Mở cửa 7h30 - 17h00 / T2 - CN xuyên trưa *
Cách điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhanh khỏi, hiệu quả là câu hỏi được rất nhiều người bệnh quan tâm trong quá trình chẩn đoán và chữa trị bệnh. Người mắc COPD cần sớm được phát hiện bệnh, kiểm soát chặt chẽ và ngăn ngừa tiến triển nặng.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý hô hấp ở phổi thường gặp, đặc trưng bởi tình trạng tắc nghẽn của luồng khí đi qua phổi vì đường thở bị hẹp và sưng so với bình thường gây ra tình trạng khó thở, suy hô hấp, nguy cơ cao phát triển ung thư phổi, bệnh tim mạch và các bệnh lý khác.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây ra khoảng 5% ca tử vong trên toàn cầu (tương đương hơn 3.2 triệu người) – đứng thứ 3 trong các bệnh gây tử vong hàng đầu, sau tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Cũng theo WHO, COPD đứng thứ 5 về gánh nặng bệnh tật toàn cầu. (1)
Tại Việt Nam, có khoảng 4,2% dân số trên 40 tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 37,5% người bệnh trưởng thành được ghi nhận có triệu chứng nghiêm trọng. Hội Hô hấp Việt Nam cho biết, COPD gây ra hơn 25.000 ca tử vong mỗi năm, nhiều hơn số người chết vì tai nạn giao thông.
Theo Hội Hô hấp châu Á Thái Bình Dương, tỷ lệ người trên 35 tuổi mắc bệnh COPD ở cả nam và nữ giới tại Việt Nam cao nhất khu vực. Số người bệnh ngày càng gia tăng nhanh theo thời gian do ô nhiễm không khí mức báo động, tiêu thụ hút thuốc lá và thuốc lá điện tử. Các khảo sát tại Mỹ cũng ghi nhận các người bệnh hút thuốc lá điện tử đều bị thâm nhiễm 2 bên phổi. Thậm chí, chính tiền căn bệnh lao, sống làm việc trong môi trường nhiều khói thuốc, khói bụi hen suyễn kéo dài, dùng chất đốt sinh khối… cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
COPD là bệnh mạn tính tiến triển, tức là bệnh không lây nhiễm nhưng càng ngày càng nặng theo thời gian. Cho đến nay chưa có bất kỳ phương pháp nào có thể điều trị COPD khỏi hoàn toàn, chỉ có thể điều trị giảm nhẹ triệu chứng, ngăn ngừa diễn tiến nghiêm trọng, đặc biệt trong các đợt cấp giúp người bệnh đỡ ho khạc đờm, khó thở và hết sốt…
Đặc biệt, người mắc phổi tắc nghẽn mạn tính cần tuân thủ quy trình điều trị trong khoảng thời gian dài, duy trì thuốc hít, xịt đều đặn để giảm tần suất của các đợt cấp cần nhập viện. Khi thấy có dấu hiệu bất thường, các triệu chứng kéo dài dai dẳng, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám kịp thời nhằm giảm nguy cơ biến chứng COPD, tỷ lệ tử vong và di chứng lâu dài, tàn phế do COPD gây ra.
Các triệu chứng của COPD tồn tại dai dẳng từ khi phát hiện bệnh, có thể thay đổi lúc tăng lúc giảm. Hiện không có cách điều trị COPD khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể điều trị duy trì ở trạng thái ổn định nhất, ngăn chặn bệnh không tiến triển nặng thể, kiểm soát triệu chứng, giảm khó thở, giảm thiểu biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tùy vào từng giai đoạn COPD, tình trạng sức khỏe của người bệnh, mức độ và các bệnh lý đồng nhiễm có thể xảy ra như: cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch,… mà người bệnh sẽ theo phác đồ điều trị khác nhau, tập trung phối hợp giữa các biện pháp: tránh hút thuốc lá, sử dụng thuốc điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tiêm chủng đầy đủ, chế độ sinh hoạt – dinh dưỡng lành mạnh và tham gia phục hồi chức năng hô hấp. Về cơ bản, người bệnh COPD sẽ phải dùng thuốc cả đời.
