Viêm gan B: Virus viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con trong khi mang thai, trong lúc chuyển dạ và thời kỳ cho con bú. Trẻ mắc viêm gan B từ mẹ có nguy cơ gây xơ gan, ung thư gan khi trưởng thành.
  • Thủy đậu: Phụ nữ mang thai mắc thủy đậu là một thảm họa. Khi mẹ mắc thủy đậu, trẻ có thể đối mặt với nguy cơ dị tật bẩm sinh, viêm não, viêm phổi, viêm màng não. Đặc biệt, phụ nữ mắc thủy đậu trong 3 tháng đầu rất có khả năng gây sảy thai hoặc thai chết lưu.
  • Sởi – Quai bị – Rubella: là 3 căn bệnh nhiễm trùng nặng, tăng khả năng sảy thai và sinh non, gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng như mất thị giác, thính giác, tim, khuyết tật trí tuệ.

Chính vì lý do đó, phụ nữ chuẩn bị mang thai được khuyến cáo tiêm phòng một số loại vắc xin như: Cúm, Ho gà – bạch hầu – uốn ván, Ung thư cổ tử cung và các bệnh đường sinh dục do virus HPV, viêm gan B, thủy đậu, sởi – quai bị – rubella,… Đây là các loại vắc xin được chứng minh an toàn và hiệu quả tốt trong việc phòng bệnh cho mẹ và truyền kháng thể cho con trong vòng những tháng đầu sau sinh, khi con chưa đủ tuổi tiêm vắc xin. Phụ nữ nên tiêm các loại vắc xin khi có kế hoạch mang thai ít nhất 3 tháng. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, không có bằng chứng cũng như ghi nhận về ảnh hưởng của các loại vắc xin trước khi mang thai đến thai nhi, do đó bạn cũng không nên quá lo lắng về việc lỡ mang thai sau khi tiêm vắc xin 1 tháng. Khi phát hiện mình có thai, bạn nên đi khám thai định kỳ để được các bác sĩ sản khoa theo dõi và tư vấn.

Sùi mào gà nguy hiểm như thế nào?
Sùi mào gà nguy hiểm như thế nào?

Thưa bác sĩ, bệnh sùi mào gà gây ra hậu quả gì? Em đang mang thai, mắc sùi mào gà thì có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe thai nhi? Mong bác sĩ giải đáp.

Trả lời

Để trả lời cho câu hỏi này, ThS.BS. Đinh Thị Hiền Lê, Bác sĩ cao cấp khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội đã có một số chia sẻ như sau:

Chào bạn,

Sùi mào gà (mụn cóc sinh dục) là một bệnh lý xã hội lây truyền qua đường tình dục, do virus HPV gây nên. Nếu sùi mào gà nhỏ và ít, thường tự mất đi, có thể không cần chữa trị gì, nhưng mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, những trường hợp nặng và nhiều mụn cóc thì phải được chữa trị tại các bệnh viện có chuyên khoa da liễu.

Bệnh không có biểu hiện rõ ràng nhưng có khả năng lây nhiễm cao cho bạn tình nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nguy hiểm hơn, bệnh có khả năng phát triển nhanh ở phụ nữ mang thai, việc xuất hiện nhiều sùi mào gà có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của mẹ và thai nhi khi sinh. Bệnh có thể gây nhiều nguy hiểm cho cả nam và nữ giới như:

  • Đối với phụ nữ: Các nốt sùi lớn, mụn cóc ở vùng kín gây khó chịu khi đi lại. Thậm chí, có thể xuất huyết gây đau tức, sưng phù tại các cơ quan sinh dục.
  • Đối với thai phụ và thai nhi: Những tổn thương sùi mào gà khi lan rộng sẽ phá hủy mô, gây khó khăn cho việc sinh nở, làm tăng nguy cơ sinh non, sảy thai. Ngoài ra, khi sinh thường, người mẹ có nguy cơ lây nhiễm HPV cho trẻ sơ sinh, trẻ khi sinh ra sẽ có các biểu hiện của bệnh ở hầu, vòm họng.
  • Đối với nam giới: Bệnh có thể gây tắc nghẽn ống dẫn tinh, tắc ống niệu đạo, dẫn tới vô sinh.

Không chỉ vậy, sùi mào gà có mối liên hệ mật thiết với ung thư. Nguy hiểm ở chỗ, sùi mào gà làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử ở nữ và ung thư dương vật ở nam giới nếu không được điều trị. Có khoảng 4,7-10,2% phụ nữ bị sùi mào gà ở cổ tử cung sẽ tiến triển thành ung thư cổ tử cung, 5% bị ung thư âm đạo. Ở nam giới, khoảng 15% người mắc bệnh sẽ tiến triển thành ung thư dương vật, 5% ung thư hậu môn.

Bệnh sùi mào gà đến nay vẫn chưa có phương pháp nào điều trị dứt điểm và triệt để. Bệnh có thể tái phát thường xuyên do virus gây bệnh khu trú trong cơ quan sinh dục, tuy nhiên các tổn thương chỉ ở lớp niêm mạc và da bên ngoài nên không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. Người bị sùi mào gà vẫn có thể có sinh con như những người bình thường khác.

Thời gian bệnh sùi mào gà biến chứng thành ung thư ở mỗi người là không giống nhau. Tùy vào cơ địa, thời gian, tình trạng sức khỏe ở mỗi người mà bệnh có mức độ tiến triển khác nhau. Với những người phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ không có nguy cơ chuyển biến thành ung thư. Với những người chần chừ khám và điều trị thì chỉ trong 2-3 năm bệnh có thể biến chứng thành ung thư.

