Mở cửa 7h30 - 17h00 / T2 - CN xuyên trưa *
Thời tiết thất thường, người dân ồ ạt nhập viện vì các bệnh hô hấp, tình trạng quá tải khiến hành lang bệnh viện biến thành nơi để điều trị. Chuyên gia cảnh báo, trẻ em, người lớn, đặc biệt người mắc bệnh mãn tính cần chủ động bảo vệ hệ hô hấp, tránh nguy cơ mắc bệnh, nhập viện, tốn kém thời gian và chi phí điều trị.
1. Phế cầu khuẩn là gì? Phế cầu là virus hay vi khuẩn? Phế cầu đáng sợ như thế nào mà nhiều bác sĩ cảnh báo và khuyến cáo tiêm vắc xin ngừa phế cầu?
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC:
Nói đến bệnh lý phế cầu là nói đến các bệnh như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng huyết,… do phế cầu khuẩn. Vi khuẩn phế cầu có hàng trăm tuýp huyết thanh và đều có thể gây ra các bệnh lý phế cầu. Trong đó, một số tuýp huyết thanh gây ra các bệnh do phế cầu xâm lấn. Vi khuẩn phế cầu thường trú ở vùng hầu họng. Với người sức khỏe bình thường thì phế cầu khuẩn không gây ra bệnh lý, nhưng khi bị suy giảm miễn dịch hoặc nguy cơ bệnh tật phế cầu lại trở thành tác nhân nguy hiểm gây bệnh.
Bệnh lý phế cầu có 2 nhóm: bệnh do phế cầu không xâm lấn và bệnh do phế cầu xâm lấn. Bệnh lý phế cầu không xâm lấn là những bệnh tại chỗ như viêm xoang cấp, viêm tai giữa cấp hoặc viêm phổi cộng đồng. Bệnh do phế cầu xâm lấn gồm nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa.
Đối với viêm màng não, trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã có vắc xin phòng ngừa vi khuẩn Hib nên tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não đã giảm. Hiện nay, nổi trội là viêm màng não do phế cầu. Trong trường hợp không tử vong, người bệnh vẫn có thể để lại di chứng vĩnh viễn suốt đời. Nhiễm trùng huyết dẫn đến nhiễm trùng nhiều cơ quan như viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.
Viêm tai giữa do phế cầu xâm lấn có thể gây điếc, nghe kém,… Viêm tai giữa và viêm xoang thường xuyên trong tình trạng dùng kháng sinh tự do (tự mua thuốc điều trị). Điều này dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, dẫn đến điều trị khó khăn, chi phí tốn kém, kết quả điều trị không mong muốn.
2. Có phải cứ đến thời điểm này số trẻ nhập viện do bệnh lý hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản tăng lên không? Nguyên nhân là do thời điểm này dễ bùng phát nhiều virus như virus cúm hay vi khuẩn như phế cầu khuẩn hay là do mưa nhiều, trời lạnh? Tôi muốn đưa con đi khám nhưng sợ nhiều trẻ sẽ khiến bé bị lây nhiễm tại bệnh viện? Tôi nên đưa con đi khám hay ở nhà tự điều trị để qua giai đoạn đông đúc này thì mới đi khám trở lại?
ThS.BS. Lê Phan Kim Thoa – Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM:
Trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi rất nhanh chóng có lúc ngoài trời rất nóng rồi đột ngột đổ mưa. Hệ hô hấp của trẻ vốn chưa hoàn thiện, hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Phản ứng ở hệ hô hấp của người lớn có thể chỉ là ho, sổ mũi đơn giản nhưng với trẻ em, từ viêm đường hô hấp trên đưa xuống viêm đường hô hấp dưới như viêm tiểu phế quản, viêm phổi rất nhanh. Ngoài ra, mưa nhiều cũng là điều kiện rất thuận lợi để virus, vi khuẩn phát triển. Cả hai yếu tố đó góp phần làm cho trẻ em thời điểm này bị bệnh đường hô hấp rất nặng. Đặc biệt, năm nay lượng trẻ em viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi nhập viện gia tăng cao..
Tại Khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, một ngày số lượng trẻ đến khám các bệnh lý hô hấp tăng khoảng gấp 3 lần. Số trẻ nhập viện tăng gấp 4-5 lần. Con số này cho thấy, năm nay số lượng trẻ bị bệnh nặng nhiều hơn so với những năm trước.
Nếu như quan niệm sợ đông đúc nên không đến bệnh viện, ở nhà tự điều trị thì rất nguy hiểm. Vì hiện nay, trẻ bị viêm đường hô hấp trên diễn tiến viêm phổi rất nhanh. Hoặc trẻ bị viêm tiểu phế quản bị bội nhiễm vi khuẩn rất nhanh và diễn tiến nặng, trẻ thở không được, thở rất mệt hoặc trẻ ho, không thể ăn uống được, sốt cao, li bì, lừ đừ,… những trường hợp này rất nhiều. Do đó, cần chọn những nơi có cơ sở vật chất tốt, rộng rãi thì sẽ có những khoảng cách an toàn để trẻ không bị lây nhiễm lẫn nhau. Nên cho trẻ đeo khẩu trang đi đưa trẻ đi khám. Khi trẻ bị ho, cũng không lây lan cho trẻ khác.
Tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh có hệ thống cơ sở vật chất khá rộng rãi nên có phân luồng trẻ khám bệnh. Những trẻ thuộc nhóm bệnh giống nhau sẽ được phân luồng để không bị lây chéo khi đến khám tại bệnh viện và đặc biệt khi nhập viện có những trẻ nằm chung phòng, trẻ bị viêm tiểu phế quản sẽ được sắp xếp nằm chung phòng với trẻ bị viêm tiểu phế quản hoặc trẻ bị tay chân miệng nằm chung với nhau để trẻ bị lây nhiễm chéo khi vào bệnh viện khám và nhập viện để điều trị nên phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm.
Đặc biệt, không nên để trẻ ở nhà bởi vì diễn tiến rất nhanh và nguy hiểm, một khi vi khuẩn vào phổi thì tình trạng rất nặng, điều trị rất khó khăn, ngoài tốn kém tiền bạc thì việc điều trị mất nhiều thời gian cũng ảnh hưởng tới việc học của trẻ và sức khỏe lâu dài.
3. Những yếu tố nguy cơ nào khiến cho người lớn dễ gặp phải các bệnh lý đường hô hấp. Có phải năm nay nhiều người lớn và người cao tuổi mắc các bệnh đường hô hấp nhiều hơn không? So sánh với nhóm người bệnh trẻ em thì nhóm người bệnh người lớn có một tỷ lệ nhập viện hoặc diễn biến bệnh lý ra sao?
TTƯT.PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội:
Người lớn năm nay có xu hướng mắc bệnh hô hấp như trẻ em. Tính tới thời điểm này, tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội, ngoài những bệnh nhân hậu Covid-19 thì khoa Nội hô hấp tiếp nhận những bệnh nhân nhiễm khuẩn đường hô hấp cộng đồng đến khám và nhập viện vì các nhiễm trùng đường hô hấp hoặc các đợt cấp do nhiễm trùng các bệnh phổi mãn tính tăng cao. Có những ca điều trị ngoại trú tuy nhiên cũng có những ca phải điều trị nội trú do tình trạng nặng, suy hô hấp.
