Mở cửa 7h30 - 17h00 / T2 - CN xuyên trưa *
Biến chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD nếu không được phát hiện và can thiệp sớm có thể dẫn đến hàng loạt di chứng lâu dài nguy hiểm, suy hô hấp nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, thậm chí khiến người bệnh không qua khỏi.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease – COPD) là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính làm giảm chức năng thông khí ở phổi. Bệnh có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian. Người bệnh thường cảm thấy khó thở vì đường thở bị hẹp so với bình thường và có thể dẫn để suy hô hấp, chạy máy thở, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.
Nguyên nhân hàng đầu gây COPD là do tiếp xúc với khói thuốc lá (hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động), có khoảng ¾ số ca mắc COPD là do hút thuốc lá. Các yếu tố nguy cơ khác như: ô nhiễm không khí, khói bụi trong sinh hoạt và sản xuất,…
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang ảnh hưởng đến gần 350 triệu người, chiếm khoảng 5% dân số thế giới. COPD cũng là nguyên nhân thứ 3 trong các tác nhân gây tử vong (với khoảng 3.2 triệu người chết mỗi năm) và đứng thứ 5 về gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh khá cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các ca COPD chiếm tỷ lệ 7,1% ở nam và 1,9% ở nữ từ 40 tuổi trở lên. Mặc dù y học đã có nhiều nỗ lực cập nhật chẩn đoán cũng như điều trị nhưng tỷ lệ mắc và tử vong của COPD vẫn tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Do vậy, việc nắm được kiến thức đầy đủ để phòng tránh và kiểm soát bệnh là rất cần thiết và quan trọng.
Phổi tắc nghẽn mãn tính COPD là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, diễn tiến nhanh và nặng dần. Các biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể kể đến như: tràn khí màng phổi, suy tim, giảm tuổi thọ, tàn phế. Đặc biệt, cho đến nay bệnh COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn, nên người mắc phải “sống chung” suốt đời với bệnh. Mặt khác, hiện nay số người mắc COPD đang có xu hướng tăng lên, gây áp lực cho ngành y vì đây là bệnh kéo dài, chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu. Vì vậy, người bệnh gặp nhiều khó khăn, tốn kém nhiều thời gian và chi phí điều trị.
Biến chứng của COPD có thể phát triển tại bất kỳ thời điểm nào, dưới đây là 17 biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD nghiêm trọng nhất:
Đợt cấp COPD (hay còn gọi là đợt kịch phát – COPD Exacerbation) là tình trạng các triệu chứng hô hấp biến đổi cấp tính từ giai đoạn ổn định trở nên xấu đột ngột, ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng phổi, đòi hỏi có sự thay đổi ở phác đồ điều trị thông thường. Trong đó, có hơn 80% đợt cấp do nhiễm trùng bởi virus hoặc vi khuẩn (COPD bội nhiễm).
Theo thống kê, có đến 60-70% người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có 1 đợt cấp COPD trong vòng 2-4 năm. Ai mắc COPD đều có nguy cơ bị đợt cấp, nếu không được phát hiện kịp thời, tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn và dẫn đến tiên lượng bệnh nặng. Đặc biệt, người bệnh có càng nhiều đợt cấp có tỷ lệ tử vong càng cao hơn.
Đáng lo ngại, tỷ lệ sống của bệnh nhân sau đợt cấp giảm dần theo thời gian, nghiên cứu đa trung tâm tổng hợp 25 trung tâm trên thế giới trên 1000 bệnh nhân đã trải qua đợt cấp COPD cho thấy, sau 2 năm tỷ lệ sống của những bệnh nhân này giảm còn 50,7%. Ngoài ra, người trải qua đợt cấp còn có nguy cơ gặp phải các hậu quả COPD nghiêm trọng như: tràn khí màng phổi, tăng áp lực động mạch phổi, suy tim, ung thư phổi, loãng xương,…
Những người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nguy cơ cao bị các bệnh nhiễm trùng phổi hoặc viêm phổi hơn người khác. Một nghiên cứu trên 179.759 người trưởng thành đang điều trị COPD cấp cho kết quả viêm phổi phát triển ở khoảng 36% số bệnh nhân. Nghiên cứu khác cũng cho thấy, bệnh nhân COPD lớn tuổi có nguy cơ mắc viêm phổi cao gấp 6 lần.