Vì vậy, chị em phụ nữ cần chủ động tiêm vắc xin phòng ngừa HPV và đi tầm soát phụ khoa định kỳ để phát hiện các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời. Nam giới khi thấy xuất hiện triệu chứng bệnh cần đi khám và điều trị ngay để tránh nguy cơ biến chứng.

Mục đích của xét nghiệm PAP và xét nghiệm HPV có giống nhau không?
Mục đích của xét nghiệm PAP và xét nghiệm HPV có giống nhau không?

Mục đích của xét nghiệm PAP và xét nghiệm HPV có giống nhau không?

Trả lời

Để giải đáp câu hỏi này, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê – Bác sĩ cao cấp, khoa Phụ sản BVĐK Tâm Anh, Hà Nội đã giải đáp như sau:

Chào bạn,

Mục đích của xét nghiệm PAP và xét nghiệm HPV là khác nhau và không thể dùng thay thế được cho nhau. Xét nghiệm PAP giúp phát hiện những tế bào cổ tử cung bất thường có khả năng tiến triển thành ung thư. Còn xét nghiệm HPV giúp phát hiện sự có mặt của virus HPV – nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư cổ tử cung, loại virus có thể gây biến đổi bất thường tế bào cổ tử cung với chủng nguy cơ cao. Do đó, xét nghiệm PAP và xét nghiệm HPV có thể kết hợp với nhau, để đưa ra quyết định xét nghiệm tiếp theo và liệu trình điều trị hợp lý.

Đối với việc có cần làm đồng thời cả xét nghiệm PAP và xét nghiệm HPV hay không, điều này còn tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm PAP. Nếu xét nghiệm PAP cho ra kết quả bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm nữa, trong đó có xét nghiệm HPV. Thực tế, với phụ nữ trên 30 nên thực hiện xét nghiệm PAP và HPV cùng lúc để không bỏ sót các xét nghiệm bất thường so với xét nghiệm PAP riêng lẻ. Một người phụ nữ có kết quả xét nghiệm PAP bình thường, xét nghiệm HPV âm tính có rất ít nguy cơ phát triển bất thường những năm sau đó.

Đối với người đã cắt bỏ tử cung và cổ tử cung thì không cần phải tầm soát ung thư cổ tử cung nữa. Đối với người chỉ cắt bỏ một phần tử cung, nhưng cổ tử cung vẫn còn thì vẫn nên thực hiện xét nghiệm PAP.

Lưu ý thêm trước khi thực hiện xét nghiệm PAP 48 giờ, bạn không nên quan hệ tình dục. Việc quan hệ có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng mẫu xét nghiệm hoặc gây tổn thương cổ tử cung, dẫn đến một số kết quả bất thường, khiến việc thực hiện xét nghiệm PAP không còn chính xác nữa. Ngoài ra, bạn nên thực hiện xét nghiệm PAP ngoài chu kỳ kinh nguyệt, vì máu có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Không sử dụng thụt rửa âm đạo, băng vệ sinh, thuốc đặt âm đạo, thuốc xịt hoặc bột trong ít nhất 24 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm PAP.

Làm gì khi xét nghiệm PAP có kết quả bất thường?
Làm gì khi xét nghiệm PAP có kết quả bất thường?

Thưa bác sĩ, tôi vừa tiến hành phương pháp Pap để tầm soát ung thư cổ tử cung tại bệnh viện, tuy nhiên khi có kết quả, tôi thấy kết quả có điều bất thường? Tôi lo lắng không biết phải làm sao, mong bác sĩ giải đáp. Độc giả Lê Quyên.

Trả lời

Để trả lời cho câu hỏi này, ThS.BS. Đinh Thị Hiền Lê, Bác sĩ cao cấp khoa phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội đã có một số chia sẻ như sau:

Chào bạn,

Phương pháp phết tế bào cổ tử cung (Pap smear) đã trở thành phương pháp tầm soát hàng đầu giúp phát hiện những thay đổi bất thường trong các tế bào trong cổ tử cung những điều trị sớm để tế bào bất thường không trở thành ung thư. Việc kết hợp xét nghiệm virus Human papillomavirus (HPV) gây u nhú ở người vào các chương trình tầm soát đã giúp rất nhiều chị em phụ nữ thoát khỏi ranh giới “tử thần”.

Xét nghiệm Pap có độ đặc hiệu từ 60-95%, nên trong một số ít trường hợp sẽ xuất hiện sai lệch và bất thường, bởi một số nguyên nhân:

  • Phụ thuộc vào người đọc kết quả.
  • Có nguy cơ âm tính giả do bỏ sót tế bào trong quá trình chuẩn bị mẫu.

Nếu bạn nhận được kết quả xét nghiệm Pap bất thường, bác sĩ có thể cho bạn làm thêm các xét nghiệm khác hoặc thực hiện kèm xét nghiệm HPV DNA, tùy thuộc vào tuổi và mức độ loạn sản tế bào cổ tử cung của bạn để cho kết quả chính xác hơn. Trong một số trường hợp, bạn có thể phải làm thêm hơn 1 xét nghiệm. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về mỗi xét nghiệm và cùng bạn quyết định xem cái nào là tốt nhất.

Xét nghiệm PAP có những ưu, nhược điểm như sau:

Ưu điểm:

  • Đây là công cụ hiệu quả để phát hiện sớm tế bào ung thư hoặc nghi ngờ ung thư cổ tử cung để điều trị sớm. Giá thành thấp so với nhiều xét nghiệm hiện nay.