Chính sự thay đổi nhiệt độ từ nóng sang lạnh, lạnh sang nóng, nắng sang mưa, mưa sang nắng đột ngột và hệ hô hấp là cơ quan đầu tiên và trực tiếp chịu tác động từ môi trường và khí hậu, đặc biệt là nhiệt độ làm khả năng miễn dịch của các cơ quan hô hấp. Lúc này, các niêm mạc đường hô hấp sẽ gây ra tình trạng sốc nhiệt đường hô hấp. Thời tiết giao mùa là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển và gây bệnh rất dễ dàng, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp trên như viêm mũi xoang, viêm họng, viêm tai giữa, viêm thanh quan; các bệnh đường hô hấp dưới như viêm phế quản cấp, viêm phổi, áp xe phổi, những đợt cấp của bệnh phổi mãn tính.
4. Nếu đã mắc Covid-19 thì hệ hô hấp nhạy cảm hơn với các yếu tố nguy cơ bệnh lý như cúm, phế cầu khuẩn hay không? Có phải đã bị Covid-19 thì sức khỏe của hệ hô hấp sẽ yếu hơn nên nếu mắc cúm, phế cầu khuẩn hay những nguyên nhân gây viêm phổi, viêm phế quản thì sẽ có diễn biến nặng nề hơn hay không?
TTƯT.PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội:
Khi đã mắc Covid-19, virus SARS-CoV-2 gây tổn thương nặng nề đường hô hấp và gây các bệnh lý hô hấp kéo dài, gọi là hậu Covid-19. Ví dụ như ho kéo dài, khó thở, rất nhiều bệnh nhân khởi phát tẵc nghẽn phế quản gây ra những cơn hen cấp, khởi phát những bệnh tiềm tàng trước đây người bệnh chưa xuất hiện thì bây giờ xuất hiện. Cũng có nhiều bệnh nhân khởi phát cơn hen phế quản mà từ trước họ không bị hoặc là từ lúc nhỏ họ bị hen sau 1 thời gian dài ổn định, sau khi mắc Covid-19 thì bị nặng hơn.
Có những trường hợp sau mắc Covid-19 bị nhiễm trùng mũi xoang rất nặng với tình trạng ho khạc đờm vàng kéo dài và phải sử dụng đến kháng sinh để điều trị. Cũng có những trường hợp hậu Covid-19 gây viêm phổi. Sau khi bị Covid-19 hệ miễn dịch đường hô hấp của người bệnh bị tổn thương, người bệnh dễ dàng nhiễm vi khuẩn hơn so với người chưa bị Covid-19.
5. Tôi bị xơ phổi nhẹ hậu Covid-19, về đêm bị khó thở, hụt hơi, tình trạng này kéo dài có nguy hiểm hay không? Tiêm vắc xin phế cầu có cải thiện tình trạng không?
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC:
Không chỉ virus SARS-CoV-2 gây tổn thương đường hô hấp. Nếu đã từng bị virus tấn công, đường hô hấp sẽ dễ dàng bị các vi khuẩn khác tấn công, khiến tình trạng ngày càng nặng hơn. Chẳng hạn khi nhiễm virus cúm thì phế cầu hoặc những vi khuẩn khác sẽ có cơ hội tấn công, gây đồng nhiễm nhiều bệnh. Nếu bị xơ phổi, bạn cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra lại diễn biến xơ phổi. Khi có tổn thương này, người bệnh vẫn có thể tiêm vắc xin ngừa phế cầu, ngoài ra tiêm thêm các vắc xin ngừa cúm mùa, ho gà – bạch hầu – uốn ván. Đây là những vắc xin có thể bảo vệ đường hô hấp, bảo vệ lá phổi, ngăn ngừa nguy cơ đồng nhiễm, nhập viện và diễn tiến nặng.
6. Bà em đã 82 tuổi, gia đình không nhớ bà đã tiêm vắc xin gì hay chưa? Em muốn đưa bà đi tiêm vắc xin phòng phế cầu thì tiêm những loại nào? Có lưu ý nào sau tiêm không vì bà lớn tuổi.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC:
Ai cũng có thể mắc bệnh phế cầu. Thống kê của CDC Hoa Kỳ xác nhận, hàng năm có khoảng 5-6/100.000 trường hợp có bệnh lý về phế cầu. Riêng với người già, tỷ lệ này lên đến 34%; trẻ em lên đến 36%.
Ai cũng có thể mắc bệnh về phế cầu khuẩn nhưng đối tượng nguy cơ cao dễ bị tổn thương là trẻ dưới 2 tuổi và người già trên 65 tuổi. Trẻ em chưa được tiêm vắc xin, chưa được tiếp xúc với những mầm bệnh, chưa có đủ kháng thể để bảo vệ. Người già các cơ quan bị lão hóa, miễn dịch bắt đầu suy giảm. Đặc biệt, người già có bệnh về tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, COPD nếu để phế cầu khuẩn tấn công, khả năng nhập viện và tử vong rất cao. VNVC có 2 loại vắc xin phế cầu: Loại tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến trước sinh nhật 6 tuổi; loại tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi cho đến người lớn không giới hạn tuổi.
Hiện nay, VNVC có Hệ thống gần 70 Trung tâm trên toàn quốc, bạn có thể đưa bà đến để các bác sĩ ở VNVC tư vấn lịch tiêm. Ngoài ra, hàng năm nên tiêm cúm một lần. Với vắc xin phế cầu, bà chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất, bác sĩ sẽ tư vấn bệnh tùy theo từng mùa dịch để bà được bảo vệ một cách tốt nhất.
7. Bé đã tiêm 2 mũi vắc xin phế cầu, nhưng bé bị viêm mũi họng, ho kéo dài. Bé có nguy cơ bị viêm phổi hay không? Dấu hiệu nào cho biết trẻ bị viêm phổi do phế cầu khuẩn?
Ths.BS. Lê Phan Kim Thoa – Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM:
Nếu đã tiêm được 2 mũi vắc xin phế cầu, khả năng trẻ đã được bảo vệ một phần khỏi tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần được tiêm vắc xin nhắc lại để hệ miễn dịch được hoàn thiện hơn. Đối với trường hợp viêm mũi họng, ngoài phế cầu khuẩn vẫn còn một số vi khuẩn, siêu vi khác có thể gây nên bệnh, ví dụ đối với những trẻ nhỏ có virus hợp bào hô hấp – RSV gây tình trạng viêm tiểu phế quản cho trẻ cũng khá nhiều.
Hiện tại, trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ đã được tiêm loại vắc xin thường hay gây bệnh về đường hô hấp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi là vi khuẩn Hib. Nhờ có độ phủ của chương trình TCMR nên trẻ có nguy cơ cao mắc phế cầu khuẩn hơn. Do vậy, phụ huynh cần chủ động cho trẻ chủng ngừa đầy đủ và đúng lịch vắc xin phế cầu khuẩn, ghi nhớ lịch thăm khám tuân theo khuyến cáo của bác sĩ.
Về nguyên nhân gây bệnh viêm phổi, khi nhập viện các bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm, kể cả xét nghiệm đờm để xác định được tác nhân gì gây nên tình trạng viêm phổi. Dấu hiệu của viêm phổi thường có sự giống nhau giữa các tác nhân.
Trẻ dễ nhiễm phế cầu khuẩn thường do một số nguyên nhân như: Cơ thể trẻ non yếu, hệ thống miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh và ngay cả hệ thống hô hấp của trẻ phát triển chưa hoàn toàn trưởng thành. Do đó, siêu vi, vi trùng, vi khuẩn rất dễ xâm nhập và gây bệnh.