Nhiễm trùng phổi do COPD có thể gây ra một chuỗi các vấn đề làm suy yếu chức năng phổi như: nhiễm trùng máu, tràn dịch màng phổi, áp xe ở phổi,… Điều này làm sụt giảm sức khỏe người bệnh nhanh chóng và có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn.
Bệnh COPD kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính. Đây là tình trạng phổi không nhận đủ lượng oxy, hoặc sự tích tụ quá nhiều carbon dioxide làm hỏng các cơ quan trong cơ thể, đồng thời làm suy giảm oxy máu động mạch, kết quả làm chậm quá trình phân phối oxy đến các mô.
Các biến chứng nguy hiểm của tình trạng suy giảm chức năng hô hấp cấp tính gồm: Loạn nhịp tim, chấn thương, tổn thương não; suy thận; tổn thương phổi; đe dọa tử vong,…
Đây là biến chứng viêm phổi tắc nghẽn mạn tính thường gặp nhất và phải luôn cảnh giác ở bất cứ người bệnh COPD nào. Ở bệnh nhân COPD, sự tắc nghẽn đường dẫn khí kéo dài dẫn đến hiện tượng lượng khí hít vào trong phế nang không được thở ra hết. Lượng khí tích tụ này tăng lên làm cho phế nang bị căng giãn, mỏng dần đi và dễ bị vỡ vào khoang màng phổi gây ra tràn khí màng phổi.
Khi đó, người bệnh thấy đau ngực bên tràn khí dữ dội, khó thở đột ngột, ho. Có trường hợp tràn khí áp lực dương hay tràn khí màng phổi có van, lượng khí ra khoang màng phổi theo một chiều nên nhanh chóng tăng áp lực đẩy phổi xẹp, suy hô hấp nặng và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Để giảm thiểu nguy cơ bị tràn khí màng phổi, người bệnh cần ngừng hút thuốc và theo dõi tình trạng bệnh COPD thường xuyên bằng cách tái khám đúng lịch hẹn và đến gặp bác sĩ ngay nếu các triệu chứng đột ngột nghiêm trọng hơn.
Trao đổi khí là quá trình máu mang oxy đến và vận chuyển carbon dioxide (CO2) ra khỏi các tế bào trong cơ thể. Tuy nhiên, khi bị COPD, việc hít thở có thể bị hạn chế, từ đó khiến lượng oxy trong máu giảm sút hoặc mức carbon dioxide tăng cao, điều này khiến người bệnh bị khó thở. Ngoài ra, nếu lượng CO2 cao cũng gây ra tình trạng đau đầu và choáng váng.
Suy tim là một trong những biến chứng COPD nguy hiểm nhất, khoảng 20-70% người bệnh COPD có nguy cơ bị suy tim. Trong giai đoạn bệnh nặng, không khí ra vào phổi bị cản trở và không được đổi mới thường xuyên, bên cạnh đó, do vách các phế nang cũng bị phá hủy, lại càng cản trở sự trao đổi khí, làm nồng độ khí oxy trong máu bị giảm, tích đọng nhiều khí cacbonic. Tình trạng thiếu oxy thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan, đặc biệt là tim.
Bên cạnh đó, tổn thương phế quản và phế nang càng nhiều khiến áp lực máu trong tuần hoàn phổi càng tăng, tim phải làm việc nhiều hơn, lâu ngày dẫn tới tình trạng giãn và thậm chí là suy tim phải – biến chứng kèm theo “như hình với bóng” ở người bệnh COPD. Bệnh nhân COPD bị suy tim phải được gọi là “tâm phế mạn”, việc điều trị khó khăn hơn rất nhiều.