Nhược điểm:

  • Xét nghiệm PAP cũng có thể không phát hiện được những thay đổi của tế bào cổ tử cung.

Nguyên nhân có thể là do:

  • Kết quả xét nghiệm có độ nhạy thấp và không thể phát hiện được tất cả những bất thường ở cổ tử cung.
  • Do sai sót trong kỹ thuật lấy mẫu: Mẫu xét nghiệm không lấy được các tế bào bất thường có thể có trên cổ tử cung. Đôi khi các tế bào bất thường nằm ở vị trí cao của cổ tử cung và sâu trong các tuyến cổ tử cung.
  • Gặp khó khăn trong xét nghiệm và phiên giải kết quả. Ví dụ, máu hoặc chất nhầy có thể làm cho khó để nhìn thấy các tế bào.
  • Do sai sót khi đọc kết quả: Năng lực và kinh nghiệm của người đọc kết quả xét nghiệm có thể bỏ qua các tế bào bất thường dưới kính hiển vi. Tuy nhiên, tiến hành xét nghiệm PAP thường xuyên sẽ giúp phát hiện những thay đổi có thể không phát hiện được ở lần xét nghiệm trước đó.

Tiên phong trong việc trang bị máy móc hiện đại và ứng dụng những kỹ thuật tiến tiến của thế giới, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh triển khai thực hiện các phương pháp xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất, được áp dụng tại các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Thụy Điển, Đức, Hà Lan…

Để được tư vấn và đăng ký khám, vui lòng liên hệ hotline 028.7102.6595, website: https://tamanhhospital.vn/ hoặc nhắn tin cho fanpage https://www.facebook.com/benhvientamanh.

Địa chỉ BVĐK Tâm Anh: 108 phố Hoàng Như Tiếp, P. Bồ Đề, Q. Long Biên, TP. Hà Nội.

Xét nghiệm Pap là gì?
Xét nghiệm Pap là gì?

Thưa bác sĩ, em thường nghe về khái niệm xét nghiệm Pap nhưng chưa rõ nó có vai trò gì ạ? Nếu một người có kết quả xét nghiệm PAP là bất thường thì có nghĩa là người đó bị ung thư cổ tử cung đúng không ạ? (Thảo Nguyên, Hải Phòng).

Trả lời

Câu hỏi được giải đáp bởi ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, bác sĩ cao cấp khoa Phụ sản, BVĐK Tâm Anh, Hà Nội.

Chào bạn,

Xét nghiệm PAP (hay còn gọi là xét nghiệm Papanicolaou, phết PAP, phết tế bào cổ tử cung) là phương pháp để tầm soát phát hiện những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung. Đây là kỹ thuật kinh điển, đã được thực hiện trên thế giới từ hơn 70 năm qua. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách lấy mẫu tế bào cổ tử cung phết trực tiếp lên lam kính, rồi gửi tới phòng xét nghiệm để xử lý và đọc kết quả dưới kính hiển vi.

Độ nhạy của xét nghiệm PAP trong khoảng 50 – 75%, độ đặc hiệu đạt 80 – 90% tuỳ phương pháp thực hiện. Để khẳng định có bị ung thư cổ tử cung hay không khi kết quả xét nghiệm PAP bất thường cần phải làm thêm phương pháp khác theo chỉ định của bác sĩ như soi và sinh thiết cổ tử cung.

Xét nghiệm PAP có thể cho những kết quả sau:

  • Bình thường: Điều này nghĩa là cổ tử cung bình thường. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về thời điểm nên lặp lại xét nghiệm này.
  • Biến đổi tế bào vảy không xác định (ASCUS): Điều này có nghĩa là có một số tế bào trong mẫu xét nghiệm có hình dáng bất thường và bạn cần làm thêm một số xét nghiệm nữa để xem có phải virus HPV là nguyên nhân của những thay đổi này hay không. Nếu kết quả xét nghiệm PAP là ASCUS, bạn sẽ cần làm lại xét nghiệm PAP trong vòng 6 tháng – 1 năm. Nếu sau 1 năm mà kết quả vẫn bất thường thì bạn có thể cần phải làm xét nghiệm soi cổ tử cung.
  • Biến đổi tế bào vảy không loại trừ tổn thương nội mô lát tầng mức độ cao (ASCH): Điều này nghĩa là các tế bào trong mẫu xét nghiệm không phải là những tế bào có hình dạng bình thường của tế bào cổ tử cung. Sự thay đổi này thường có liên quan đến virus HPV. Những người có kết quả này có nguy cơ cao hơn tiến triển thành tiền ung thư so với những người có kết quả xét nghiệm ASCUS, và vì vậy sẽ cần phải làm xét nghiệm soi tử cung.

Kết quả xét nghiệm PAP bất thường không có nghĩa là có thể kết luận ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm PAP bất thường có thể là những biến đổi lành tính của tế bào cổ tử cung do những nguyên nhân khác.

Xét nghiệm PAP không gây nguy hiểm gì cho người được xét nghiệm, có thể gây khó chịu, đôi khi chảy máu nhưng tình trạng không nghiêm trọng và sẽ bình thường trở lại trong thời gian ngắn.

Đã tiêm phòng HPV thì có nguy cơ mắc sùi mào gà không?
Đã tiêm phòng HPV thì có nguy cơ mắc sùi mào gà không?