Phế cầu khuẩn thường cư trú sẵn ở đường mũi họng, khi hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu thì chúng ngay lập tức xâm nhập. Đặc biệt đối với những trẻ chưa được chủng ngừa, hệ thống miễn dịch của trẻ hoàn toàn chưa nhận biết cách chống lại phế cầu khuẩn. Do đó, chỉ cần khi hệ miễn dịch suy yếu, xung quanh nhiệt độ môi trường thích hợp thì vi khuẩn phát triển nhanh hơn, độc lực mạnh hơn, rất dễ dẫn đến bệnh lý nguy hiểm.
Điều trị phế cầu là vấn đề khá đau đầu đối với các nhà nhi khoa, vì phế cầu là vi khuẩn có độc lực mạnh, có khả năng gây vỡ hồng cầu của người và xâm nhập gây chết tế bào ở vị trí gây tổn thương rất nhanh. Các loại kháng sinh để điều trị phế cầu thông thường có thể bị đề kháng, cần phải chọn lựa các kháng sinh liều cao và cần phối hợp 2-3 loại kháng sinh, đặc biệt viêm màng não do phế cầu có thể phải dùng đến 3 loại kháng sinh, phối hợp cùng lúc và cần thời gian điều trị. Đối với những trường hợp viêm màng não và nhiễm trùng huyết có thể cần điều trị từ 21-28 ngày, thậm chí 6 tuần điều trị liên tục, tiêm và truyền một ngày rất nhiều lần + uống nhiều loại khác sinh khác.
8. Người trẻ 20-30 tuổi có thể bị viêm phổi do phế cầu khuẩn hay không? Dạo gần đây em thấy hay khó thở, mệt mỏi cả ngày. Đây có phải là triệu chứng của viêm phổi hay không?
– Khán giả Hồng Thương gửi về fanpage THVL – Đài Truyền hình Vĩnh Long –
PGS.TS.BS. Chu Thị Hạnh – Phó Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, Trưởng khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội:
Thứ nhất, phế cầu khuẩn là cầu khuẩn, song cầu gram dương có độc lực khá mạnh, tuy nhiên cũng là căn nguyên gây viêm phổi khá phổ biến ở trẻ em và người lớn. Theo các nghiên cứu trên thế giới và một vài nghiên cứu nhỏ lẻ tại Việt Nam, phế cầu là căn nguyên chiếm 30-40% gây viêm phổi ở người lớn. Phế cầu có thể gây bệnh viêm phổi ở những người 20-30 tuổi, tuy nhiên thường sẽ gây bệnh nhiều hơn ở người trẻ có hệ miễn dịch kém, người có các bệnh lý mãn tính đang phải điều trị hoặc các bệnh đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch, hoặc các tổn thương đang điều trị do các yếu tố ngoại cảnh như tiếp xúc với khói bụi, hút thuốc lá, thuốc lào dù là chủ động hay bị động đều có nguy cơ bị viêm phổi do phế cầu. Do vậy, người trẻ hoàn toàn có nguy cơ mắc bệnh.
Với trường hợp của bạn hay khó thở, mệt mỏi thì được xem là triệu chứng cơ bản của các bệnh lý đường hô hấp, tuy nhiên với những thông tin mà bạn cung cấp, không thể khẳng định bạn có bị viêm phổi hay không? Thông thường, viêm phổi do phế cầu thường khởi phát đột phát, thường gặp sau khi bị lạnh, mưa, hay đi bơi kéo dài,… sau đó xuất hiện đợt sốt trên 39 độ C, rét run, các cơn ho, đầu tiên là ho khan, khạc đờm. Sau đó có thể đau ngực, nặng hơn nữa là triệu chứng khó thở của suy hô hấp. Nếu như bạn có các yếu tố nguy cơ khác gây độc hại đến phổi, bạn cần đến các bệnh viện, nơi có các chuyên khoa hô hấp để các bác sĩ chuyên khoa có thể thăm khám, chẩn đoán và điều trị theo chẩn đoán tốt hơn.
9. Tôi làm việc trong nhà máy tấm lợp amiăng được 10 năm nay. 6 tháng gần đây tôi thấy khó thở khi hoạt động mạnh, thở khò khè và đau tức vùng ngực. Sau khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán bị bệnh bụi phổi amiăng, bác sĩ cho tôi hỏi bệnh này chữa được không? Có phải nghỉ làm thì mới điều trị khỏi không? Cần can thiệp những gì!
– Khán giả Phan Đăng Như gửi về fanpage BVĐK Tâm Anh –
PGS.TS.BS. Chu Thị Hạnh – Phó Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, Trưởng khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội:
Đầu tiên, bạn đã có yếu tố nghề nghiệp là có thời gian tiếp xúc 10 năm với amiăng, nguy cơ bạn bị bụi phổi amiang là hoàn toàn có thể và khi bị bụi phổi amiang thì các sợi amiăng có thể xâm nhập vào các tế bào phế quản, phế nang và gây nên tình trạng xơ phổi, hạn chế về hô hấp, đặc biệt amiăng có thể gây ung thư ở phổi và ung thư ở màng phổi.
Với trường hợp này cần được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt cần đến khám chuyên khoa về Hô hấp để được đo chức năng thông khí và chụp cắt lớp vi tính phổi để đánh giá xem bạn có bị rối loạn về thông khí hạn chế do bệnh bụi phổi amiang không? Việc chụp cắt lớp vi tính phổi ngoài việc phát hiện các tổn thương như xơ phổi, bụi phổi amiang thì có thể phát hiện các tình trạng như ung thư do amiăng.
Bệnh bụi phổi do amiăng là bệnh không chữa được, tuy nhiên để tránh bệnh diễn tiến nặng lên, đầu tiên cần tránh tiếp xúc trực tiếp với amiăng vào phổi thêm, làm cho tình trạng tổn thương ở phổi nặng lên. Tuy nhiên, thực tế vì mưu sinh mà bạn vẫn cần phải tiếp tục làm việc thì cần có các biện pháp phòng hộ: có mặt nạ phù hợp trong quá trình làm việc, phải có hệ thống thông gió hay hệ thống thanh lọc không khí ở nơi làm việc. Biện pháp tốt nhất là cần tránh công việc đang làm khi được phát hiện bệnh và cần phải được theo dõi theo thời gian để có thể phát hiện những biến chứng hay bệnh lý do amiăng gây ra như ung thư phổi, ung thư màng phổi.
10. Những loại vắc xin phế cầu khuẩn cho trẻ em và người lớn khác nhau như thế nào? Trẻ đã tiêm đủ vắc xin phế cầu khuẩn lúc nhỏ, hiện tại 7 tuổi, 8 tuổi hay 15 tuổi thì có cần tiêm thêm vắc xin phế cầu khuẩn cho người lớn không? Nếu đã tiêm vắc xin phế cầu nhưng không may nhiễm phế cầu thì hạn chế những biến chứng như thế nào? Phác đồ tiêm vắc xin phế cầu mấy mũi và có thể tiêm kết hợp với vắc xin cúm, Covid-19 thời gian ra sao?
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC:
Phế cầu khuẩn có hàng trăm tuýp, tuy nhiên hiện nay vắc xin chỉ có tối đa 23 tuýp, nhưng loại vắc xin 23 tuýp phế cầu hiện nay Việt Nam không còn lưu hành và sắp tới có lẽ người ta sẽ cho lưu hành trở lại.