Trên thực tế, có rất nhiều tác nhân gây bệnh COPD, tuy nhiên có 5 nguyên nhân chính gây COPD tại Việt Nam đó là: khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường – không khí, lao phổi, các bệnh nhiễm trùng khi còn nhỏ và kinh tế thấp. Vì vậy, cách phòng ngừa và điều trị COPD hiệu quả nhất là dự phòng và triệt tiêu các tác nhân trên, cụ thể:
Tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ là mục tiêu cần thiết nhất trong ngăn ngừa và chữa trị COPD. Người bệnh cần cải thiện môi trường sống, ngừng tiếp xúc với khói thuốc lá (cả khói thuốc lá chủ động và thụ động), thuốc lào, thuốc lá điện tử, khói bụi, củi, than, khí độc,… Đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa, nếu người bệnh tiếp xúc với khói bụi, sương mù kích thích trực tiếp hệ hô hấp có thể dẫn đến các đợt cấp của COPD.
Thuốc lá chính là “sát thủ” hàng đầu gây bệnh COPD, có đến 80-90% người mắc phổi tắc nghẽn mạn tính bắt nguồn việc hút thuốc lá, thuốc lào, hít phải khói thuốc lâu dài,… Do vậy, ngừng hút thuốc là yếu tố tiên quyết được chứng minh có thể ngăn chặn diễn tiến nặng lên của bệnh đồng thời tăng tỷ lệ sống, giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch và ung thư phổi.
Việc cai nghiện thuốc lá trong nhiều trường hợp là tương đối khó khăn, nên người bệnh cần phải hợp tác tích cực với bác sĩ, thực hiện các biện pháp hỗ trợ cai thuốc lá phù hợp như: sử dụng kẹo cao su, thuốc hít, thuốc xịt hay miếng dán có chứa nicotin,…
Tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp như bệnh cúm mùa, viêm phổi, ho gà,… là “mồi lửa” thổi bùng nguy cơ khởi phát đợt cấp COPD khiến bệnh cảnh nặng dần lên, chức năng hô hấp giảm sút, thời gian sống bị rút ngắn lại. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin Hô hấp có thể làm giảm các triệu chứng COPD, đợt cấp nặng và giảm tỷ lệ tử vong:
Ngoài ra, người bệnh COPD cần tiêm vắc xin phòng Covid-19 càng sớm càng tốt để phòng tránh nguy cơ chồng chéo nhiều bệnh cùng lúc, bớt tạo áp lực cho lá phổi, duy trì sức khỏe. Bệnh nhân COPD phải ở giai đoạn ổn định (ngoài đợt cấp) và không dùng corticosteroid toàn thân (đường uống hoặc đường tiêm) trong vòng ít nhất 14 ngày. Trước khi tiêm chủng, người bệnh cần đi khám sức khỏe ở bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, kiểm soát bệnh ổn định và nên tiêm ở bệnh viện hoặc cơ sở y tế nơi có đủ khả năng cấp cứu ban đầu hỗ trợ.
Mặc dù không thể chữa khỏi bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoàn toàn, nhưng nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị, kiểm soát chặt chẽ triệu chứng thì vẫn có thể tham gia sinh hoạt, hoạt động thể lực, gia tăng chất lượng cuộc sống như những người bình thường khác. Phục hồi chức năng phổi không chỉ dành riêng cho người mắc COPD mà còn có hiệu quả cả với những người đang mắc bệnh phổi khác như: tăng áp phổi, bệnh phổi mô kẽ; người trước khi hoặc sau khi mổ ghép tạng, xơ nang phổi.
Phục hồi chức năng phổi là chương trình giáo dục và thể dục thể thao, có tác dụng hỗ trợ xử trí bệnh hô hấp, tăng cường năng lượng và giảm khó thở. Thông qua chương trình này, người bệnh có thể kiểm soát được hơi thở, biết cách điều hòa nhịp thở…
Thông thường, các buổi tập thể dục sẽ được thiết kế riêng cho từng trường hợp, và sẽ được giám sát bởi nhân viên phục hồi chức năng phổi. Độ khó của các bài tập sẽ đi từ đơn giản và tăng dần tùy theo khả năng của từng người.
Ở giai đoạn bệnh COPD diễn biến nặng, người bệnh bị khó thở ngay cả khi ăn khiến việc ăn uống rất kém, giảm độ ngon miệng, quá trình tiêu hóa, hấp thụ thức ăn kém,… điều này dẫn đến tình trạng tăng cân hoặc sụt cân, giảm khối mỡ.
