Mở cửa 7h30 - 17h00 / T2 - CN xuyên trưa *
Ngày 10/08/2023, Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức tọa đàm “Tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm mùa hè” tại khách sạn Sheraton TP.HCM. Tại buổi tọa đàm, các lãnh đạo cơ quan nhà nước và các chuyên gia đã thảo luận về tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong mùa hè, đặc biệt là thời điểm học sinh sắp quay trở lại trường học.
PGS.TS.BS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế: “Tiêm chủng là trọn đời, đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ. Khi mùa tựu trường đang đến gần, để bảo vệ sức khỏe và khả năng phát triển toàn diện cho trẻ, các bậc phụ huynh cần trang bị đầy đủ cho con các mũi tiêm vắc xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và đảm bảo tuân thủ đúng lịch tiêm. Việc tiêm chủng không chỉ giúp trẻ em tránh lây nhiễm bệnh, mà còn giúp ngăn chặn sự lây lan cho những người xung quanh”. |
Mở đầu tọa đàm, Nhà báo Lê Xuân Trung – Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ đã đặt ra các vấn đề vô cùng cấp thiết và thời sự vào thời điểm hiện tại rằng, liệu người dân đã có đầy đủ hiểu biết về bệnh truyền nhiễm, một trong những loại bệnh nguy hiểm và phức tạp nhất hiện nay hay không? Trong giai đoạn cuối mùa hè và cận mùa tựu trường sắp tới, để bảo vệ sức khỏe con em, phụ huynh cần trang bị những thông tin và kiến thức gì? Những dấu hiệu nhận diện bệnh và cách phòng tránh ra sao?
Đáp lại những vấn đề mà ông Trung đặt ra, PGS.TS Phạm Quang Thái – Phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương chia sẻ, rất nhiều người có quan niệm tại sao không để cơ thể thụ động nhiễm các tác nhân tự nhiên mà phải dựa vào vắc xin? Con người đã phải trải qua rất nhiều căn bệnh truyền nhiễm bùng phát thành dịch, thậm chí là đại dịch trong lịch sử và chúng đều để lại rất nhiều hậu quả đáng tiếc và ghê sợ, ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực của xã hội như đại dịch Covid-19, đại dịch cúm Tây Ban Nha, đại dịch đậu mùa,…
Vì thế, chúng ta cần, thậm chí rất cần vắc xin để tạo ra miễn dịch chủ động cho các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cụ thể nhất định. Và những loại vắc xin khi đưa vào cơ thể người tiêm sẽ không chỉ mang lại giá trị ngắn hạn mà còn kiến tạo nên giá trị bảo vệ sức khỏe người được tiêm trong dài hạn cùng các lợi ích khác kèm theo như giá trị tài chính, giá trị tinh thần,…
Cơ bản nhất về tiêm chủng vắc xin là khái niệm “tế bào nhớ”. Sau khi tiêm xong cơ thể sẽ sinh ra các tế bào nhớ để trong tương lai chẳng may các tác nhân gây hại xâm nhập vào cơ thể sẽ bị các tế bào này phát hiện và nhanh chóng thông báo cho hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động, ngăn chặn sự gây hại của các tác nhân đó.
Sau khi được đưa vào cơ thể, vắc xin cần có thời gian để sinh ra đáp ứng miễn dịch và đáp ứng miễn dịch này sẽ không kéo dài mãi mãi, chúng có thể có giá trị bảo vệ 5 năm, 7 năm hoặc có thể lên đến 10 năm tùy thuộc vào từng loại vắc xin khác nhau. Từ đó, xuất hiện khái niệm “tiêm chủng vắc xin trọn đời”.
Tiêm chủng vắc xin trọn đời là ở các giai đoạn trong cuộc đời, mỗi người đều cần thực hiện tiêm chủng tuân thủ đúng lịch quy định để đảm bảo sức khỏe trọn vẹn, lâu dài đến cuối đời. Trẻ nhỏ sẽ cần tiêm những loại vắc xin nhất định. Người lớn sẽ có những loại vắc xin của người lớn. Phụ nữ mang thai sẽ có vắc xin để bảo vệ bào thai của mình và những người lớn tuổi cần có vắc xin cho người lớn tuổi vì lúc đó miễn dịch cơ thể xuống mức thấp nhất, nguy cơ lây nhiễm, mắc bệnh, biến chứng, nhập viện và tử vong rất cao.