Thưa bác sĩ, quan hệ bằng miệng thì có khả năng mắc sùi mào gà không? Người bị sùi mào gà có nên đặt vòng tránh thai không? Tôi đã tiêm phòng HPV tại sao tôi vẫn mắc sùi mào gà? (Độc giả ấn danh)

Trả lời

Câu hỏi được giải đáp bởi ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, bác sĩ cao cấp khoa Phụ sản, BVĐK Tâm Anh, Hà Nội.

Chào bạn,

Bệnh sùi mào gà/mụn cóc hậu môn sinh dục do virus HPV gây ra và lây truyền chủ yếu qua đường tình dục dù bằng bất cứ hình thức nào. Ngoài việc lây nhiễm qua đường tình dục, virus HPV có thể lây truyền qua các đường khác như tiếp xúc với các vật dụng có chứa dịch tiết đường sinh dục như dùng chung đồ lót, qua tiếp xúc da và niêm mạc có trầy xước, tổn thương (vết loét, chảy máu).

Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện được hơn 100 chủng virus HPV, trong đó 90% trường hợp mắc bệnh sùi mào gà/mụn cóc hậu môn sinh dục là do hai chủng HPV 6 và 11. Việt Nam đã có vắc xin HPV tứ giá phòng HPV chủng 6,11,16,18. Do đó, bạn vẫn có khả năng mắc sùi mào gà do nhiễm các chủng HPV khác không có trong vắc xin hoặc tiêm vắc xin không có thành phần của chủng HPV 6,11,16,18.

Virus HPV gây bệnh sùi mào gà rất dễ lây truyền. Bệnh sùi mào gà không thể tự khỏi, không thể điều trị dứt điểm nên việc phòng ngừa bệnh cần được đặt lên hàng đầu để bảo vệ sức khỏe của bản thân và bạn tình. Trong số các biện pháp phòng bệnh, tiêm vắc xin ngừa HPV chính là giải pháp hữu hiệu nhất. Ngoài ra mỗi người cần thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh:

  • Chung thủy một vợ một chồng;
  • Quan hệ tình dục an toàn;
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người đang mắc bệnh;
  • Có biện pháp hữu hiệu bảo vệ trẻ em;
  • Tiêm vắc xin phòng ngừa virus HPV;
  • Thăm khám ngay khi có biểu hiện nghi ngờ.
  • Thực hiện khám, chữa bệnh hiệu quả, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ.

Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC đang có vắc xin Gardasil (Mỹ) được chỉ định cho trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi từ 9-26 tuổi phòng ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư và loạn sản, mụn cóc sinh dục và bệnh lý do nhiễm virus HPV.

Đối với vấn đề đặt vòng tránh thai, những người đang trong quá trình phát bệnh sùi mào gà/mụn cóc hậu môn sinh dục cũng như đang có các viêm nhiễm tại bộ phận sinh dục cấp tính và mãn tính khác không nên đặt vòng tránh thai vì có thể gây nhiễm trùng nặng hơn. Cần phải điều trị khỏi hẳn rồi mới đặt vòng tránh thai.

Để được tư vấn về vắc xin và đặt lịch tiêm vắc xin phòng HPV và các vắc xin quan trọng khác, Quý khách hàng có thể liên hệ:

Khám phụ khoa có phát hiện được ung thư cổ tử cung không?
Khám phụ khoa có phát hiện được ung thư cổ tử cung không?

Khám phụ khoa có phát hiện được ung thư cổ tử cung không? (Độc giả ẩn danh)

Trả lời

Để giải đáp câu hỏi này, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê – Bác sĩ cao cấp, khoa Phụ sản BVĐK Tâm Anh, Hà Nội đã giải đáp như sau:

Chào bạn,

Diễn biến của ung thư cổ tử cung thường rất âm thầm và lặng lẽ. Thông thường, bệnh chỉ biểu hiện triệu chứng khi ở giai đoạn muộn. Vì vậy, để tầm soát ung thư cổ tử cung, ta phải đi khám phụ khoa định kỳ. Bản thân khám phụ khoa không thể khẳng định được việc bạn có mắc ung thư cổ tử cung hay không, tuy nhiên khám phụ khoa định kỳ giúp các bác sĩ phát hiện tình trạng ban đầu của ung thư cổ tử cung như viêm nhiễm. Một bệnh lý viêm nhiễm bình thường mà không được điều trị tốt cũng có thể trở thành môi trường thuận lợi để virus HPV phát triển nếu chẳng may chúng ta bị nhiễm virus này.

Khám tử cung và cổ tử cung là một phần của khám phụ khoa. Khám phụ khoa là việc hết sức quan trọng với phụ nữ giúp phát hiện các bệnh viêm nhiễm cũng như ung thư phụ khoa từ giai đoạn đầu để đem lại hiệu quả điều trị tốt hơn. Bản thân khám phụ khoa không thể khẳng định được bạn có mắc ung thư hay không, tuy nhiên, qua việc khám phụ khoa định kỳ, các bác sĩ có thể phát hiện những dấu hiệu ban đầu của ung thư cổ tử cung. Trong trường hợp xuất hiện những triệu chứng bất thường có thể là ung thư cổ tử cung, ngoài khám phụ khoa thông thường, bạn sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm khác như xét nghiệm PAP, xét nghiệm HPV, soi hoặc sinh thiết cổ tử cung để kiểm tra mức độ phát triển của các tế bào ung thư.

Phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng – 1 năm và lặp lại trong vòng 2, 3 hoặc 5 năm sau đó. Ở Mỹ và Châu u khuyến cáo việc khám phụ khoa định kỳ cho phụ nữ nên được diễn ra trong độ tuổi từ 30 – 65 tuổi. Phụ nữ sẽ áp dụng theo lịch khám đó mỗi 3 năm/lần. Nếu kết quả khám bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định lịch khám gần hơn. Đối với phụ nữ trong độ tuổi quan hệ tình dục nên khám phụ khoa 6 tháng – 1 năm/lần, vì ngoài ung thư cổ tử cung phụ nữ còn phải đối mặt với các vấn đề khác như viêm, nhiễm…

Ngoài ra, nếu không bị tổn thương, xét nghiệm HPV hoặc Pap Smear có thể thực hiện mỗi 2 năm/lần. Đối với phụ nữ sau 45 tuổi, khi đã 2 lần liên tiếp thực hiện xét nghiệm HPV, HPV không dương tính, tế bào không bị tổn thương thì sau đấy có thể không cần phải đi thực hiện xét nghiệm nữa.

Những lưu ý khi bị sùi mào gà, mụn cóc sinh dục?
Những lưu ý khi bị sùi mào gà, mụn cóc sinh dục?

Xin bác sĩ cho biết những cần lưu ý khi bị sùi mào gà, mụn cóc sinh dục? (Độc giả ẩn danh)

Trả lời

Để trả lời cho câu hỏi này, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC đã giải đáp như sau:

Chào bạn,

Khi phát hiện sùi mào gà, mụn cóc sinh dục, người bệnh không nên quá hoang mang, vì sùi mào gà, mụn cóc sinh dục không phải là căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng và có thể điều trị được. Người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Tùy vào tình trạng và mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp như: bôi thuốc ngoài da và phẫu thuật (gồm đốt lạnh, đốt điện, đốt bằng laser và cắt). Người bệnh cần hiểu được rằng, các phương pháp điều trị có tác dụng loại bỏ thương tổn, nhưng không tiêu diệt virus trong cơ thể. Do đó, để hạn chế khả năng tái phát, bạn cần có những phương pháp phòng tránh hiệu quả.

Sau khi điều trị sùi mào gà, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau để phòng lây nhiễm virus HPV cho người khác:

  • Vệ sinh phần da, niêm mạc mới đốt. Lưu ý giữ khô để tránh vi rút có thể sinh sôi, phát triển trở lại;
  • Không dùng chung đồ dùng sinh hoạt với người khác, và không đưa đồ dùng cá nhân của bản thân cho người khác sử dụng. Không sử dụng chung bồn tắm, sau khi đi vệ sinh cần lau sạch bồn vệ sinh;
  • Hạn chế đồ uống có cồn, bia, rượu và các chất kích thích;
  • Chế độ nghỉ ngơi hợp lý, thể dục thể thao thường xuyên, giữ tinh thần thoải mái, lạc quan;
  • Điều trị sùi mào gà là một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên trì. Do đó, trong quá trình điều trị người bệnh không nên bỏ dở liệu trình điều trị, vì việc này sẽ ảnh hưởng đến kết quả và tiến độ điều trị;
  • Đừng quên tái khám theo chỉ định của bác sĩ điều trị;
  • Trong quá trình điều trị không nên quan hệ tình dục để tránh gây tổn thương cho vùng da mới đốt và lây bệnh cho bạn tình.

Vì bệnh sùi mào gà/ mụn cóc sinh dục là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Do đó, cần kiêng quan hệ tình dục 2 tuần sau điều trị khỏi các triệu chứng lâm sàng của bệnh. Ngoài ra, trong vòng 6 tháng đầu sau khi điều trị khỏi bệnh cũng nên sử dụng bao cao su để đảm bảo tính an toàn trong quan hệ tình dục.

Cách phòng tránh sùi mào gà cho bạn tình
Cách phòng tránh sùi mào gà cho bạn tình

Thưa bác sĩ, làm thế nào để phòng tránh sùi mào gà/mụn cóc hậu môn sinh dục cho bạn tình/vợ/chồng? (Độc giả ẩn danh)

Trả lời

Để trả lời cho câu hỏi này, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC đã giải đáp như sau:

Chào bạn,

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và bạn tình, cả hai nên thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:

  • Chia sẻ thẳng thắn với bạn tình về tình trạng của bản thân trong trường hợp đã nhiễm bệnh;
  • Cùng bạn tình thực hiện xét nghiệm để xác định tình trạng nhiễm HPV;
  • Trang bị cho bản thân và bạn tình những kiến thức y khoa chính xác về con đường lây truyền của bệnh, từ đó chủ động dự phòng. Ngoài con đường lây truyền qua quan hệ tình dục ra, tiếp xúc giữa tay và miệng với bộ phận sinh dục, hoặc qua các vật dụng cá nhân có dịch tiết sinh dục,…
  • Nếu 1 trong 2 người hoặc cả hai đang mắc bệnh thì cần kiêng không quan hệ tình dục. Trong 6 tháng đầu sau khi điều trị khỏi bệnh cũng nên sử dụng bao cao su để phòng nhiễm bệnh;
  • Không sử dụng những vật dụng cá nhân như khăn tắm, đồ lót, bàn chải đánh răng;
  • Nâng cao sức đề kháng của bản thân và phòng tránh bệnh tật;
  • Khám và tầm soát các bệnh tình dục thường xuyên bao gồm cả sùi mào gà và mụn cóc;
  • Tiêm vắc xin phòng HPV là biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất.