Vì vậy, người bệnh cần phải chú ý cải thiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học, tăng cường bổ sung nhiều thực phẩm giàu protein, chất xơ, vitamin chống oxy hóa như: thịt đỏ, thịt trắng, rau sắc có màu sắc tươi sáng, sữa chua,… để tăng cường đề kháng cơ thể, bảo vệ lá phổi cho người đang điều trị COPD. Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh xa các chất kích thích như rượu bia, những thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng, tạo nên các cơn ho khan và thậm chí gây khó thở như: tôm, cua, cá tanh, rau có tính lạnh, các gia vị cay, thức ăn nhiều dầu mỡ, hạn chế ăn muối,…
Ngoài 5 cách điều trị trên, để quá trình hồi phục sức khỏe nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ đồng nhiễm với Covid-19, người bệnh COPD có thể áp dụng thêm các phương pháp:
Hiện nay, có nhiều loại thuốc được sử dụng điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD như thuốc giãn phế quản (thuốc cắt cơn), thuốc corticoid dạng hít (ICS), nhóm methylxanthine (theophylline), Roflumilast,.. hoặc trong một số trường hợp nặng, bác sĩ sẽ phối hợp các loại thuốc.
Ưu tiên các thuốc giãn phế quản dạng phun hít khí dung, liều lượng, đường dùng tùy vào mức độ và giai đoạn bệnh. Dựa vào nguy cơ gây đợt cấp (tần suất đợt cấp bệnh nhân đã mắc trong 1 năm trước đó) và mức độ triệu chứng COPD mà chia bệnh nhân COPD theo các phân nhóm A, B, C, D, từ đó có biện pháp điều trị thích hợp theo từng nhóm bệnh:
Ở nhóm người bệnh này, có thể dùng thuốc giãn phế quản khi cần, thuốc giúp cải thiện triệu chứng khó thở và có thể lựa chọn nhóm thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn hoặc dài. Tùy theo đáp ứng điều trị và mức độ cải thiện triệu chứng mà bệnh nhân tiếp tục phác đồ điều trị hoặc đổi sang nhóm thuốc giãn phế quản khác.
Loại thuốc phù hợp cho bệnh nhân nhóm B là thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, có thể lựa chọn bắt đầu điều trị bằng thuốc trong nhóm cường beta 2 adrenergic tác dụng kéo dài (LABA) hoặc thuốc trong nhóm kháng cholinergic tác dụng dài (LAMA).
Nếu người bệnh vẫn còn khó thở nặng sau khi đã dùng LABA hoặc LAMA đơn trị liệu thì ưu tiên sử dụng phối hợp cả 2 nhóm thuốc LABA với LAMA. Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy khi phối hợp 2 thuốc này giúp giảm rõ rệt nguy cơ đợt cấp so với các phác đồ điều trị khác. Cần lưu ý đối với bệnh nhân nhóm B mắc bệnh đồng nhiễm kèm theo, có nhiều triệu chứng, khó tiên lượng thì cần được đánh giá và điều trị toàn diện các bệnh đồng mắc.
Bệnh nhân thuộc nhóm này ban đầu có thể dùng một loại thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài để điều trị. Tuy nhiên, nếu người bệnh tiếp tục xuất hiện đợt cấp có thể uống phối hợp thuốc LAMA với LABA hoặc các thuốc kết hợp Corticosteroid dạng phun hít (ICS) với thuốc cường beta 2 adrenergic tác dụng kéo dài (LABA/ICS). Đặc biệt, LABA/ICS có thể áp dụng cho bệnh nhân có tiền sử và/hoặc gợi ý chẩn đoán chồng lấp hen và COPD hoặc tăng bạch cầu ái toan (E) trong máu >300/µL hay E> 100/µL và có trên từ 2 đợt cấp trung bình hoặc nặng từ 1 năm trở lên.
Tuy nhiên, do Corticosteroid dạng phun hít liên quan đến sự gia tăng nguy cơ xuất hiện viêm phổi ở một số người bệnh nên bác sĩ chỉ lựa chọn trong một số trường hợp cụ thể.
Bệnh nhân có thể bắt đầu điều trị với kết hợp giữa thuốc LABA với LAMA hoặc uống phối hợp LABA/ICS khi có tiền sử và/hoặc gợi ý chẩn đoán chống lấp giữa bệnh hen phế quản và COPD hoặc những bệnh nhân có tăng E trong máu >300/µL hay E> 100/µL và có trên từ 2 đợt cấp trung bình hoặc nặng từ 1 năm trở lên.
Đối với người bệnh vẫn xuất hiện đợt cấp dù điều trị phác đồ phối hợp 2 thuốc LABA/LAMA, được đề nghị 2 phác đồ thay thế là nâng bậc với phác đồ 3 thuốc kết hợp LABA/LAMA/ICS hoặc chuyển sang phác đồ LABA/ICS. Nếu người bệnh được điều trị LABA/LAMA/ICS vẫn xuất hiện các đợt cấp thì có thể xem xét thêm các lựa chọn như:
Trong thực tế điều trị, cứ mỗi 3-6 tháng người bệnh cần được đánh giá lại hiệu quả của liệu pháp điều trị COPD ban đầu để có hướng điều trị tiếp theo phù hợp nhất để dự phòng đợt cấp và giảm triệu chứng của bệnh.
