Mở cửa 7h30 - 17h00 / T2 - CN xuyên trưa *
Thế giới vừa bước sang những ngày đầu tiên của năm 2020 cũng là lúc dịch bệnh “thế kỷ” virus corona diễn biến vô cùng phức tạp. Thống kê đến 9h40 ngày 1/2/2020, thế giới có 11.949 trường hợp, 259 người tử vong. Tại Việt Nam đã ghi nhận 6 trường hợp mắc nCoV. Trong đó: 02 công dân Trung Quốc (01 người đã khỏi); 03 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc; 01 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc. Ngày 31/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố dịch virus corona (2019-nCoV) là tình trạng y tế KHẨN CẤP TOÀN CẦU.
Vậy virus corona gây bệnh viêm phổi cấp ở Vũ Hán (Trung Quốc) là gì? Triệu chứng nhiễm virus corona 2019-nCoV như thế nào? Làm thế nào để phòng bệnh hiệu quả? Dưới đây là những thông tin mới nhất và đầy đủ nhất về virus corona (2019-nCoV).
Virus corona là một loại virus gây ra tình trạng nhiễm trùng trong mũi, xoang hoặc cổ họng. Có 7 loại virus Corona, trong đó, 4 loại không nguy hiểm là 229E, NL63, OC43 và HKU1; hai loại khác là MERS-CoV và SARS-CoV, nguy hiểm hơn và từng gây ra đại dịch toàn cầu. Virus Corona đang “tung hoành” tại Vũ Hán, Trung Quốc và hơn 20 quốc gia là chủng mới của virus corona ký hiệu 2019-nCoV.
Đây là dạng virus mới nên con người chưa từng có miễn dịch kể cả miễn dịch chéo trước đó. Virus Corona là một họ virus lớn thường lây nhiễm cho động vật nhưng đôi khi chúng có thể tiến hóa và lây sang người. Khi virus xâm nhập vào cơ thể, nó xâm nhập vào trong một số tế bào và chiếm lấy bộ máy tế bào (gây tổn thương viêm đặc hiệu ở đường hô hấp), đồng thời virus chuyển hướng bộ máy đó để phục vụ cho nó, tạo ra virus mới và nhiễm tiếp người khác.
Thời gian ủ bệnh của 2019-nCoV là 14 ngày tức là từ lúc nhiễm virus Corona tới lúc phát bệnh là 14 ngày mới có biểu hiện lâm sàng. Điều này khiến cho các biện pháp kiểm soát hiện nay rất khó phát hiện.
Virus corona (2019-nCoV) ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.
Một người nào đó có thể bị nhiễm virus corona (2019-nCoV) khi chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh. Trong vòng bán kính 2m, nếu người xung quanh hít phải nước bọt hay hắt hơi của người bệnh cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh.
Từ Vũ Hán, Trung Quốc, tính đến 9h40 sáng ngày 1/2/2020, virus corona đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc). Đã có 11.791 trường hợp mắc bệnh ở 30 tỉnh thành của Trung Quốc, 259 người chết, 17.988 trường hợp nghi nhiễm trong đó có 1.795 trường hợp nguy kịch, số người có liên quan với người bệnh được xác nhận là 136.987 người.
Trước đó, trong cuộc họp báo diễn ra lúc gần 3h sáng 31/1 (giờ VN) ở Geneva (Thụy Sĩ), WHO công bố dịch bệnh nCoV là Sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC).
Người nhiễm 2019-nCoV có các triệu chứng cấp tính: ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong; đặc biệt ở những người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.
Triệu chứng nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (2019 – nCoV) gây ra (Nguồn: Bộ Y tế)
Tại thời điểm này, các kiểm tra chẩn đoán chính xác virus corona (2019-nCoV) chỉ có thể được tiến hành tại các cơ sở y tế được phép thực hiện xét nghiệm. Kỹ thuật xác định chủng virus corona 2019-nCov đó là kỹ thuật Real time RT – PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Trong trường hợp người mới nghi nhiễm virus này, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định.
Virus Corona có 7 loại, trong đó, 4 loại không nguy hiểm là 229E, NL63, OC43 và HKU1; hai loại khác là MERS-CoV và SARS-CoV, nguy hiểm hơn và từng gây ra đại dịch toàn cầu. Bên cạnh đó, còn một loại virus Corona thuộc chủng mới (ký hiệu 2019-nCoV hoặc nCoV, còn được gọi với cái tên “Virus Vũ Hán”) hoàn toàn khác với các chủng virus corona trước đây.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng I, TP.HCM, Cố vấn cao cấp Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, ở nhiệt độ cao bên ngoài cơ thể (trên 20 độ C, đặc biệt là trên 25 độ C), ánh nắng, môi trường thông thoáng, virus Corona (2019-nCoV) sẽ yếu đi và giảm khả năng lây bệnh. Nhưng nếu ở nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, không thoáng khí, lạnh thì virus sẽ phát tán và lây lan rất nhanh vì đây là điều kiện thuận lợi cho chúng phát triển.
