Mở cửa 7h30 - 17h00 / T2 - CN xuyên trưa *
Whitmore là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, tiến triển nhanh, khó chẩn đoán. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra biến chứng khôn lường: nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương phổi, phải cắt bỏ tứ chi,… thậm chí tử vong.
Bài viết được sự tư vấn của Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, Cố vấn chuyên môn Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC.
Sau đợt mưa lũ kéo dài vừa qua ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, các cơ quan y tế đã đồng loạt phát đi cảnh báo về sự gia tăng đột biến của bệnh Whitmore do một loại vi khuẩn cực kỳ nguy hiểm sống trong môi trường tự nhiên gây ra.
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Trung ương Huế, từ đầu tháng 10/2020 đến giữa tháng 11/2020, bệnh viện đã tiếp nhận 28 trường hợp mắc Whitmore, trong khi 9 tháng đầu năm chỉ có 11 ca, tăng đột biến so với trung bình hằng năm. Trong đó, có 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, 50% bệnh nhân ở Thừa Thiên Huế. Đáng lo ngại, nhiều người nhập viện ở giai đoạn muộn, bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng… Do đó, quá trình điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao song kết quả không khả quan.
Mới đây nhất, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi lần đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân Whitmorenam đầu tiên. Bệnh nhân nam, 50 tuổi, ở xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, có tiền sử mắc tiểu đường, trước khi nhập viện có dấu hiệu bị chướng bụng, xuất hiện áp-xe mủ ở ổ bụng, được chỉ định mổ lấy khối áp-xe 2 lần nhưng vẫn không khỏi. Đến lần thứ 3, sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh nhân mới biết mình mắc Whitmore.
Sau 5 đợt lũ kéo dài tại tỉnh Quảng Trị (14/10), bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận điều trị cho 24 người bị nhiễm bệnh, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Cộng dồn từ đầu năm, toàn tỉnh đã ghi nhận 30 ca mắc. Sau mưa lũ, vệ sinh môi trường tại vùng lũ bị ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, dự báo số ca nhiễm sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Không chỉ miền Trung, miền Bắc cũng đang đối diện với mối lo bùng phát vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho khoảng 30 trường hợp mắc. Phần lớn các bệnh nhân trên 50 tuổi và có tiền sử bị bệnh đái tháo đường, sưng đau khớp gối, nhiễm trùng nặng, áp xe phổi…
Tại Việt Nam, khoảng 70% trường hợp nhiễm Whitmore nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 9-11, tương đồng với những kết quả nghiên cứu ở các vùng dịch khác trên thế giới. Số ca mắc thường liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với tình trạng mưa lũ hàng năm. Bệnh tuy ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ cao.
Bệnh Whitmore (còn có tên gọi khác là Melioidosis, hay “vi khuẩn ăn thịt người”) là bệnh nhiễm trùng cực kỳ nguy hiểm ở người và động vật do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei gây ra. Năm 1913, một bác sĩ người Anh có tên là Alfred Whitmore đã mô tả lần đầu tiên về căn bệnh gây chết người này ở Rangoon, Myanmar, do đó, bệnh được đặt là Whitmore.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết: Người nhiễm Whitmore có tỷ lệ tử vong cao từ 40-60%, thậm chí có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Cách suy nghĩ về bệnh “ăn thịt người” phải được hiểu đúng là do vi khuẩn có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể, ở da thì viêm loét hay áp xe, ở phổi thì gây viêm phổi, trong máu thì gây nhiễm trùng máu,… Đáng lo ngại nhất là việc chẩn đoán bệnh thường khó và dễ nhầm lẫn, diễn biến khó lường nên người dân thường chủ quan với bệnh.
Thực chất Whitmore không phải là căn bệnh mới tại Việt Nam, mà do phần lớn trước đây chưa được nhiều người biết tới. Bệnh ghi nhận số mắc cao chủ yếu tại Australia và khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ mắc bệnh ở Singapore được báo cáo là 13 người/1 triệu dân. Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào năm 1925 tại TP. Hồ Chí Minh sau đó xuất hiện rải rác ở một số địa phương và mới đây bệnh gia tăng mạnh tại các tỉnh miền Trung.
Vi khuẩn Whitmore
Hầu hết bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, không rõ ràng, tổn thương đa cơ quan. Chính vì vậy, Whitmore được coi là “kẻ mạo danh”. Bệnh được chia làm 3 thể chủ yếu: thể tối cấp, cấp tính hoặc mạn tính. Mỗi thể bệnh có các triệu chứng lâm sàng khác nhau và dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác như: bệnh lao, viêm phổi thông thường.