Hiện nay, VNVC có hai loại vắc xin là Phế cầu 10 Synflorix có chứa 10 tuýp vi khuẩn phế cầu trong đó Phế cầu 13 Prevenar-13 có chứa 13 tuýp vi khuẩn trong 1 mũi vắc xin. Đối với loại vắc xin phế cầu 10, phác đồ tiêm sẽ được áp dụng cho trẻ từ 6 tuần tuổi cho đến trẻ 5 tuổi. Còn đối với phế cầu 13 có thể tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi và người lớn bao nhiêu tuổi vẫn tiêm được. Đối với phác đồ tiêm Phế cầu 10 hay Phế cầu 13 thì trẻ em từ 6 tuần tuổi – 6 tháng tuổi có phác đồ 4 mũi, trẻ từ 7 tháng tuổi – 11 tháng tuổi sẽ có phác đồ 3 mũi; Trẻ từ 1 tuổi trở lên với vắc xin phế cầu 10 thì sẽ có phác đồ tiêm 2 mũi, còn đối với phế cầu 13 từ trẻ 1 đến dưới 2 tuổi cũng phác đồ tiêm 2 mũi nhưng mà từ 2 tuổi trở lên và người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi.
Nếu như trong quá khứ trẻ đã được tiêm đầy đủ các mũi thì không cần tiêm nhắc lại. Trong những trường hợp nguy cơ cao, dễ bị tấn công bởi vi khuẩn phế cầu nếu như trong thời gian sắp tới VNVC có đưa về loại vắc xin phế cầu 23 thì có thể tiêm chủng thêm mũi vắc xin này cho những đối tượng nguy cơ cao hay người lớn tuổi. Ngoài tiêm phế cầu 13 thì người lớn tuổi có thể tiêm thêm phế cầu 23.
Khi tiêm vắc xin, chúng ta chỉ phòng được những tuýp vi trùng có trong loại vắc xin đó. Những loại vắc xin đã được các nhà sản xuất đưa vào những tuýp vi trùng thường gây bệnh lý phế cầu xâm lấn, giúp làm giảm đi tỷ lệ mắc bệnh do phế cầu rất nhiều. Do vậy, khi người tiêm các loại vắc xin hiện nay thì đã có kháng thể phòng được những tuýp vi khuẩn có khả năng kháng kháng sinh cao, thậm chí có những trường hợp kháng kháng sinh đến 70-80%. Ở VNVC, ngoài phế cầu, cúm cũng là một trong những tác nhân gây ra bệnh lý nguy hiểm và tạo cơ hội để các vi trùng khác tấn công. Ngoài ra, còn có vi trùng thường trú vùng hầu họng như não mô cầu, Hib,… chỉ cần có cơ hội như vật chủ bị bệnh truyền nhiễm hoặc một tác nhân nào đó, vi trùng sẽ tấn công. Do vậy, đừng đắn đo chờ đợi, hãy tiêm phế cầu 13 tuýp và các vắc xin Hô hấp quan trọng khác, vì đây là vắc xin bảo vệ cao nhất rồi.
11. VNVC đã có vắc xin phòng phế cầu khuẩn chưa? Đợt trước em nghe nói vắc xin này rất khan hiếm phải đăng ký, xếp hàng chờ lâu, ngày mai đến VNVC đã có thể tiêm ngay chưa?
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC:
Trước đây, thường có quan điểm rằng vắc xin chỉ dành cho trẻ em, nhưng qua đại dịch Covid-19, nhiều người mới thấy rằng người lớn cũng mắc bệnh rất nhiều. Thực chất, các bệnh do phế cầu ở người lớn đã có từ lâu, nhưng hiện nay nhiều người mới ý thức được tầm quan trọng của vắc xin này.
Đối với cúm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết mỗi một phút có một người chết vì cúm. Trong khi phế cầu cũng nguy hiểm chẳng kém gì cúm. Tại VNVC có đầy đủ vắc xin phế cầu cho trẻ em cho đến người già. Trong thời gian tới, VNVC sẽ nỗ lực nhiều nhất để có đủ vắc xin cho người dân, ưu tiên cho người đến trước và đặt lịch trước.
12. Bé 4 tháng nhập viện điều trị vì viêm mũi họng cấp đã tiêm kháng sinh 4 hôm, bệnh đang diễn tiến nặng. Sổ mũi, ho đờm, viêm tai giữa, viêm phế quản, tiêu chảy cấp. Em tìm hiểu thì biết gốc rễ của các bệnh từ viêm mũi đúng không?
– Khán giả Trầm Hương gửi về fanpage VTV24 –
Ths.BS. Lê Phan Kim Thoa – Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM:
Đối với trẻ 4 tháng tuổi, viêm mũi họng và sau đó viêm phế quản, rồi đến viêm tiểu phế quản. Nếu tình hình nặng có kèm theo mũi xanh thì có thể viêm tiểu phế quản đã bị bội nhiễm. Viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ rất nguy hiểm vì trẻ có phế quản rất nhỏ và rất gần với nhu mô phổi. Đối với trẻ viêm tiểu phế quản có 2 nguy cơ trẻ dễ bị suy hô hấp.
Thứ nhất, viêm tiểu phế quản khiến phế quản rất dễ bị co thắt. Đến giai đoạn sau sẽ đến tình trạng tăng tiết đờm nhớt khiến trẻ rất dễ bị tắc đờm. Vì đã được nằm viện, nên khả năng trẻ bị tăng tiết đờm nhớt nhiều các bác sĩ sẽ cho trẻ làm thêm vật lý trị liệu, tập đờm, ấn ngực để đờm nhớt trong phổi được đẩy ra ngoài, thông thoáng đường thở hơn. Khi trẻ bị bất kỳ bệnh lý nào cũng đều có thể gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa, đặc biệt bệnh lý hô hấp. Một số trẻ ho ra đờm nhớt thì có thể nuốt đờm nhớt đó vào đường tiêu hóa và có thể gây tiêu chảy.
Thứ hai là trẻ sử dụng kháng sinh dù là đường uống hay tiêm thì cũng có thể gây kích ứng đường tiêu hóa và bị tiêu chảy. Riêng đối với vấn đề tiêu chảy đi kèm triệu chứng đường hô hấp, nếu giải quyết được triệu chứng đường hô hấp thì tình trạng tiêu chảy sẽ đỡ. Hoặc nếu do kháng sinh thì sau vài ngày ngừng kháng sinh thì tiêu chảy sẽ được cải thiện. Nếu nằm viện các bác sĩ sẽ hỗ trợ để tình trạng tiêu chảy không quá nặng và trẻ không bị mất nước.
Đối với tình trạng viêm mũi họng, khi tập vật lý trị liệu các kỹ thuật viên cũng sẽ hỗ trợ hút đờm nhớt trẻ ra giúp đường thở trên thông thoáng cũng như đẩy đờm nhớt từ đường thở phía dưới để giúp cho đường thở dưới của trẻ dễ chịu, khí cũng vô được phổi để trẻ dễ thở hơn. Hiện tại, khoa Nhi BV Tâm Anh sẵn sàng nhận các bệnh lý về đường hô hấp kể cả viêm phổi, viêm tiểu phế quản bội nhiễm hay hen suyễn. Tuy nhiên khi chuyển viện, cần phải cân nhắc tình trạng của bé khi chuyển viện có an toàn hay không. Nếu tình trạng của trẻ ổn định, an toàn thì người thân có thể cân nhắc chuyển. Nếu trẻ thở khó, suy hô hấp thì chuyển viện có thể không an toàn với trẻ.