BS Trương Hữu Khanh cảnh báo: “Virus corona chủng 2019-nCoV đặc biệt nguy hiểm với những người có hệ miễn dịch yếu, người lớn tuổi, trẻ em, những người có các bệnh lý nền mãn tính. Những đối tượng này có khả năng lây nhiễm cao, khó điều trị và bệnh lý diễn biến nhanh, nguy hiểm cho tính mạng. Đặc biệt, virus Corona cực kỳ nguy hiểm cho phụ nữ có thai. Khi phụ nữ có thai mắc bệnh sẽ để lại những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Mức độ nguy hiểm của bệnh lý này với phụ nữ có thai tương tự như mức độ của dịch bệnh MERS năm 2014.”
Hiện tại, chưa có vắc xin phòng ngừa virus corona (2019-nCoV). Các nhà khoa học ở Úc vào hôm 29/1/2020 cho biết họ đã phát triển thành công mẫu virus Corona trong phòng thí nghiệm. Đây có thể được coi là bước đột phá đầu tiên có thể giúp các nhà nghiên cứu làm việc để ngăn chặn sự lan rộng và bùng phát của virus corona (2019-nCoV). Tuy nhiên, các chuyên gia về vắc xin cho biết sẽ phải mất hơn một năm để nghiên cứu ra một loạt vắc xin chống lại dịch bệnh này.
Hiện cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu virus corona (2019-nCoV). Vì thế việc điều trị vẫn dựa trên phòng bệnh và phát hiện điều trị triệu chứng và biến chứng. Ngoài ra, bất kỳ ai nhiễm virus corona (2019-nCoV) đều cần phải cách ly, khử trùng các vật dụng và bề mặt đồ dùng mà người bệnh chạm vào để tránh lây bệnh cho người khác.
Xem thêm: Có hay không vắc xin phòng bệnh do virus Corona chủng mới 2019-nCoV?
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra cùng sự hoang mang lo lắng của người dân, Bộ Y tế đã phát đi khuyến cáo chung với người dân tại Việt Nam, khuyến cáo với những người đến Trung Quốc và khuyến cáo với những người từ Trung Quốc trở về để phòng chống dịch viêm phổi cấp do virus corona (2019-nCoV).
Với người dân sống tại Việt Nam:
Với người từ Trung Quốc trở về:
Với những người đến Trung Quốc:
Những cách thức đeo khẩu trang y tế đúng cách (Nguồn: Bộ Y Tế)
Hiện nay khi dịch bệnh coronavirus bùng phát và tăng đột biến thì khẩu trang trở thành một vật dụng được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc và nhiều nước có các ca nhiễm bệnh. Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu và Bộ y tế Singapore cho biết khẩu trang y tế có thể làm giảm sự lây lan của virus corona (2019-nCoV) do có thể ngăn các hạt nước nhỏ li ti bắn từ mũi và miệng của người đeo, giảm tiếp xúc với nước bọt và dịch tiết của người đeo cho người khác vô cùng hiệu quả.
Về thắc mắc nên dùng khẩu trang loại nào, dùng khi nào, và đeo khẩu trang như thế nào là đúng cách và hợp lý, PGS.TS TRẦN ĐẮC PHU – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Chuyên gia phòng dịch của Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC cho biết: “Hiện nay đang xảy ra tình trạng tất cả người dân đi mua khẩu trang, tất cả đeo khẩu trang. Chúng tôi nghĩ rằng, thứ nhất đeo khẩu trang y tế thông thường có tác dụng trong phòng bệnh không chỉ có coronavirus và phòng được các bệnh viêm đường hô hấp nói chung, tuy nhiên chỉ nên đeo khi đến chỗ tiếp xúc đông người, đến những chỗ giao thông công cộng, những chỗ có khả năng, nguy cơ lây. Có những chỗ không nhất thiết lúc nào cũng phải đeo khẩu trang. Thứ 2 chúng tôi thấy rằng hiện nay việc đeo khẩu trang y tế thông thường chúng tôi khuyến cáo còn đeo khẩu trang N95 chỉ dành cho những người tiếp xúc với bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân hoặc đi vào vùng dịch, còn những người bình thường đi vào bệnh viện thì có thể đeo khẩu trang y tế thông thường. Hiện nay chúng tôi khuyến cáo thêm nếu không có những khẩu trang này thì bạn có thể đeo khẩu trang vải cũng được nhưng vải gặt hàng ngày. Nguyên tắc nếu khẩu trang dùng một lần thì dùng một lần, nếu khẩu trang vải thì hàng ngày cũng phải giặt và thay, bởi vì khi mình đeo khẩu trang thì tác nhân gây bệnh có thể ra bên ngoài mà bạn cứ dùng vào lần thứ 2, tay lại sờ vào thì nghiễm nhiên nó lại ra tay ra chân. Vì vậy chúng ta không nên quá hoang mang mà phải thực hiện việc đeo khẩu trang làm sao cho đúng, đeo khi nào và đeo làm sao”.