Người mắc bệnh thường có dấu hiệu đặc trưng: sốt cao, đau dạ dày, đau ngực, viêm mang tai (rất giống với quai bị), đau cơ khớp, đau đầu và co giật. Tùy theo từng vị trí mà bệnh có những triệu chứng khác nhau:
Đặc biệt, đối với thể tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong nhanh (chỉ sau khoảng 48 giờ), điều may mắn là thể bệnh này rất ít xuất hiện. Mặt khác, với thể mạn tính, bệnh rất dễ tái phát cho nên sức khỏe của người bệnh rất dễ suy kiệt (do bệnh tái đi tái lại hoặc do điều trị không đúng phác đồ). Ngoài ra, việc điều trị bệnh mạn tính phải mất nhiều thời gian và tốn kém cho nên gây không ít khó khăn cho người bệnh để điều trị đến cùng.
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei là “thủ phạm” gây bệnh Whitmore. Đây là một loại vi khuẩn gram âm, có khả năng sống mọi nơi ở môi trường tự nhiên, nhất là nơi ẩm ướt, đất, nước, các vùng đồng lúa nước ở Đông Nam châu Á vì sức đề kháng của chúng rất tốt. Điểm nổi bật của vi khuẩn Whitmore là kháng lại nhiều thuốc kháng sinh, vì vậy, khi mắc bệnh, việc điều trị sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là các tuyến y tế cơ sở.
Đáp ứng miễn dịch của cơ thể với vi khuẩn “ăn thịt người” rất phức tạp. Cho đến nay chưa có nhiều nghiên cứu khoa học chuyên sâu chứng minh rõ về cơ chế này. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn có thể gây bệnh ngay hoặc cũng có thể ẩn trú trong cơ thể rất lâu. Một số tài liệu cho rằng Whitmore sống trong cơ thể đến 62 năm chỉ chờ cơ hội phát bệnh. Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là những người mắc một số bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch như: tiểu đường, viêm thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ gan, nghiện rượu, sử dụng thuốc corticoid dài ngày, hoặc nông dân thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất, nước, người sống ở vùng dịch tễ vi khuẩn Whitmore lưu hành.
Thời kỳ ủ bệnh của Whitmore từ 1 – 21 ngày (trung bình 9 ngày). Thời kỳ ủ bệnh ngắn nhất được ghi nhận là 1 ngày, trái lại thời kỳ ủ bệnh dài nhất đã ghi nhận được là 62 năm. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người mắc bệnh không hề có triệu chứng nổi trội cho đến khi phát bệnh rõ rệt.
Vi khuẩn B. pseudomallei gây ra bệnh Whitmore được tìm thấy trong nước và đất. Do đó, con đường nhiễm bệnh thường là 3 trường hợp sau:
Ngoài ra, bệnh có thể truyền từ mẹ sang con qua tuyến sữa khi người mẹ bị áp xe tuyến vú do vi khuẩn B. pseudomallei. Hoặc lây truyền qua việc tiếp xúc vết xước trầy da với động vật chết do nhiễm bệnh như: chó, mèo, bò, dê…
Đến thời điểm hiện tại, y học chưa ghi nhận được trường hợp nào lây nhiễm Whitmore từ người sang người hoặc lây truyền bệnh từ động vật sang người qua con đường không khí. Ngoài ra, côn trùng cũng không là tác nhân truyền bệnh. Do đó, yếu tố nguy cơ gây bệnh duy nhất là người bệnh tiếp xúc với vi khuẩn lẫn trong đất hoặc nước bẩn. Vì thế, bệnh thường xảy ra lác đác, lẻ tẻ chứ không bùng phát thành dịch lớn.
“Vi khuẩn ăn thịt người” Whitmore sống rất lâu trong đất
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh: bản chất của vi khuẩn này tuy không tạo thành dịch bệnh nhưng có thể gây ra các biến chứng nặng nề như nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương phổi (áp xe phổi hoặc tràn dịch màng phổi). Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kháng sinh theo đúng phác đồ khuyến cáo, viêm phổi do vi khuẩn “ăn thịt người” tiến triển rất nhanh, có thể dẫn đến suy hô hấp cấp và tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh lên tới 50-60%.
Nguy hiểm hơn, bệnh thường khó phát hiện, vi khuẩn “ăn thịt người” lại kháng nhiều loại kháng sinh, quá trình điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng liều kháng sinh cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 – 6 tháng nữa mới phòng được tái phát. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, gây suy kiệt sức khỏe. Đồng thời, chi phí điều trị cũng là một gánh nặng cho các bệnh nhân bởi phải dùng các loại kháng sinh đắt tiền và phải dùng dài ngày.
Vi khuẩn “ăn thịt người” có thể tấn công người hoàn toàn khỏe mạnh, tuy nhiên, bệnh có nguy cơ cao xuất hiện ở các đối tượng được các chuyên gia y tế khuyến cáo như: Người đang mắc bệnh nhiễm trùng mạn tính, sử dụng thuốc corticoid kéo dài, bệnh đái tháo đường, bệnh thận hoặc người nghiện rượu, nghiện ma túy… khi vi khuẩn xâm nhập máu sẽ gây nhiễm khuẩn huyết nặng.