Vậy, trong quá trình phát triển vắc xin thì rất nhiều quốc gia đã đưa ra nhiều phác đồ tiêm chủng khác nhau và lịch tiêm rất dày. Ví dụ vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván cần được tiêm chủng nhắc lại, để tăng miễn dịch bảo vệ. Không chỉ có vắc xin có thành phần ho gà mà các loại vắc xin khác cũng có các hình thức nhắc lại tương tự. Khái niệm tiêm chủng vắc xin trọn đời bây giờ không còn mới nữa và tất cả các quốc gia trên thế giới đã đưa khái niệm này vào đời sống.
Sau Covid-19, tạo ra một nhóm đối tượng không tiếp xúc mầm bệnh, hình thành khái niệm “nợ miễn dịch” và nợ miễn dịch được trả giá bằng việc nhiễm tự nhiên và tiêm bù vắc xin trả nợ miễn dịch. Dẫn chứng là sau khi chúng ta nới lỏng các biện pháp giám sát phòng tránh dịch thì hàng loạt các vụ dịch khác đã xảy ra như Adeno, RSV, cúm,…
Theo thông tư 38/2017/TT-BYT, việc tiêm các loại vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng là bắt buộc. Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại vẫn có 1 tỷ lệ khá lớn các trẻ đến khi vào lớp 1 bị bỏ sót không được tiêm hoàn thành phác đồ. Trong 1 khảo sát gần đây được thực hiện bởi Viện dịch tễ Trung ương tại các tỉnh miền núi và khu vực Tây Nguyên, số trẻ được bao phủ 100% vắc xin trong chương trình TCMR chỉ đạt chưa tới 50%. Đây là một con số rất đáng ngạc nhiên và được đặt rất nhiều dấu chấm hỏi.
Cho nên ngoài khái niệm tiêm chủng vắc xin trọn đời thì còn có khái niệm “tiêm chủng trường học”. Có nghĩa là trường học sẽ hỗ trợ chương trình tiêm chủng phát hiện ra các trẻ còn sót mũi tiêm và từ đó thúc đẩy bao phủ các mũi vắc xin còn thiếu đó. Sắp tới đây việc tiêm chủng trường học sẽ được đẩy mạnh và tính đến thời điểm hiện tại đã có rất nhiều đơn vị trường học đã tham gia cùng hệ thống tiêm chủng trong việc hướng đến mục tiêu nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc xin học đường.
Hiện nay đã có rất nhiều loại vắc xin với công nghệ khác nhau như vắc xin bất hoạt, vắc xin sống giảm độc lực, vắc xin lai (tạo ra kháng nguyên bám lên bề mặt của virus khác, không phải là virus gây bệnh trực tiếp), vắc xin tiểu đơn vị, vắc xin tái tổ hợp… Tuy nhiên, theo dòng phát triển của kinh tế, xã hội và công nghệ, vắc xin sẽ có xu hướng cải tiến và đã có những công nghệ sản xuất vắc xin rất mới như vắc xin viral vector hay vắc xin công nghệ gen mRNA được áp dụng nhiều trong chiến dịch chống lại dịch bệnh Covid-19 vừa rồi. Trong thời gian tới, đây chính là lời giải then chốt cho những khúc mắc khó gỡ mà các dịch bệnh sau này có thể gây ra.
Với vắc xin phế cầu phòng các bệnh viêm phổi, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết, ngành y tế dự phòng đang nỗ lực gia tăng số lượng thành phần kháng nguyên virus có trong 1 mũi vắc xin phế cầu, nếu hiện tại là 10 và 13 thì trong tương lai có thể sẽ là 20, 23, 25 kháng nguyên để đảm bảo bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của những vi khuẩn phế cầu đang lưu hành hoặc chưa có tại Việt Nam, từ đó chủ động đón đầu tình hình dịch tễ trong tương lai, khi mà có nhiều hơn nữa những cấu trúc kháng nguyên mới của 1 chủng virus nhất định xuất hiện.