Hiện có hơn 100 tuýp virus HPV, trong đó có 2 tuýp virus có nguy cơ cao gây bệnh sùi mào gà/mụn cóc hậu môn sinh dục là 6 và 11. Điều may mắn là cả 2 chủng virus này đã có trong vắc xin Gardasil phòng HPV, được khuyến cáo tiêm phòng cho nữ giới trong độ tuổi từ 9-26 tuổi, bất kể đã quan hệ tình dục hay chưa. Hiệu quả vắc xin có thể kéo dài lên đến 30 năm.

Lịch tiêm vắc xin Gardasil phòng virus HPV gồm 3 mũi:

  • Mũi 1: là ngày tiêm mũi đầu tiên.
  • Mũi 2: 2 tháng sau mũi đầu tiên.
  • Mũi 3: 6 tháng sau liều đầu tiên.

Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về việc tiêm vắc xin phòng HPV cho phụ nữ có thai, do đó, phụ nữ cần tránh mang thai trong thời gian tiêm vắc xin phòng HPV. Nếu phát hiện bản thân mang thai khi chưa hoàn thành 3 mũi vắc xin Gardasil, cần hoãn lịch tiêm cho đến khi kết thúc thai kỳ.

Để được tư vấn, đặt lịch tiêm và giải đáp những thắc mắc về vắc xin và tiêm chủng, Quý khách hàng có thể liên hệ số hotline: 028 7102 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc.

Nữ giới mắc bệnh sùi mào gà thì có nên tiêm vắc xin ngừa HPV không?
Nữ giới mắc bệnh sùi mào gà thì có nên tiêm vắc xin ngừa HPV không?

Thưa bác sĩ, em được biết vắc xin HPV được chỉ định tiêm với người chưa phơi nhiễm, tuy nhiên em đã từng mắc bệnh sùi mào gà thì có nên tiêm vắc xin HPV nữa không?

Trả lời

Để trả lời câu hỏi này, Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC đã giải đáp như sau:

Chào bạn,

Sùi mào gà (mụn cóc sinh dục) là một bệnh gặp chủ yếu ở bộ phận sinh dục nam và nữ, ngoài ra còn gặp ở một số bộ phận khác của cơ thể, do virus Human Papillomavirus (HPV) gây ra. Trước đây, bệnh sùi mào gà được xem là căn bệnh lành tính, tuy nhiên hiện nay trong y khoa đã xuất hiện nhiều trường hợp tế bào di căn và phát triển thành ác tính (ung thư cổ tử cung và ung thư dương vật).

Cho đến nay, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để chị em chủ động phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm: ung thư cổ tử cung, sùi mào gà,… Vắc xin phòng HPV an toàn và có thể đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ trẻ em, phụ nữ và nam giới tránh khỏi những căn bệnh liên quan đến virus HPV.

Phụ nữ đã có quan hệ tình dục hoặc đã lập gia đình vẫn nên tiêm vắc xin phòng HPV để phòng tái nhiễm hoặc phòng các chủng HPV chưa bị nhiễm. Song song với việc tiêm vắc xin, phụ nữ nên định kỳ khám phụ khoa và làm xét nghiệm PAP để tầm soát phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.

Trong trường hợp bạn đã từng mắc sùi mào gà và đang điều trị theo chỉ định của bác sĩ thì bạn vẫn có thể tiêm phòng vắc xin để ngăn ngừa khả năng bệnh biến chứng thành ung thư. Đồng thời, virus HPV rất dễ tái nhiễm – tức là sau khi cơ thể đào thải ra virus vẫn có thể nhiễm lại chúng. Hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể không đủ để ngăn chặn nguy cơ tái nhiễm, nhưng vắc xin lại có thể làm được điều này.

Bên cạnh đó, HPV có nhiều type khác nhau như 6, 11, 16, 18,… việc bạn đã từng bị nhiễm một tuýp HPV nào đó trước đây thì vẫn nên tiêm phòng vắc xin để được tránh nguy cơ lây nhiễm những tuýp HPV nguy hiểm khác.
Trên thế giới, có khoảng 55 quốc gia tiêm vắc xin HPV cho phụ nữ từ 9 – 45 tuổi. Tại Việt Nam, vắc xin Gardasil (Mỹ) phòng HPV số 6, 11, 16, 18 được chỉ định tiêm cho nữ giới trong độ tuổi 9 -26, bất luận đã nhiễm HPV hay chưa.

Phác đồ tiêm chủng vắc xin Gardasil (Mỹ) gồm 3 mũi như sau:

  • Mũi 1: lần đầu tiên tiêm.
  • Mũi 2: 2 tháng sau mũi 1.
  • Mũi 3: 6 tháng sau mũi 1.

Để được tư vấn về vắc xin hoặc đặt lịch tiêm phòng vắc xin HPV, Quý khách có thể gọi đến tổng đài miễn phí 028 7102 6595 hoặc inbox cho fanpage: VNVC – Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn.

Đã tiêm vắc xin phòng HPV thì có cần xét nghiệm PAP nữa không?
Đã tiêm vắc xin phòng HPV thì có cần xét nghiệm PAP nữa không?

Thưa bác sĩ, nếu tôi đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng HPV thì có cần thiết phải làm xét nghiệm PAP nữa không? Chỉ làm xét nghiệm PAP đơn thuần đã đủ để phòng ung thư cổ tử cung chưa ạ?

Trả lời

Câu hỏi được giải đáp bởi ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, bác sĩ cao cấp khoa Phụ sản, BVĐK Tâm Anh, Hà Nội.