13. Tôi 56 tuổi bị hen phế quản nhiều năm và viêm mũi dị ứng nên rất sợ mỗi khi thời tiết trở lạnh hoặc mưa nắng thất thường. Vì mỗi lần như thế bệnh của tôi lại nặng hơn. Cách để giảm thiểu tình trạng này? Tôi nên tiêm vắc xin phòng phế cầu không?
– Khán giả Thanh Mai –
PGS.TS.BS. Chu Thị Hạnh – Phó Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, Trưởng khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội:
Trong trường hợp hen phế quản, viêm mũi dị ứng có thể nói là hai người bạn đồng hành của nhau. 80% người hen có viêm mũi dị ứng. Viêm mũi dị ứng sẽ làm nặng tình trạng hen, vì vậy để kiểm soát được các đợt cấp của viêm mũi dị ứng hoặc đợt cấp của hen thường xuyên thì cần được điều trị dự phòng hen đúng cách bằng thuốc hít, xịt có chứa Corticoid.
Đối với viêm mũi dị ứng, biện pháp điều trị trong các đợt cấp là sử dụng Corticoid tại chỗ hay thuốc kháng histamin hoặc rửa mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Mua 1 bình rửa mũi ngoài hiệu thuốc hay cửa hàng bán dụng cụ y tế, sau đó mua các gói muối. Gói muối sẵn có thể pha với 200ml nước và có thể rửa mũi hàng ngày. Ngoài ra cần tránh các tác động ngoài môi trường như khói, bụi, trời lạnh. Không nên đang trong điều hòa lạnh mà đi ra ngoài không khí nóng. Khi ra ngoài nên đeo khẩu trang vì có thể nhiễm thêm các vi khuẩn ở bên ngoài. Với thời tiết hiện tại nhiều loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở nhanh như phế cầu khuẩn, Covid-19, cúm,… có thể làm tình trạng viêm mũi xoang nặng hơn.
Đối với trường hợp người lớn tuổi, có bệnh nền thì cần tiêm vắc xin phế cầu khuẩn càng sớm càng tốt để tránh nhiễm thêm phế cầu làm nặng tình trạng viêm mũi dị ứng. Ngoài ra, nếu hen phế quản nặng hơn do đợt cấp, hoặc viêm phổi do phế cầu trên nền hen phế quản thì nguy cơ suy hô hấp, nhập viện điều trị tích cực hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy, cần sớm tiêm vắc xin phế cầu và các loại vắc xin khác tốt cho đường hô hấp như vắc xin cúm, ho gà- bạch hầu – uốn ván, Covid-19.
Hiện đó, nhờ có vắc xin Covid-19 tỷ lệ mắc giảm nhiều, nếu mắc bệnh cũng không quá nặng, không có biến chứng nặng nề như tắc mạch phổi, xơ phổi. Nếu mắc bệnh thêm các vi khuẩn khác trên nền hen phế quản thì hen sẽ nặng hơn rất nhiều vì bệnh hen phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Ngoài ra, đường hô hấp cũng đang bị tổn thương, miễn dịch suy giảm, vì vậy việc bổ sung thêm miễn dịch cơ thể bằng vắc xin là cần thiết trong trường hợp của bạn và các trường hợp người có bệnh hô hấp mãn tính.
14. Khả năng viêm màng não do phế cầu khuẩn như thế nào? Người lớn cần tiêm mấy mũi phế cầu khuẩn? Bệnh viêm màng não do phế cầu khuẩn nguy hiểm như thế nào, có gây khó khăn cho việc điều trị không?
– Khán giả Lạc Dương gửi về fanpage VTV24 –
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC:
Khi phế cầu khuẩn vượt qua hàng rào máu não để lên tới não, ai cũng có thể bị viêm màng não. Điều trị viêm màng não do phế cầu rất khó khăn. Những bệnh lý liên quan đến màng não, ngoài khả năng tử vong, dù điều trị khỏi vẫn có thể để lại nhiều di chứng. Phế cầu khuẩn có đặc tính kháng thuốc rất cao, điều này gây khó khăn rất nhiều trong điều trị. Vắc xin phế cầu có tính miễn dịch cộng đồng khi tiêm cho trẻ em và người lớn. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao thì những người xung quanh cũng được bảo vệ, không bị mắc bệnh. Trong gia đình, nếu một thành viên được tiêm thì cũng bảo vệ được những thành viên chưa được tiêm. Mình đừng nên đắn đo mà hãy tiêm ngay khi có thể, để tránh bị bệnh cho chúng ta và cho cả gia đình chúng ta. Hiện nay, vắc xin phế cầu ở VNVC không phải đăng ký trước hay chờ đợi lâu.
15. Bé 27 tháng, thường xuyên bị ốm, viêm tai giữa, viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Có cách nào hay thuốc nào tăng cường sức đề kháng của hệ hô hấp của bé không? Bé đang ốm, có tiêm được vắc xin phế cầu không?
Ths.BS. Lê Phan Kim Thoa – Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM:
Với trẻ 27 tháng, viêm tiểu phế quản là hiếm gặp, có thể trẻ bị viêm phế quản và viêm phổi liên tục do một số nguyên nhân. Bé có bệnh lý nào đó gây suy giảm miễn dịch, hoặc bé chưa được tiêm chủng tạo miễn dịch chủ động để có khả năng chống lại virus, vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập. Quan trọng là đừng để hệ hô hấp bị tổn thương. Cần giữ ấm cho trẻ để hệ hô hấp không bị kích ứng, đừng thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột như đi từ trong phòng lạnh ra ngoài nắng nóng hoặc ngược lại. Điều này sẽ làm đường hô hấp bị kích thích, trẻ dễ bị viêm nhiễm hơn. Chú ý tránh tiếp xúc với ô nhiễm do khói, bụi, khói thuốc lá; tạo môi trường thoáng mát, sạch sẽ. Khói thuốc lá sẽ gây kích ứng đường hô hấp của trẻ. Quan trọng là dù có giữ cách mấy đi nữa nhưng không tạo miễn dịch chủ động, tức là cho cơ thể trẻ biết cách chống lại các siêu vi, đặc biệt là phế cầu thì thế nào trẻ cũng sẽ bị nhiễm phế cầu. Miễn dịch chủ động tốt nhất là tiêm. Hiện nay, tất cả các loại vắc xin đều được nghiên cứu rất kỹ, trải qua các thử nghiệm lâm sàng từ nhóm nhỏ đến nhóm lớn về tính an toàn và hiệu quả. Cho đến bây giờ, điều khó chịu nhất mà vắc xin phế cầu gây cho trẻ chỉ là sốt, thường kéo dài trong vòng 24 giờ.
