Thắc mắc được giải đáp bởi bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC.
Chào bạn,
Human papilloma virus (gọi tắt là HPV), là một loại virus gây u nhú ở người. Hiện nay, có hơn 100 chủng HPV được xác định, hơn 40 chủng virus HPV lây truyền qua đường tình dục có thể gây bệnh tại các bộ phận sinh dục và hậu môn. Trong đó có 15 chủng HPV có nguy cơ cao, đặc biệt là chủng HPV 16 và HPV 18, có thể gây tổn thương tiền ung thư, ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn và ung thư bộ phận sinh dục khác. Các chủng nguy cơ thấp (như chủng HPV6 và HPV11) có thể gây mụn cóc sinh dục, sùi mào gà/mụn cóc ở bộ phận sinh dục và hậu môn.
HPV là nhiễm trùng phổ biến trên thế giới. Có khoảng 11-12% dân số trên thế giới (tương đương với khoảng 700-800 triệu người) đang nhiễm HPV ở cả nam và nữ. Tỷ lệ hiện nhiễm HPV ở phụ nữ trên toàn thế giới vào khoảng 10%. Phụ nữ Đông Phi có tỷ lệ mắc cao nhất (31,6%).
Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm HPV ở phụ nữ vào khoảng 8-11% tùy thuộc vào các khu vực địa lý và nhóm dân cư khác nhau. Có ít nhất 50% phụ nữ đã từng nhiễm HPV ít nhất một lần tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời.
Ngoài ung thư cổ tử cung, các chủng HPV nguy cơ cao còn là tác nhân gây ra các loại ung thư như sau:
Một người có thể bị nhiễm 1 hoặc nhiều chủng HPV cùng một lúc, có thể bị tái nhiễm nhiều lần với cùng 1 chủng, và có thể bị nhiễm nhiều lần với nhiều chủng khác nhau.
Tất cả mọi người, cả nam giới và nữ giới, không phân biệt lứa tuổi đều có nguy cơ nhiễm HPV. Khi đã bắt đầu có quan hệ tình dục thì nguy cơ nhiễm HPV sẽ cao hơn, kể cả khi chỉ quan hệ tình dục với chỉ 1 người. Người có quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ nhiễm HPV cao hơn khi có tiếp xúc với bộ phận sinh dục, hậu môn của người đang nhiễm HPV.
Tỷ lệ hiện nhiễm HPV cao nhất ở nhóm dưới 34 tuổi, giảm dần ở nhóm 35- 44 tuổi, và sau đó tăng cao ở nhóm từ 45 tuổi trở lên ở tất cả các khu vực trên thế giới.