Chào bạn,

Xét nghiệm PAP đơn thuần không đủ để dự phòng ung thư cổ tử cung một cách hiệu quả. Theo Tổ chức Y tế thế giới, chiến lược dự phòng ung thư cổ tử cung bao gồm: giáo dục truyền thông, giảm hành vi nguy cơ nhiễm HPV; đào tạo cán bộ y tế và cung cấp thông tin cho phụ nữ về chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung; chẩn đoán và điều trị những tổn thương tiền ung thư và ung thư. Chiến lược này cũng bao gồm tăng tiếp cận với các dịch vụ điều trị và tầm soát có chất lượng. Tiêm vắc xin phòng HPV là một biện pháp dự phòng tiên phát và không loại trừ việc tầm soát vì vắc xin không bảo vệ chống lại tất cả các chủng HPV nguy cơ cao.

Tuy nhiên, vắc xin không ngăn ngừa được tất cả các chủng virus HPV nguy cơ cao gây ung thư mà chỉ chống lại những chủng gây ung thư phổ biến nhất có trong vắc xin và khả năng bảo vệ chéo thấp với các chủng HPV không có trong vắc xin. Vì vậy, dù bạn đã được tiêm phòng vắc xin HPV bạn vẫn nên làm xét nghiệm PAP với tần suất như những người chưa tiêm phòng.

Ngoài xét nghiệm PAP, người ta còn sử dụng nhiều phương pháp tầm soát khác. Một số phương pháp tầm soát được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam như sau:

  • Quan sát bằng mắt thường với dung dịch axit acetic (VIA) có thể thay thế hoặc sử dụng cùng với xét nghiệm PAP hoặc xét nghiệm HPV. VIA là kỹ thuật bôi cổ tử cung bằng acid acetic 3-5% trong một phút và sau đó quan sát màu sắc ở cổ tử cung bằng mắt thường, qua đó có thể phát hiện những vùng bất thường.
  • Quan sát bằng mắt thường với dung dịch lugol (VILI) có thể thay thế hoặc sử dụng cùng với xét nghiệm PAP hoặc VIA hoặc xét nghiệm HPV. VILI là kỹ thuật tẩm ướt cổ tử cung bằng dung dịch lugol trong một phút và sau đó quan sát màu sắc ở cổ tử cung bằng mắt thường, qua đó có thể phát hiện những vùng bất thường.
  • Xét nghiệm PAP nhúng dịch: đây là kỹ thuật xét nghiệm được phát triển từ kỹ thuật xét nghiệm PAP truyền thống nhằm loại bỏ các nhược điểm của phương pháp truyền thống. Với phương pháp này, mẫu tế bào cổ tử cung được thu thập và xử lý đặc biệt sau đó trải đều lên lam kính để đọc dưới kính hiển vi. Phương pháp này giúp tăng độ chính xác và tăng khả năng phát hiện tế bào bất thường.
  • Xét nghiệm HPV: là kỹ thuật nhằm phát hiện tế bào cổ tử cung bị nhiễm HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung. Kỹ thuật này lấy mẫu giống như làm PAP, sau đó việc xử lý và cho kết quả hoàn toàn tự động. Trong trường hợp kết quả cho thấy bị nhiễm HPV, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm phương pháp khác để đánh giá như soi cổ tử cung và sinh thiết nếu cần.

Khi làm xét nghiệm PAP, nên kiêng quan hệ tình dục trong vòng 48h, tránh gây ảnh hưởng tới chất lượng mẫu xét nghiệm hoặc gây ra các tổn thương ở cổ tử cung, có thể đến dẫn đến một kết quả bất thường hoặc không chính xác.

Chảy máu sau quan hệ tình dục có phải mắc ung thư cổ tử cung không?
Chảy máu sau quan hệ tình dục có phải mắc ung thư cổ tử cung không?

Thưa bác sĩ, chảy máu sau khi quan hệ tình dục liệu có phải là dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung không? (Độc giả Hoàng Mai).

Trả lời

Để trả lời cho câu hỏi này, bác sĩ Nguyễn Vương Thảo Nghi, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP.HCM đã có một số chia sẻ như sau:

Chào bạn,

Tình trạng xuất huyết âm đạo (chảy máu) sau quan hệ tình dục là vấn đề khiến rất nhiều chị em phụ nữ băn khoăn, lo lắng liệu có phải mình đang mắc ung thư cổ tử cung hay không? Theo thống kê, ước tính khoảng 0,7–9% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể chảy máu sau chuyện “chăn gối”, lượng máu này chủ yếu từ cổ tử cung.

Ngoài ung thư cổ tử cung, một số tình trạng bệnh lý sau có thể xuất hiện dấu hiệu chảy máu sau quan hệ tình dục như:

  • Tổn thương bộ phận sinh dục trong lúc quan hệ tình dục hoặc quan hệ sau kỳ sinh nở có khâu tầng sinh môn.
  • Mắc các bệnh phụ khoa như viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm nhiễm âm đạo, nấm, lậu…
  • Rối loạn nội tiết tố.
  • Khối u lành tính ở tử cung, cổ tử cung, âm đạo, âm hộ: u xơ tử cung, polyp cổ tử cung, sùi mào gà/mụn cóc sinh dục…
  • Ung thư âm đạo, âm hộ.