Đối với vắc xin cúm, chúng ta kỳ vọng về sự hiện thực hóa cho khái niệm “vắc xin cúm không điển hình”, tức là không chỉ phòng điển hình 4 chủng virus cúm (A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria) hiện có trong các loại vắc xin cúm tứ giá, mà phòng được những chủng virus cúm bao quát hơn để người dân dễ dàng tiếp cận trong việc phòng ngừa các bệnh cúm nói chung. Đây là những khái niệm rất mới mà rất có thể sắp tới đây sẽ được đưa vào trong chương trình tiêm chủng tại các quốc gia và đặc biệt là Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận với các vắc xin này.
Sau những chia sẻ về sự tiến bộ vượt bậc của ngành công nghiệp vắc xin về công nghệ với nhiều hứa hẹn tốt đẹp cho lĩnh vực y tế dự phòng tại Việt Nam của ông Thái, diễn viên Ngọc Lan thắc mắc khi nào mới có vắc xin tay chân miệng khi dịch bệnh này đang bùng phát, đặc biệt nguy hiểm hơn ở thời điểm hiện tại là mùa tựu trường, trong khi tay chân miệng hiện không có vắc xin.
Đồng cảm với nỗi xót xa, ray rứt của diễn viên Ngọc Lan, Ths.BS Lê Hồng Nga – Phó Giám đốc, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM chia sẻ, hiện cả nước vẫn đang chờ đợi vắc xin phòng ngừa bệnh lý này. Trong thời gian chờ đợi, việc phòng ngừa tay chân miệng cho trẻ em vẫn rất quan trọng. Tay chân miệng có thể lây từ người này sang người khác, cũng như từ đồ chơi và đồ vật của trẻ em, vì thế rửa tay thường xuyên và vệ sinh đồ chơi của trẻ là những biện pháp cần thiết để giảm nguy cơ lây nhiễm xuống mức tối thiểu.
Tiếp lời bà Hồng Nga, TS.BS Phạm Văn Hùng – Phó viện trưởng phụ trách chuyên môn, Viện kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế chia sẻ, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh thủy đậu, rubella và cúm đã kiểm soát được bằng cách sử dụng vắc xin. Tuy nhiên, vẫn còn 2 bệnh chưa kiểm soát được là sốt xuất huyết và tay chân miệng. Hiện tại, với vắc xin sốt xuất huyết, đã có một số đơn vị đang tiến hành đánh giá thử nghiệm và kiểm định chất lượng, dự kiến trong vòng 1 năm tới Việt Nam sẽ có vắc xin phòng ngừa bệnh lý này. Đối với vắc xin tay chân miệng, đã có nhiều hồ sơ và mẫu được đệ trình và đang trong quá trình điều tra và kiểm định, hy vọng sẽ có vắc xin trong thời gian sớm nhất.
Trước những sự hứa hẹn và dự kiến sẽ có vắc xin tay chân miệng và sốt xuất huyết trong thời gian sớm nhất, Nhà báo Cao Huy Thọ – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ truyền thông, Báo Tuổi Trẻ đặt ra rất nhiều thắc mắc rằng “Sớm nhất là khoảng bao lâu?”, “Liệu mùa tựu trường năm sau đã có để kịp kiểm soát tình hình dịch bệnh cho trẻ hay chưa?”,…
Đáp lại những thắc mắc của Nhà báo Cao Huy Thọ, PGS.TS.BS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tình hình vắc xin tay chân miệng ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi động. Quá trình nhận hồ sơ, kiểm định công hiệu và đảm bảo an toàn vẫn đang được tiến hành. Để đưa vắc xin này vào hệ thống tiêm chủng tại Việt Nam, cần thực hiện nhiều bước kiểm tra và đánh giá, bao gồm cả kết quả tiêm chủng ở các nước khác và phân tích tính khả thi tại Việt Nam.
Quá trình này mất rất nhiều thời gian trong khi dịch bệnh không chờ đợi một ai nên nhà nước cùng các cơ quan ban ngành có liên quan đã nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính, nhưng vẫn cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn và hiệu quả của vắc xin. Hiện tại, không thể đưa ra thời điểm cụ thể khi nào chúng ta sẽ có được vắc xin tay chân miệng. Chúng ta đang cố gắng nỗ lực để đưa ra quyết định sớm nhất, đảm bảo an toàn và hiệu quả cho từng mũi tiêm chủng của trẻ em.