Trong chương trình giao lưu trực tuyến “THÔNG TIN VỀ VIRUS CORONA, CÁC BỆNH HÔ HẤP – CÁCH PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ” diễn ra vào lúc 20h ngày 31/1/2020, BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, Cố vấn Cao cấp Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC) đã có những chia sẻ thú vị quanh việc đeo khẩu trang đúng: “Thứ nhất, khẩu trang thường có hai mặt, một mặt sậm và một mặt nhạt hơn, chúng ta nhớ rằng đa số khẩu trang phẫu thuật 3 lớp thì sẽ có một thanh là kim loại mềm để cố định thì thanh này phải ở mặt trên mũi của mình. Thứ 2 khẩu trang có 2 sọc sọc xuống, thì sọc xuống đó thì nó phải ở trước mặt mình để khi rớt các vật vào đó thì nó sẽ trôi xuống, còn nếu đeo ngược thì khi các vật bụi bẩn rơi xuống nó sẽ bị giữ lại, màu sậm sẽ đeo ra mặt ngoài. Khi đeo khẩu trang phải trùm được mũi và miệng, dùng 2 ngón tay ép thanh kim loại theo bờ mũi của mình để nó chặt hơn. Bạn nên nhớ không nên kéo khẩu trang lên xuống nhiều lần và chỉ dùng 1 lần”.
Rất nhiều câu hỏi được gửi về cho Trung tâm tiêm chủng VNVC những ngày qua, về việc chọn khẩu trang loại nào là tốt nhất. ThS. BS. Bùi Ngọc An Pha (Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC) cho biết: nếu không có khẩu trang y tế, mọi người nên đeo khẩu trang vải. Bởi lẽ, công dụng của chúng cũng ngang nhau, không hơn không kém. Trong khi với khẩu trang vải, bạn có thể tái sử dụng nhiều lần còn khẩu trang y tế dùng một lần xong phải vứt bỏ ngay. Như vậy, việc dùng khẩu trang vải trong tình hình hiện nay là thiết thực hơn hẳn. Tuy nhiên, ThS. BS. Bùi Ngọc An Pha nhấn mạnh: cần phải giặt khẩu trang vải thật sạch thật khô sau mỗi lần sử dụng để loại trừ virus, vi khuẩn.
Nhằm kịp thời mang đến cho cộng đồng những thông tin chính xác, khoa học về virus Corona (2019-nCoV) gây bệnh viêm phổi cấp, đồng thời chia sẻ kiến thức phòng và điều trị các bệnh hô hấp thường gặp sau Tết Nguyên đán Canh Tý, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC phối hợp cùng Báo điện tử VTV tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến “THÔNG TIN VỀ VIRUS CORONA, CÁC BỆNH HÔ HẤP – CÁCH PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ” với sự tham gia của:
Chương trình đã diễn ra vào lúc 20h, ngày 31/1/2020 (mùng 7 Tết Canh Tý) trên Báo điện tử VTV.vn và livestream trên các trang Fanpage: Thời sự VTV, Trung tâm Tin tức VTV24, Báo điện tử VTV và VNVC – Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn.
Bạn đọc có thể XEM LẠI CHƯƠNG TRÌNH TẠI ĐÂY và TIẾP TỤC gửi câu hỏi bằng cách inbox cho fanpage VNVC – Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn, comment trực tiếp trong livestream để được các chuyên gia tư vấn trong chương trình.
Hotline: 028 7102 6595
Vắc xin phế cầu Prevenar 13 tạo miễn dịch chéo không đặc hiệu với Covid-19, chống viêm phổi xâm lấn, bảo vệ lá phổi tối ưu cho...
Xem ThêmTiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5-12 tuổi cần chú ý các vấn đề chăm sóc trước, trong và sau tiêm, đảm bảo an toàn tiêm chủng, buổi...
Xem ThêmDi chứng hậu Covid-19 có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng sau khi nhiễm bệnh. Nhiều bệnh nhân thậm chí phải tái nhập viện để...
Xem ThêmVirus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 không ngừng biến đổi tạo ra những biến thể mới nhằm phá hủy hàng rào phòng vệ là hệ miễn dịch của...
Xem ThêmEvusheld là thuốc kháng thể đơn dòng dự phòng Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca đã được FDA cấp phép phê duyệt khẩn cấp. Evusheld có thể tạo...
Xem ThêmKháng thể đơn dòng được xem là loại “vắc xin tức thì” đưa kháng thể được tạo sẵn vào cơ thể và sản sinh kháng thể chỉ...
Xem Thêm