Loạn nhịp tim, đặc biệt rung tâm nhĩ (AFib) là tình trạng phổ biến ở bệnh nhân đợt cấp COPD. Ở nghiên cứu trên 1,3 triệu người mắc COPD, khoảng 18% người gặp biến chứng rung tâm nhĩ.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do thiếu oxy cơ tim, suy tim hoặc rối loạn điện giải. Rung nhĩ làm bệnh nhân khó thở hơn trong các đợt cấp, gây nguy cơ tắc mạch não do huyết khối tâm nhĩ trái và gây các rối loạn nhịp tim khác như nhịp nhanh nhĩ đa ổ, ngoại tâm thu các loại…
Tình trạng loãng xương cũng thường xuất hiện nhiều ở người bệnh COPD, xảy ra do hút thuốc lá, sử dụng nhiều thuốc steroid, tập thể dục không đầy đủ và thiếu vitamin D. Nghiên cứu chỉ ra, có đến 40% người bị COPD bị bệnh xương phổ biến này.
Khi mắc COPD, xương của người bệnh sẽ trở nên giòn, yếu và rất dễ gãy, từ đó gây khó khăn khi vận động và thực hiện các hoạt động hàng ngày. Mặt khác, vì loãng xương không gây ra các triệu chứng trong giai đoạn đầu, nên nhiều người bị COPD sẽ biết rằng họ mắc bệnh xương này chỉ sau khi bị gãy xương.
Tương tự như biến chứng mỏng sương, COPD cũng có thể gây ảnh hưởng đến cơ, làm tay và chân bị yếu, khiến các sinh hoạt và vận động hàng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Khi tay chân có triệu chứng yếu đi, người bệnh cần tham khảo và thực hiện chương trình phục hồi chức năng phổi để có thể giúp bảo tồn cơ bắp, đồng thời rèn luyện sức mạnh để xây dựng các mô cơ đã mất.
Người mắc COPD có thể gặp vấn đề về trọng lượng vì nhiều lý do như gặp khó khăn khi ăn uống do khó thở, từ đó gây sụt cân. Không những vậy, mệt mỏi kéo dài có thể làm giảm khả năng hoạt động thể chất và dẫn đến yếu cơ.
Một nghiên cứu cho thấy, có đến 58% người mắc COPD xuất hiện triệu chứng suy nhược, bao gồm:
Các triệu chứng COPD có thể làm người bệnh thức giấc vào ban đêm, khiến họ mệt mỏi vào ban ngày. Nghiêm trọng hơn triệu chứng ngưng thở khi ngủ thường xuyên xuất hiện, chính việc tạm dừng thở, cùng với mức oxy thấp, có thể làm cho bệnh nhân COPD tử vong trong giấc ngủ…
Do vậy, người mắc COPD nên đến bác sĩ tư vấn xem có nên đi xét nghiệm chứng ngưng thở khi ngủ hay không. Nếu mắc phải, bạn có thể sử dụng thiết bị thở (máy CPAP) khi ngủ, bởi vì chứng ngưng thở nếu không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch và đột quỵ.
Những thách thức về thể chất liên quan đến vấn đề “sống chung” với COPD có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Theo bài báo trên tạp chí Y học Hô hấp Chăm sóc ban đầu số tháng 7/2021, có khoảng 40% người mắc COPD bị trầm cảm, tức là có cảm giác buồn bã hoặc trống rỗng kéo dài một vài tuần.
COPD là một yếu tố nguy cơ tiến triển chứng sa sút trí tuệ, đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi bị COPD. Các tình trạng như lượng oxy thấp và lượng carbon dioxide cao có thể gây hại cho não do COPD, và tổn thương mạch máu não bổ sung do hút thuốc cũng đóng một vai trò trong việc phát triển chứng sa sút trí tuệ với COPD.
Người bệnh có thể ngăn ngừa biến chứng sa sút trí tuệ bằng các biện pháp:
Nguyên nhân chính gây COPD là thuốc lá và thuốc lào, dù là hút thuốc lá chủ động hay thụ động. Vì vậy, người bị COPD có nhiều nguy cơ diễn tiến thành ung thư phổi. Ngoài ra, yếu tố di truyền và việc thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại khác cũng có thể hình thành ung thư phổi.