Đối với các bệnh truyền nhiễm, cần xem xét các yếu tố tham gia vào quá trình hình thành, phát triển và bùng phát của dịch bệnh như con người, thời tiết và tác nhân gây bệnh. Khi môi trường thay đổi và trở nên nóng bức, sức khỏe của trẻ dễ bị ảnh hưởng xấu, gây suy giảm và gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, quai bị, rubella…
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có gần 9000 ca mắc tay chân miệng trên toàn quốc với tỷ lệ tử vong rất cao, vượt xa so với năm 2022, đặc biệt vào thời điểm nghỉ hè, khi nhiều gia đình có xu hướng đưa trẻ em về nông thôn chơi và sau đó trở lại trường học, gián tiếp làm tăng khả năng lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
Trước khi có vắc xin, cần phòng bệnh bằng cách nắm vững kiến thức về y học thường thức. Sự ra đời của VNVC đã giúp giảm khó khăn cho người dân và tăng cường kiến thức về vắc xin cho cộng đồng. Tuy vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ phòng ngừa 10 loại bệnh, nhưng VNVC cũng mong muốn và luôn nỗ lực để đồng hành với chương trình tiêm chủng mở rộng, nhằm phòng ngừa các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
Trước bối cảnh diễn biến phức tạp ở thời điểm hiện tại, cần giúp trẻ phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vắc xin bằng việc chủng ngừa đầy đủ và đúng lịch trước khi vào học.
“Tiêm ngừa là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, tiết kiệm và đơn giản nhất cho cả trẻ em và người lớn, bỏ ngay những quan niệm sai lầm về việc tiêm dịch vụ là chỉ lấy tiền của người dân, mục tiêu VNVC là đưa vắc xin đến từng người dân, từng địa phương, chung tay nâng cao sức khỏe người dân, cải thiện chất lượng cuộc sống cộng đồng”, BS Chính nhấn mạnh.
VNVC không ngừng nâng cao chuyên môn cho bác sĩ, đồng thời cải thiện dịch vụ phục vụ tối ưu. VNVC luôn trong trạng thái sẵn sàng lắng nghe và mở rộng hơn nữa mạng lưới vắc xin thế hệ mới, an toàn và chất lượng cao, vươn tới mục tiêu chạm đến các điểm cầu xa xôi của Tổ quốc, giúp bình đẳng hóa nhu cầu tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cho toàn bộ người dân trên khắp 63 tỉnh thành. Riêng đối với các bệnh truyền nhiễm chưa có vắc xin tại Việt Nam như vắc xin tay chân miệng, sốt xuất huyết,… VNVC đang nỗ lực đưa về sớm nhất để giúp đỡ cho các em bé.
Cảm kích trước những nỗ lực hướng đến cộng động, những mục tiêu vì lợi ích chung của xã hội mà VNVC đang hướng đến, ThS.BS Lê Hồng Nga – Phó Giám đốc, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM tiếp tục đưa ra nhiều thông tin củng cố giá trị nội dung của buổi tọa đàm chiều ngày 10/08/2023.
Bà Nga chia sẻ, hiện Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đang có nhiều thành tựu y tế trong việc giảm thiểu tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm nhờ vắc xin. Tuy nhiên, việc tiêm chủng không phải là đủ, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa không dùng thuốc để bảo vệ sức khỏe. Điều quan trọng là hạn chế tâm lý chích ngừa xong là đã an toàn và bỏ qua công tác phòng bệnh khác.
Cần tuân thủ các quy tắc vệ sinh cá nhân và vệ sinh cộng đồng, bao gồm ăn uống thực phẩm an toàn, rửa tay, vệ sinh sạch sẽ và loại trừ môi trường sinh sống của muỗi – tác nhân lây truyền của nhiều loại bệnh nguy hiểm. Những biện pháp này không chỉ giúp phòng các bệnh có thể phòng ngừa bằng việc tiêm chủng, mà còn phòng được nhiều bệnh khác. Do đó, bên cạnh việc tiêm chủng, cần phối hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác để toàn diện hóa khả năng bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và toàn xã hội.