Nếu trẻ đang ốm có tiêm vắc xin được không? Với trẻ tình trạng bệnh rất nặng, đang tiến triển, có những cái chưa kiểm soát được thì trẻ mới không được tiêm. Thậm chí, có những trẻ bị động kinh, phụ huynh rất lo sợ, nhưng trẻ hoàn toàn có thể tiêm được. Chúng ta lo sợ tiêm vắc xin vào, trẻ bị sốt dẫn đến co giật hãy chuẩn bị sẵn các loại thuốc hạ sốt an toàn như paracetamol, 15mg/1kg cân nặng, khi trẻ chủng ngừa về thì cho trẻ uống hoặc nhét hậu môn. Với trẻ bị động kinh và đã kiểm soát được thì không hề có chống chỉ định tiêm vắc xin. Quan trọng là chọn lựa nơi nào chủng ngừa, để giả sử xảy ra trường hợp xấu xảy ra thì có can thiệp chu đáo.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC:
Ở trung tâm VNVC nào, chúng tôi cũng đều tuân thủ khám sàng lọc cho tất cả các khách hàng đến tiêm chủng. Chúng tôi đo nhiệt độ, khám tim phổi, tiền sử bệnh như thế nào. Khi khám sàng lọc, các khách hàng nên trình bày hết những băn khoăn, những bệnh lý trước đây. Ngay cả chăm sóc tại nhà, bác sĩ chúng tôi cũng sẽ hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà, những dấu hiệu nặng cần phát hiện sớm để đưa trẻ đến bệnh viện. Vì vắc xin là chất lạ, từ bên ngoài đưa vào cơ thể, nên có thể gây ra các phản ứng, gọi là sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Nhưng tỷ lệ này rất là hiếm, khoảng 1/1 triệu. Nhưng chúng tôi rất cẩn thận, sẽ hướng dẫn đầy đủ những điều cần thiết. Trong số tiêm chủng của VNVC, có trang hướng dẫn cho phụ huynh phát hiện như trẻ sốt như thế nào thì uống thuốc. Tại trung tâm, chúng tôi theo dõi rất kỹ trong 30 phút sau tiêm. Ngoài ra, còn có đường dây nóng của VNVC hoạt động 24/24 để tiếp nhận thông tin của phụ huynh. Những trường hợp cần thiết, sẽ có sự tư vấn của bác sĩ chúng tôi.
16. Vắc xin phế cầu có cần tiêm trước hay tiêm sau vắc xin Covid-19 không?
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC:
Ban đầu, do vắc xin Covid-19 là loại vắc xin mới nên thận trọng cách 14 ngày trước và sau khi tiêm vắc xin Covid-19. Nhưng hiện nay vắc xin Covid-19 có thể tiêm cùng lúc hoặc bất cứ lúc nào khi cơ thể khỏe mạnh. Chẳng hạn có thể sáng tiêm vắc xin Covid-19 ở Hệ thống BVĐK Tâm Anh, sau đó trong cùng một ngày sang VNVC tiêm chủng đều được. Một lúc có thể tiêm nhiều mũi chứ không chỉ riêng Covid-19 với phế cầu.
17. Em khó thở, ho, đi bệnh viện khám và được chẩn đoán viêm phế quản. Sau 2 ngày uống thuốc, cảm thấy đỡ ho, đỡ khó thở. Ban ngày thì bình thường, nhưng đêm thì khó chịu và ớn lạnh, khó ngủ, tim đập nhanh hơn bình thường, có cách nào điều trị? Em 30 tuổi có còn tiêm được vắc xin không?
PGS.TS.BS.Chu Thị Hạnh – Phó Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, Trưởng khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội:
Tôi nghĩ chưa chắc bạn chỉ có viêm phế quản không mà có thể có bệnh lý nào khác về hô hấp như bệnh lý nhiễm trùng hoặc không loại trừ có hen phế quản. Bạn cần đến chuyên gia hô hấp để được khám kỹ hơn, phát hiện bệnh rõ ràng hơn. Có thể cần xét nghiệm cận lâm sàng như chụp X-quang phổi, đo chức năng thông khí. Bởi viêm phế quản thông thường thì 80% là do virus, một phần nhỏ là do vi khuẩn. Cũng có trường hợp đồng nhiễm cả virus và vi khuẩn. Người 30 tuổi hoàn toàn tiêm được vắc xin phòng phế cầu. Vắc xin phòng phế cầu được sử dụng từ 1980 đến nay, chỉ chống chỉ định khi quá mẫn với các thành phần của vắc xin, như tiền sử bị sốc phản vệ với tiêm vắc xin. Bạn có thể tiêm khi các bệnh cấp tính đã ổn định hoặc khi không có sốt. Vì tiêm lúc này sẽ làm chồng chéo các triệu chứng, rất khó phân biệt. Nên tiêm sớm khi không có các bệnh cấp tính.
18. Con tôi năm nay 4 tuổi, bị ho và viêm phế quản dai dẳng gần 3 tháng sau Covid-19, đã đi khám chữa nhiều nơi, dùng nhiều thuốc nhưng không khỏi hẳn, khi bị Covid-19 thì cháu chỉ sốt và ho nhẹ và có dùng kháng sinh điều trị Covid-19? Vậy con tôi có bị ảnh hưởng gì không, và làm cách nào cho cháu khỏi ho?
Ths.BS. Lê Phan Kim Thoa – Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM:
Sau Covid-19, những triệu chứng người bệnh hay gặp: ho, ho dai dẳng, hoặc tằng hắng liên tục,… không nghiêm trọng nhưng ảnh hưởng tới việc học tập, tới những người xung quanh và làm bé rất khó chịu. Đồng thời cũng có những bé đợt viêm phế quản tái đi tái lại. Thậm chí, có những người lớn bị tình trạng hen suyễn, hoặc viêm phế quản cũng khá là nặng, đối với bệnh nhi trong giai đoạn này mặc dù là chúng ta chưa có nghiên cứu nào thật cụ thể để biết rằng liệu sau Covid-19 có làm cho tình trạng hen suyễn hoặc viêm phế quản của trẻ nặng hơn không.
Theo ghi nhận tại BVĐK Tâm Anh, chúng tôi đã gặp điều trị trên lâm sàng, hiện nay có những trẻ khi đã từng bị suyễn thì khi vô cơn suyễn sẽ nặng hơn. Nếu lúc trước những cơn viêm phế quản, viêm tiểu phế quản của trẻ rất đơn giản thường là điều trị ngoại trú, trong giai đoạn hiện nay những trẻ sau điều trị Covid-19 thì tỷ lệ nhập viện sẽ cao hơn. Không thiếu những trường hợp điều trị viêm phế quản tái đi tái lại, vừa hết một vài ngày lại tái lại rất dai dẳng trong vòng 2 đến 3 tháng.
Nếu trẻ đã từng mắc Covid-19 đã được điều trị kháng sinh, giai đoạn đó có bội nhiễm thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị thêm kháng sinh, và kháng sinh đó không phải nguyên nhân gây viêm phế quản dai dẳng sau này mà có lẽ là có tổn thương phổi ở những trẻ bị Covid-19, và những tổn thương này khi trẻ mắc về đường hô hấp sau này sẽ khó điều trị hơn, kéo dài dai dẳng hơn. Mỗi trẻ sẽ có 1 biểu hiện khác nhau, có thể từ chuyện tằng hắng, cho đến viêm phế quản phổi, do đó trẻ vẫn còn những cơn ho kéo dài hoặc viêm phế quản kéo dài chưa thể giải quyết được. Cần đưa trẻ đi khám và nếu cần thì làm thêm một số xét nghiệm để xem thử những cơn ho kéo dài hoặc viêm phế quản kéo dài đó còn có gì tiềm ẩn ở dưới hay không. Chúng ta phải tìm nguyên nhân chính xác thì mới giải quyết một cách triệt để được bệnh lý kéo dài của trẻ.
19. Tôi đã mắc Covid-19 2 lần, có bệnh nền là viêm gan B mãn tính, tiền sử xơ phổi, vậy tôi có tiêm vắc xin cúm và vắc xin phế cầu được không, và có cần lưu ý gì khi tiêm không?