Ung thư phổi có tỷ lệ tử vong rất cao, người mắc COPD cần tránh xa các yếu tố nguy cơ làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh, đặc biệt là khói thuốc, lối sống và sinh hoạt không lành mạnh, khoa học. Việc phát hiện COPD sớm và tuân thủ phác đồ điều trị đúng theo yêu cầu của bác sĩ (sử dụng thuốc hít đúng cách, đúng liều lượng hoặc tái khám đúng lịch hẹn) giúp ngăn ngừa biến chứng COPD nguy hiểm này.
Phế nang giãn nhiều là tác nhân gây chèn ép các mao mạch phổi dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi (ĐMP). Tình trạng thiếu oxy liên tục cũng gây co thắt các tiểu động mạch và làm tăng áp lực động mạch phổi. Biến chứng này khiến cho người bệnh khó thở hơn và làm tiên lượng bệnh nhân COPD xấu hơn.
Ở người bệnh COPD, biến chứng đa hồng cầu thứ phát xảy ra do tình trạng thiếu oxy liên tục. Lượng hồng cầu gia tăng giống như cơ chế tăng hồng cầu ở người sống tại các vùng núi cao do không khí loãng, thiếu oxy – sự gia tăng hồng cầu phản ứng. Số lượng hồng cầu tăng quá cao làm tăng nguy cơ tắc mạch và huyết khối ở bệnh nhân COPD.
COPD không gây ra bệnh tiểu đường nhưng ảnh hưởng khó khăn đến quá trình điều trị tiểu đường. Một số loại thuốc điều trị COPD có thể ảnh hưởng xấu đến việc kiểm soát lượng đường huyết. Ngược lại, bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương đến tim mạch và làm ảnh hưởng đến chức năng phổi.
Các biến chứng thần kinh ở người bệnh COPD hay gặp là đau đầu, chóng mặt, mất ngủ và rối loạn ý thức. Tình trạng này xảy ra là do thiếu oxy máu và tăng CO2 mạn tính trong máu. Có nhiều trường hợp lượng CO2 tăng quá cao làm bệnh nhân hôn mê. Người bệnh COPD thường mất tập trung, mau quên, giảm hoặc mất khả năng làm việc trí óc.
Các chuyên gia hô hấp khuyến cáo: Dù mắc bệnh ở giai đoạn nhẹ nhất thì thời gian sống của những bệnh nhân COPD cũng giảm hơn bình thường; người mắc COPD càng nặng thì thời gian sống càng ngắn. Hầu hết người bệnh đều được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn nặng hoặc rất nặng. Chỉ khoảng 70% bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính nặng và 30% rất nặng sống sót sau 5 năm phát hiện ra bệnh.
Theo các nghiên cứu, có khoảng 30% người bệnh tử vong vì suy hô hấp cấp và mạn tính, sau đó là suy tim (13%). Các nguyên nhân gây tử vong tiếp theo gồm: Nhiễm trùng phổi, nhồi máu phổi, rối loạn nhịp tim, ung thư phổi.
Nếu không được điều trị hoặc điều trị chậm trễ, COPD có thể tiến triển nhanh, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng ở tim, đường hô hấp và các cơ quan khác trong cơ thể. Hiện nay, chưa có cách điều trị dứt điểm COPD, thế nhưng, việc điều trị sớm và kiểm soát bệnh hiệu quả sẽ giúp giảm bớt triệu chứng, giảm nguy cơ gây biến chứng COPD và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Dưới đây là một số cách giúp người bệnh có thể kiểm soát COPD hiệu quả, an toàn:
Thuốc lá là một trong các nguyên nhân chính gây ra COPD và làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Giám đốc chuyên môn khối nội BVĐK Tâm Anh, Hà Nội khuyến cáo: “Không hút thuốc là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa và thay đổi diễn tiến ở tất cả các giai đoạn của bệnh kể cả ở mức độ chưa có triệu chứng hay mức độ rất nặng. Bên cạnh đó, mỗi người cần hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như: khí, hóa chất, khói độc hại, bụi. Nếu công việc buộc phải làm việc trong môi trường khói bụi thì cần có bảo hộ lao động để bảo vệ đường hô hấp đúng tiêu chuẩn.”