Theo bác sĩ Thảo Nghi, các triệu chứng ban đầu của khối u ác tính vùng cổ tử cung không rõ ràng, tiến triển thầm lặng, người bệnh khó nhận biết. Khi các triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn đồng nghĩa với việc tế bào ung thư đã di căn lan rộng thành ác tính. Các can thiệp điều trị lúc này vẫn có thể phát huy được hiệu quả, nhưng khá phức tạp và tốn nhiều chi phí. Trong trường hợp xấu nhất, phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ cắt bỏ toàn bộ tử cung, buồng trứng, các hạch bạch huyết lân cận, ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ.

Một số triệu chứng giúp nhận biết bệnh mà chị em nên chú ý tới gồm:

  • Đau rát vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục;
  • Chảy máu âm đạo bất thường, nhất là sau khi quan hệ tình dục, giữa các kỳ kinh nguyệt, sau mãn kinh hoặc sau khi khám phụ khoa;
  • Dịch tiết âm đạo bất thường, có thể tiết nhiều hơn, có màu xám đục và có mùi hôi.

Khi có triệu chứng chảy máu thường xuyên sau khi quan hệ tình dục, đó có thể là dấu hiệu sớm của ung thư cổ tử cung. Chị em nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời.

Mang thai khi đang mắc ung thư cổ tử cung thì có ảnh hưởng tới em bé không?
Mang thai khi đang mắc ung thư cổ tử cung thì có ảnh hưởng tới em bé không?

Thưa bác sĩ, người mắc ung thư cổ tử cung có cơ hội mang thai và sinh con như người bình thường được không? UTCTC khi mang thai có ảnh hưởng tới em bé hay không ạ? (Trâm Hạ, TP.HCM)

Trả lời

Câu hỏi được giải đáp bởi ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, bác sĩ cao cấp khoa Phụ sản, BVĐK Tâm Anh, Hà Nội.

Chào bạn,

Bệnh lý ung thư cổ tử cung không gây bất cứ ảnh hưởng trực tiếp nào đến thai nhi, tuy nhiên quá trình điều trị lại gây ảnh hưởng. Tùy theo tuổi thai và giai đoạn ung thư mà sẽ có những cách xử trí khác nhau. Nếu phát hiện ở giai đoạn thật sớm, có thể trì hoãn đến khi thai trưởng thành lúc đó mới can thiệp để bảo toàn mạng sống cả mẹ lẫn con.

Ở giai đoạn cuối thai kỳ, thông thường người ta sẽ đánh giá can thiệp mổ lấy thai khi thai đủ trưởng thành và điều trị cho mẹ. Ngược lại, nếu ung thư giai đoạn muộn, phát hiện ở giai đoạn đầu thai kỳ thường phải chấm dứt thai kỳ và điều trị ung thư cổ tử cung ngay. Do đó, điều quan trọng là trong thai kỳ phải khám thai định kỳ, kịp thời phát hiện các tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm để điều trị hiệu quả.

Hiện nay, với các phương pháp điều trị hiện đại, những phụ nữ trẻ mắc bệnh ở giai đoạn sớm có thể được điều trị bảo toàn khả năng sinh sản, và họ hoàn toàn có khả năng sinh con sau này. Tuy nhiên, người mắc bệnh sẽ không thể có thai nếu đã điều trị cắt tử cung hoặc điều trị xạ trị làm ảnh hưởng đến buồng trứng.

Có nhiều biện pháp để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, phổ biến nhất là:

  • Sử dụng bao cao su khi có quan hệ tình dục.
  • Chung thủy 1 vợ, 1 chồng.
  • Ngừng hút thuốc hoặc lạm dụng một số loại thuốc.
  • Tránh tiếp xúc da kề da với người được biết đã bị nhiễm virus.

Phụ nữ nên thực hiện xét nghiệm Pap (Pap smear) hoặc thử nghiệm HPV DNA định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư cổ tử cung. Việc tiêm vắc xin thậm chí được khuyến cáo cho những người quan hệ tình dục với nhiều đối tượng khác nhau để ngăn chặn các giai đoạn tiền ung thư phát triển. Trong quá trình điều trị, bạn có thể yêu cầu bác sĩ thực hiện chăm sóc giảm nhẹ, được biết là phương pháp mang lại sự giảm đau và hạn chế các triệu chứng nghiêm trọng khác của bệnh có thể xảy ra.

Thực hiện lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá và nên hạn chế quan hệ tình dục trước 21 tuổi. Điều này có thể giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc chứng loạn sản cổ tử cung. Tiêm phòng được đánh giá là an toàn và đem lại hiệu quả cao trong phòng ngừa nhiễm HPV, bảo vệ cơ thể khỏi những loại virus HPV gây ung thư, tiền ung thư và mụn cóc sinh dục phổ biến nhất. Vắc xin có hiệu quả cao nhất khi tiêm trong khoảng độ tuổi từ 9-26 tuổi, tốt nhất là từ 11-14 tuổi.

Hiện nay, tại Việt Nam có vắc xin Gardasil (Mỹ) có chứa 4 type huyết thanh virus HPV là 6, 11, 16 và 18, giúp bảo vệ phụ nữ và nam giới trước nguy cơ nhiễm HPV. Vắc xin được khuyến cáo tiêm 3 mũi như sau:

  • Mũi 1: mũi tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: 2 tháng sau mũi 1.
  • Mũi 3: 6 tháng sau mũi 1.

Để đặt lịch tiêm phòng HPV, Quý khách có thể điền thông tin tại đây hoặc gọi đến tổng đài: 028 7102 6595, liên hệ qua fanpage Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn – VNVC.