Một thông điệp quan trọng khác mà bà Nga đề cập đến tại buổi tọa đàm là cần chú tâm hơn vào khâu chuẩn bị trước khi đi tiêm chủng để đảm bảo an toàn tiêm chủng vắc xin. Trước khi tiêm chủng, quá trình khám sàng lọc là bước quan trọng, đội ngũ y tế cần được đào tạo để thực hiện khám sàng lọc và người dân cần tích cực phối hợp cung cấp đầy đủ thông tin về lịch tiêm chủng trước đó, tình trạng sức khỏe của người tiêm, các bệnh đang mắc phải và các phản ứng sau tiêm chủng trước đó. Thông tin này cần thiết để bác sĩ có thể đưa ra các tư vấn và chỉ định tiêm chủng phù hợp.
Sau khi tiêm chủng, quy định yêu cầu ngồi lại theo dõi trong ít nhất 30 phút đầu và tiếp tục giám sát ít nhất 25 giờ sau tiêm. Việc theo dõi sau tiêm chủng giúp phát hiện kịp thời các tình huống bất lợi và giảm thiểu các sự cố không mong muốn. Đối với việc tiêm chủng cho trẻ em, mẹ cần chú ý theo dõi con ngay cả khi nó ở trạng thái yên lặng, không chỉ chờ đến khi con khóc mạnh mới để ý.
Tiếp nối tọa đàm “Tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm mùa hè”, Báo Tuổi Trẻ cùng VNVC tiếp tục phối hợp tổ chức Gala công bố và trao giải cuộc thi “Tiêm ngừa – Chuyện chưa kể”. Sau gần 2 tháng diễn ra, cuộc thi đã liên tục tiếp nhận nhiều tác phẩm dự thi đến từ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. Số lượng bài dự thi lên đến gần 600 tác phẩm với chủ đề xoay quanh các kỷ niệm, câu chuyện và thông điệp về việc tiêm chủng và vắc xin.
Có thế thấy, độ phủ của chương trình là rất lớn, được đón nhận và hưởng ứng rất mạnh mẽ. Điều này có thể khẳng định rằng VNVC và Báo Tuổi Trẻ đã lan tỏa được nhiều giá trị tích cực đến cộng đồng, hỗ trợ “vực dậy” và củng cố nhận thức của xã hội về về tiêm vắc xin là rất cần thiết và vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa được nhiều bệnh tật nguy hiểm.
Xem kết quả cuộc thi “Tiêm ngừa – Chuyện chưa kể” tại đây
Phát biểu tại gala công bố và trao giải, BS Chính xúc động chia sẻ: “Trẻ em Việt Nam thiếu những mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đây là một tình trạng xót xa vô cùng, giá trị tiêm chủng gầy dựng qua bao năm có nguy cơ bị đổ vỡ, dịch bệnh có thể tấn công đến con em. Vì thế, thông qua cuộc thi này, tôi hy vọng xã hội có thể thấy được giá trị của vắc xin và ngay lập tức hành động để nhanh chóng hướng đến mục tiêu một cộng đồng khỏe mạnh được bảo vệ bởi vắc xin.”
Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, hàng trăm trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc làm việc không nghỉ, mở cửa sẵn sàng chào...
Xem ThêmNhững tuần cuối của hành trình mang thai là thời điểm mẹ bắt đầu lo lắng và băn khoăn về các dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh....
Xem ThêmTrẻ đến trường tiếp xúc trong xã hội rộng lớn, thay đổi thói quen sinh hoạt nên dễ mắc các bệnh nguy hiểm như cúm mùa, thủy...
Xem ThêmBệnh dại là bệnh tử, một khi có triệu chứng khởi phát, người bệnh sẽ tử vong. Chó, mèo, vật nuôi mắc bệnh dại khi cắn, cào...
Xem Thêm“Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể” là cuộc thi được tổ chức bởi Báo Tuổi trẻ với đơn vị đồng hành là Hệ thống trung tâm tiêm...
Xem ThêmHằng năm, có khoảng 60.000 người trên toàn thế giới tử vong vì bệnh dại. Trong giai đoạn 2017 - 2021 Việt Nam có trung bình 76...
Xem Thêm