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC:
Những người có nhiều bệnh nền, những yếu tố nguy cơ càng nhiều khi mắc một bệnh truyền nhiễm thì bệnh sẽ nặng hơn và khả năng nhập viện sẽ cao hơn, tỷ lệ tử vong cũng sẽ cao hơn. Nếu bạn đã mắc Covid-19 2 lần, có bệnh lý như xơ phổi, bệnh gan mãn tính, bạn vẫn tiêm được vắc xin phòng cúm, vắc xin phòng phế cầu hay những vắc xin hiện nay tùy theo lứa tuổi của bạn. Đến VNVC, chúng tôi sẽ tư vấn nhiều loại vắc xin mình có thể phòng được bệnh, làm nhẹ đi gánh nặng mà cơ thể mình đang phải điều trị, những bệnh mình đang có sẵn, mình tránh những bệnh do vắc xin mà phòng được, nó sẽ có lợi cho sức khỏe của mình hơn.
20. Mẹ bị viêm âm đạo có phải đẻ con thì sẽ có nguy cơ viêm màng não mủ hay không. Nếu có thì vì sao?
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC:
Trong những trường hợp bệnh lý lây truyền từ mẹ sang bé, em bé khi qua âm đạo thì có thể bị lây nhiễm rất nhiều mầm bệnh, chính vì vậy chúng ta cũng không biết trước được là người phụ nữ đó họ đang mắc những bệnh gì, ví dụ bệnh như HPV chẳng hạn, những đứa trẻ khi qua âm đạo người mẹ có thể hít phải những vi khuẩn, siêu vi trùng đó, cũng có thể gây nên bệnh lý đường hô hấp hoặc búa gai hô hấp. Ngoài ra còn những bệnh lý khác.
Bệnh lý viêm màng não bạn nói do những con vi trùng thường trú ở những vùng hầu họng, ví dụ như vi khuẩn Hib, phế cầu, não mô cầu, virus cúm,… khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch, hoặc do một cái trầy xước nào đó ở trên đường hô hấp (nhiễm virus hoặc vi trùng nào đó) thì những vi trùng thường trú sẽ có cơ hội tấn công, khi vượt qua hàng rào máu não thì sẽ gây ra viêm màng não. Trong trường hợp mẹ nhiễm HPV, em bé có thể bị những búa gai của đường hô hấp rất nguy hiểm.
21. Tiêm vắc xin phế cầu 13 xong thì bao lâu sẽ được mang thai?
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC:
Ở VNVC đã có những Gói tiêm chủng cho phụ nữ có thai. Phụ nữ khi mang thai cần chủng ngừa đầy đủ có thể phòng bệnh được cho bản thân người mẹ, đồng thời khi mình có đáp ứng miễn dịch, sinh ra kháng thể do được tiêm, kháng thể đó sẽ được truyền qua nhau thai và em bé sẽ được hưởng những kháng thể từ mẹ để những ngày tháng đầu đời khi bé chưa được tiêm chủng thì bé cũng được bảo vệ.
Ngoài tiêm lao, viêm gan B em bé sinh ra thì tiêm liền nhưng những cái bệnh khác như phòng 6 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, rồi viêm màng não do Hib, phế cầu. Phụ nữ cần tiêm phòng đầy đủ để chuẩn bị mang thai thì những bệnh có thể gây ra những cái bất thường của thai nhi, đó là những bệnh lây truyền từ virus như là bệnh sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, thì chúng ta nên tiêm phòng.
Nếu phụ nữ bị nhiễm Rubella trong giai đoạn mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì 90% em bé sẽ bị dị dạng thai. Trong những trường hợp bị nhiễm thủy đậu, đặc biệt là 3 tháng cuối của thai kỳ, 1 tuần lễ trước khi sinh em bé, em bé sẽ bị nhiễm thủy đậu sơ sinh rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao, còn những vắc xin như là vắc xin phòng HPV, có thể chuẩn bị càng sớm càng tốt. Vắc xin không phải vắc xin sống giảm độc lực không có giới hạn khoảng thời gian là bao lâu có thai được, do không có nghiên cứu trên những phụ nữ đang mang thai, vì vậy để mà mình chuẩn bị một sức khỏe tốt thì tất cả những vắc xin nào mà người lớn tiêm phòng được thì phụ nữ trước mang thai đều có thể tiêm phòng được. Chỉ riêng vắc xin Sởi – Quai bị – Rubella, thủy đậu cần tuân thủ hoàn thành lịch tiêm 3 tháng trước khi mang thai vì nó là những vi rút sống. Vắc xin khác thì có thể tiêm không cần những khoảng cách nhất định là mình phải kiêng có thai bao lâu mà cũng không cần xét nghiệm trước thử thai xem có đang mang thai hay không. Giả sử như bạn đang tiêm mà phát hiện mình có thai thì có thể tạm thời ngưng ở giai đoạn đó, sau khi sinh em bé bạn lại tiếp tục phác đồ tiêm chủng.
22. Tôi năm nay 45 tuổi, làm shipper, thời gian làm việc thất thường, lúc đầu mới làm thì tôi cảm thấy bình thường, nhưng gần đây nhiều lần bị viêm họng, ho, cứ hết 1 thời gian thì bị tái lại, vậy tôi có cần phải đi khám hay không? Gia đình tôi có người bị mất vì ung thư phổi thì có khả năng di truyền hay không? Tuổi của tôi thì cần tiêm vắc xin gì?
PGS.TS.BS. Chu Thị Hạnh – Phó Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, Trưởng khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội:
Bạn là người thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, và bây giờ xuất hiện các cái triệu chứng mệt mỏi, khó thở, ho khạc đờm tái đi tái lại, với các triệu chứng như vậy thì rất giống các triệu chứng của Phổi tắc nghẽn mạn tính, có nghĩa là bệnh viêm mạn tính đường hô hấp bởi sự tiếp xúc của đường hô hấp với khói bụi, các chất khí độc hại, và biểu hiện trên lâm sàng đó là tình trạng ho khạc đờm tái đi tái lại trong nhiều tháng nhiều năm, bạn cần được thăm khám 1 cách kỹ lưỡng, đo chức năng thông khí để loại trừ khả năng là bạn bị bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính, và nếu như bạn có bị thì cũng cần phát hiện sớm để được điều trị sớm, nếu mà để muộn thì cái vấn đề điều trị sẽ khó khăn, chức năng hô hấp sẽ suy giảm rất nhiều, rút ngắn thời gian sống còn.
Bạn cũng có lo lắng về vấn đề ung thư phổi vì trong gia đình bạn có người bị ung thư phổi, hiện nay người ta thấy vai trò của đột biến gen trong ung thư phổi, cái vấn đề gen di truyền ung thư phổi theo 1 cách nào đó vẫn chưa xác định được. Tuy nhiên, ở những gia đình có người bệnh bị ung thư phổi thì những người trong gia đình đó cùng huyết thống, nguy cơ mắc ung thư phổi là 8% và sẽ tăng lên nếu bạn tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ chẳng hạn như hút thuốc lá, thuốc lào, tiếp xúc với khói bụi, tiếp xúc bụi amiang, hay các bụi như bụi silic thì nguy cơ mắc ung thư phổi cũng sẽ cao hơn so với những người trong gia đình không có người bị mắc ung thư phổi.