Đáng lo ngại, việc không tuân thủ phác đồ điều trị, không sử dụng thuốc đúng cách khiến mục đích điều trị bệnh rút ngắn – giai đoạn bệnh nặng sẽ diễn tiến nhanh hơn. Đây là những sai lầm thường thấy ở nhóm người cao tuổi mắc COPD khiến bệnh khó cải thiện dứt điểm, thậm chí trầm trọng hơn.
Thở oxy ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là liệu pháp hỗ trợ bệnh nhân đang trong tình trạng bị thiếu oxy máu, suy hô hấp. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, mà liệu pháp thở oxy chữa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được sử dụng ngắn hạn tại các cơ sở y tế hoặc được bác sĩ chỉ định sử dụng dài hạn ngay tại nhà.
Thông khí không xâm lấn (NIV) là hình thức hỗ trợ thở máy không xâm nhập cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mà không sử dụng ống đặt nội khí quản. Liệu pháp này được bác sĩ chỉ định cho những đối tượng suy hô hấp cấp và mạn tính, giúp người bệnh tránh được các biến chứng tiềm ẩn khi thông khí cơ học xâm lấn. Ngoài ra, liệu pháp này còn được sử dụng để hỗ trợ liệu pháp cai thở máy.
Đối với những người bệnh COPD ở giai đoạn nặng, không đáp ứng được các phương pháp điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp điều trị COPD khác không hiệu quả thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật:
Đây là phương pháp phẫu thuật cắt bỏ các phần nhỏ của mô phổi bị tổn thương ở phần trên (các vùng khí phế thũng không còn chức năng), giúp tạo thêm không gian trong khoang ngực để các mô phổi khỏe mạnh còn lại được mở rộng. Qua đó, giúp cơ hoành hoạt động hiệu quả hơn, hỗ trợ cải thiện chức năng phổi, khả năng gắng sức, và chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân nặng.
Phẫu thuật ghép phổi là phương pháp thay thế phổi bị tổn thương bằng phổi khỏe mạnh của người hiến. Phương pháp này được chỉ định dành cho người bệnh COPD nặng và tiên lượng xấu. Sau khi cấy ghép, người bệnh sẽ cải thiện được khả năng thở và hoạt động thể chất. Tuy nhiên, ghép phổi là phẫu thuật lớn với nhiều rủi ro nên cần cân nhắc các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra. Người bệnh sau khi phẫu thuật ghép phổi cần phải dùng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời.
Phẫu thuật này sẽ cắt đi khoảng 20% – 30% phần phổi bị tổn thương nặng nhất, giúp tăng đường kính dẫn khí ở phần phổi còn lại. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thông khí, giúp người bệnh COPD dễ thở hơn cũng như giảm các triệu chứng bệnh.
Trên đây là toàn bộ cách điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD cực kỳ đa dạng, dựa vào tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp nhất. COPD là bệnh mạn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn, vì vậy hãy chủ động dự phòng càng sớm càng tốt đồng thời tăng cường hỗ trợ đề kháng bằng vắc xin Hãy cùng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tiêm vắc xin đầy đủ, chung tay bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng!
Trẻ viêm phổi nặng phải nhập viện điều trị thời gian dài, nguy cơ cao phải chịu nhiều biến chứng di chứng, thậm chí tử vong. Vì...
Xem ThêmViêm phổi ở trẻ em có nguy hiểm không? Biến chứng viêm phổi ở trẻ em? Dấu hiệu nhận biết viêm phổi nặng ở trẻ em? Cách...
Xem ThêmBiến chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD nếu không được phát hiện và can thiệp sớm có thể dẫn đến hàng loạt di chứng lâu...
Xem ThêmViêm phổi bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là một trong những nguyên nhân nguy hiểm nhất dẫn đến tử vong của trẻ em giai đoạn sơ...
Xem ThêmBiến chứng viêm phổi vô cùng nguy hiểm, có thể kể đến như tràn dịch màng phổi, áp xe phổi, thậm chí có thể gây tổn thương...
Xem ThêmViêm phổi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng nhập viện và tử vong ở trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền. Trong bối...
Xem Thêm