Các dạng thuốc duy trì theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị có thể giúp làm dịu các triệu chứng, cải thiện chức năng phổi và kiểm soát các triệu chứng COPD về lâu dài.
Thuốc giãn phế quản là thuốc phổ biến trong điều trị COPD. Dạng bào chế thuốc cũng đóng vai trò quan trọng quyết định mức độ tác dụng của thuốc. Các thuốc dạng hít hoặc khí dung được ưu tiên sử dụng hơn thuốc uống hoặc thuốc tiêm truyền tĩnh mạch vì đưa thuốc trực tiếp đến các vị trí cần tác dụng, giúp tăng hiệu quả thuốc và hạn chế tối đa các tác dụng phụ có thể xảy ra. Ngoài ra, để đảm bảo thuốc phát huy tối đa công dụng, người bệnh cần dùng thuốc hít đúng kỹ thuật, đúng liều và đúng giờ.
Tiêm phòng được ví là “chìa khóa” hữu hiệu, đơn giản và tiết kiệm nhất để phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, cúm mùa, viêm phổi,… Đây đều là những bệnh không chỉ nguy hiểm với trẻ nhỏ mà còn là nguyên nhân gây tử vong nhanh ở người cao tuổi, đặc biệt người có bệnh lý mạn tính ở phổi.
Mặt khác, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cúm, viêm phổi, ho gà… là tác nhân hàng đầu gây đợt cấp COPD. Vì vậy, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD cần tiêm ngay vắc xin phòng các bệnh Hô hấp để bảo vệ phổi khỏe mạnh hơn, làm chậm tiến triển bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống:
Cũng như bất kỳ bệnh lý nào, chế độ ăn uống lành mạnh có thể hỗ trợ cải thiện hiệu quả tình trạng bệnh COPD bằng cách giúp người bệnh giảm cân và kiểm soát cân nặng. Tăng cân và béo phì có thể khiến bạn khó thở hơn, ngay cả khi không mắc bệnh. Vì vậy, nếu được chẩn đoán mắc COPD, bạn nên thảo luận với bác sĩ để thiết lập chế độ dinh dưỡng đủ chất, hợp lý nhằm giúp kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, mỗi người cần vận động bằng cách tập thể dục đều đặn hàng ngày, tập các bài tập phù hợp với thể trạng, đặc biệt là các bài tập thở đúng cách, tốt cho hệ hô hấp. Hằng ngày, bạn nên tập các bài tập hít thở gồm:
Các biến chứng phổi tắc nghẽn mạn tính COPD thường rất nguy hiểm, dễ chuyển biến nặng, có thể đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, điều quan trọng nhất là người bệnh cần tuân thủ việc điều trị và tái khám đúng hẹn để giúp làm chậm tiến triển bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống. Song song đó, cần ghi nhớ lịch tiêm vắc xin đầy đủ đề có đề kháng hô hấp khỏe mạnh, bảo vệ lá phổi.
Trẻ viêm phổi nặng phải nhập viện điều trị thời gian dài, nguy cơ cao phải chịu nhiều biến chứng di chứng, thậm chí tử vong. Vì...
Xem ThêmViêm phổi ở trẻ em có nguy hiểm không? Biến chứng viêm phổi ở trẻ em? Dấu hiệu nhận biết viêm phổi nặng ở trẻ em? Cách...
Xem ThêmViêm phổi bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là một trong những nguyên nhân nguy hiểm nhất dẫn đến tử vong của trẻ em giai đoạn sơ...
Xem ThêmBiến chứng viêm phổi vô cùng nguy hiểm, có thể kể đến như tràn dịch màng phổi, áp xe phổi, thậm chí có thể gây tổn thương...
Xem ThêmViêm phổi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng nhập viện và tử vong ở trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền. Trong bối...
Xem ThêmChăm sóc bệnh nhân viêm phổi cùng với điều trị đúng cách là phương pháp giúp người bệnh mau chóng hồi phục sức khoẻ, cải thiện thể...
Xem Thêm