Do vậy, bạn nên có lối sống lành mạnh, tức là không bia rượu, thuốc lá, tránh tiếp xúc với khói bụi, khi đi làm shipper cần đeo khẩu trang cẩn thận và tránh những nơi có nhiều bụi, phải đảm bảo có 1 cơ thể khỏe mạnh, tầm soát các bệnh lý hiện bạn đang có để điều trị kịp thời, có một chế độ dinh dưỡng phù hợp để có 1 cơ thể khỏe mạnh, phải có 1 hệ miễn dịch tốt, đó là ngoài phòng tránh các yếu tố nguy cơ, thì việc tiêm chủng ngừa vắc xin để có thể ngừa lây nhiễm có thể làm nặng thêm tình trạng hiện có của bạn cũng hết sức cần thiết. Người ta cũng thấy rằng là nếu như những người có bố mẹ, anh chị em ruột bị ung thư phổi, các nguy cơ mắc ung thư phổi của người đó cũng khá cao so với những người có cô, dì, chú, bác thôi. Chẳng hạn như đối với bố, mẹ, anh chị em ruột thì sẽ là 50%, còn cô dì chú bác thì chỉ còn 18-20%. Chung là người ta thấy có vai trò của di truyền trong ung thư phổi, vì vậy cần lưu ý để đi khám và phát hiện sớm.
Độc giả có thể theo dõi toàn bộ chương trình Tư vấn trực tuyến: “Vắc xin phế cầu và các vắc xin cần thiết cho trẻ em & người lớn giai đoạn giao mùa” và tiếp tục gửi các thắc mắc để được các chuyên gia đầu ngành của VNVC giải đáp.
23. Con em 5 tuổi, sinh non, có tiền sử viêm phổi lúc mới sinh, vừa rồi con bị viêm phổi nặng phải nhập viện, bác sĩ bảo do nằm điều hòa không đúng cách. Viêm phổi có ảnh hưởng đến sức khỏe sau này không, trẻ chưa tiêm phế cầu nên tiêm mấy mũi?
Ths.BS. Lê Phan Kim Thoa – Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM:
Một trẻ sinh non bị viêm phổi nặng thường đường hô hấp rất yếu. Đối với những trẻ sinh non, các bác sĩ sẽ dùng cân nặng hiệu chỉnh, chiều cao hiệu chỉnh, tức là lúc đó không tính tuổi thật của trẻ, đáng lẽ trẻ sinh ra đời là được 2 tuổi, hoặc là được 18 tháng thì chúng tôi phải trừ bớt đi những tháng trẻ bị sinh non, đó là cách tính chính xác cho sự phát triển của trẻ sinh non. Trẻ được hơn 2 tuổi chúng tôi cho thấy là trẻ sẽ bắt kịp với những trẻ sinh ra bình thường. Do đó đối với tình trạng trẻ đã 5 tuổi rồi, không cần phải suy nghĩ chuyện sinh non. Do trẻ sinh non nên đường hô hấp yếu trẻ bị tái đi tái lại mà có lẽ chuyện viêm phổi nặng nó có liên quan đến chuyện trẻ chưa được chủng ngừa phế cầu. Bởi vì lúc trước đối với những trẻ dưới 5 tuổi, tác nhân gây nên viêm phổi thường gặp là Hib, nhưng bây giờ dù trẻ nhỏ hay trẻ lớn thì tình trạng viêm phổi đa phần là do phế cầu. Đa số những trẻ sinh ra là được tiêm vắc xin phòng Hib, vì Hib là vắc xin nằm trong chương trình TCMR, còn phế cầu là chương trình tiêm chủng dịch vụ, tức là chúng ta phải tự trả phí để tiêm mũi phế cầu, nên có gia đình thì tiêm, có gia đình thì không. Nếu như đa số những trẻ không được tiêm phế cầu thì phế cầu gây viêm phổi sẽ trội lên.
Vậy tình trạng viêm phổi nặng có liên quan nằm điều hòa không đúng cách hay không? Nằm điều hòa không đúng cách chỉ là 1 yếu tố thuận lợi, tức là nếu như trẻ nằm mà lạnh quá, đường hô hấp sẽ bị kích ứng, dẫn đến dễ bị bệnh. Phế cầu sẽ là 1 tác nhân đã có sẵn trong đường hô hấp của trẻ, ở những trẻ bình thường vẫn có, và khi đường hô hấp bị yếu đi, phế cầu sẽ trội lên và gây nên tình trạng viêm phổi, chứ không phải do chúng ta nằm điều hòa không đúng cách.
Do đó nếu trẻ chưa được tiêm phế cầu, bạn phải nhanh chóng đưa trẻ đi đến cơ sở y tế chẳng hạn như VNVC để tiêm vắc xin phế cầu, phải chọn lựa đúng thời điểm, tức là ngay lúc chúng ta có khả năng tiếp cận được vì qua trận dịch vừa rồi, tôi gặp rất nhiều phụ huynh muốn đi nhưng không đi được bởi vì giãn cách. Hoặc là được đi rồi thì lúc đó ai cũng đổ xô đi tiêm, tức là con mình muốn tiêm, đi được thì lại không có vắc xin. Thành ra ngay thời điểm có thể hãy đi chủng ngừa liền.
Bé đã 5 tuổi bị viêm phổi nặng mà chưa tiêm thì rất đáng lo, đặc biệt là phế cầu có thể đưa đến viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não… và để lại những di chứng rất nặng nề. Vừa rồi, BVĐK Tâm Anh có nhận 1 trường hợp cũng vì trễ chưa tiêm phế cầu đã dẫn đến tình trạng viêm phổi nặng, phổi gần như có những ổ hoại tử và phải sử dụng kháng sinh rất mạnh để điều trị. May mắn trẻ thoát ra khỏi và không để lại di chứng. Nhưng giả sử phổi bị tổn thương trùng huyết, viêm màng não chúng ta sẽ rất ân hận.
Với gần 70 Trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc, được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại, hệ thống dây chuyền lạnh (Cold Chain) chuẩn GSP đảm bảo chất lượng vắc xin theo đúng quy định, quy trình an toàn tiêm chủng được đảm bảo nghiêm ngặt, dịch vụ chăm sóc khách hàng cao cấp và giá thành hợp lý, VNVC là địa chỉ vàng tiêm chủng được rất nhiều gia đình Việt tin tưởng và lựa chọn.
Cùng với Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hệ thống Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, VNVC tạo thành hệ sinh thái y tế dự phòng toàn diện, chăm sóc sức khỏe chuyên sâu tại Việt Nam. Để được tư vấn và đặt lịch tiêm tại Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, vui lòng liên hệ số hotline 028.7102.6595, inbox cho fanpage VNVC – Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn hoặc đến trực tiếp các Trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc.
Mừng Giáng Sinh và Năm mới 2023, VNVC tặng ưu đãi Miễn phí tiêm vắc xin Cúm Tứ giá và Phiếu ưu đãi trị giá 100.000 VNĐ...
Xem ThêmBên cạnh vắc xin viêm gan B sơ sinh, trẻ cần được tiêm mũi lao tốt nhất trong vòng 1 tháng sau khi chào đời. VNVC ưu...
Xem ThêmSau mưa lũ, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể bùng phát, cùng với các dịch bệnh đang hoành hành như sốt xuất huyết, cúm, viêm...
Xem ThêmNgày 13/7/2022, VNVC Thủ Đức 2 chính thức khai trương tại Số 2A đường Bình Chiểu, P. Bình Chiểu, TP. Thủ Đức, TP.HCM; đáp ứng nhu cầu...
Xem ThêmTừ ngày 4/7/2022, tại 70 trung tâm tiêm chủng VNVC khắp cả nước đã được trang trí những khu vực check-in với backdrop du lịch mùa hè...
Xem ThêmNhằm tạo cơ hội cho trẻ em và người lớn được tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh trước nguy cơ các bệnh hô hấp đang...
Xem Thêm