Bệnh xuất hiện ở tất cả các độ tuổi, cả ở nam và nữ, gặp nhiều hơn ở người tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước. Theo báo cáo từ các vùng có bệnh trên thế giới, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh chiếm 5-15% tổng số ca. Đây là một căn bệnh nguy hiểm nhưng thường bị “lãng quên”, và hiện đang có nguy cơ tái bùng phát sau nhiều năm “vắng bóng”.
Việc chẩn đoán xác định Whitmore, đầu tiên các bác sĩ cần dựa vào lâm sàng, nhất là thể bệnh cấp tính, bên cạnh cần hỏi kỹ tiền sử của bệnh (có xây xước da, chấn thương hay không…).
Tiếp đó, các bác sĩ sẽ thực hiện chẩn đoán dựa trên các xét nghiệm vi sinh học trong máu, nước tiểu, đờm hoặc tại phần da bị tổn thương:
Việc điều trị bệnh “vi khuẩn ăn thịt người” về cơ bản rất khó khăn do vi khuẩn B. pseudomallei kháng với nhiều loại kháng sinh thông thường. Khi điều trị, bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh liều cao liên tục khoảng từ 2-4 tuần, sau đó có thể phải dùng kháng sinh duy trì từ 3-6 tháng hoặc kéo dài hơn phụ thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng. Khi điều trị bằng kháng sinh, các tình trạng nghiêm trọng của bệnh có cơ hội hồi phục 50%, nhưng tỷ lệ tử vong vẫn còn cao.
Điều trị Whitmore gồm 2 giai đoạn: giai đoạn tấn công (điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch) với mục đích ngăn tình trạng nhiễm khuẩn nặng để cứu sống bệnh nhân và giai đoạn duy trì (kháng sinh uống) với mục đích tiêu diệt các vi khuẩn còn sót lại, làm giảm thấp nhất nguy cơ tái phát bệnh.
Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể cần được chăm sóc đặc biệt, bao gồm hỗ trợ máy thở, phụ thuộc vào mức độ nhiễm bệnh khẩn cấp, sốt cao, co giật, lơ mơ… và cần phải tuân theo chỉ định của các bác sĩ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, người nhiễm phải cực kỳ cảnh giác với bệnh khi nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 6-11; trong độ tuổi từ 35 trở lên; nhập viện với tình trạng viêm phổi, sốt, đa áp xe; có tiền sử đái tháo đường, nghiện rượu, thận mạn, người sử dụng corticoid hoặc ung thư…
Người lao động tiếp xúc với bùn đất cần có các dụng cụ bảo hộ lao động.
Hiện bệnh Whitmore chưa có vắc xin phòng ngừa. Để chủ động phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp như sau:
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất, bùn và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Trong quá trình làm việc, đi lại, nếu phải đi chân đất, lao động thiếu phương tiện phòng hộ thì rất dễ bị nhiễm bệnh. Do đó, người dân cần bảo đảm vệ sinh thân thể, đặc biệt là bàn tay, bàn chân. Nếu tay chân dính bùn đất cần phải rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô trước khi muốn làm việc gì tiếp theo.
Sau bão lũ sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra gây ô nhiễm môi trường, người dân phải đối mặt với rất nhiều bệnh lý truyền nhiễm tiềm ẩn; vì vậy xử lý môi trường ô nhiễm, đảm bảo nguồn nước sạch… và chăm sóc sức khỏe người dân sau lũ lụt là hết sức quan trọng và cấp thiết.
Bệnh vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore thường xảy ra vào mùa mưa – thời điểm vi khuẩn sinh sôi và phát triển rất nhanh. Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bệnh diễn biến phức tạp, để lại di chứng nặng nề nên hãy bảo vệ bản thân và gia đình trước khi quá muộn!
Video đề xuất:
Bị thủy đậu khi mang thai là mối nguy hiểm lớn đối với sức khỏe người mẹ và cả thai nhi vì có thể gây biến chứng...
Xem ThêmTiêm vắc xin ngừa virus HPV là phương pháp hiệu quả, an toàn và tiết kiệm phòng ung thư cổ tử cung và một số bệnh lây...
Xem ThêmTiêm vắc xin phòng lao (BCG) cho trẻ sơ sinh sớm là cách giúp trẻ phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm, tránh những ảnh hưởng đến phổi,...
Xem ThêmBệnh tả là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do phẩy khuẩn tả gây ra, dễ bùng phát thành dịch Bệnh tả có thể gây tiêu chảy...
Xem ThêmBài viết dưới đây có sự tư vấn chuyên môn của BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC. Tại...
Xem ThêmVacxin cúm Gc Flu cung cấp sự bảo vệ tốt nhất cho cơ thể chống lại các chủng cúm mùa, đồng thời còn kích hoạt hệ miễn...
Xem Thêm