Mon - Sun: 7:30 AM - 5:00 PM (without lunch break *)
Phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung phải đối mặt với nhiều hệ lụy nặng nề cho sức khỏe, tâm sinh lý và hạnh phúc gia đình. Ung thư cổ tử cung có quan hệ được không? Chưa quan hệ có bị bệnh không? Ung thư cổ tử cung có mang thai được không?
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là khi tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh trong độ tuổi có hoạt động quan hệ tình dục (15-44 tuổi) ngày càng cao. Ung thư cổ tử cung diễn tiến âm thầm, triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Do đó, khi phát hiện có thể bệnh ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn, một số trường hợp phải cắt bỏ cổ tử cung, phụ nữ mất khả năng làm mẹ, suy thận, nặng hơn có thể dẫn đến tử vong.
Khi ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu, điều trị bằng phẫu thuật và xạ trị, người bệnh có tỷ lệ khỏi bệnh cao, chất lượng cuộc sống tốt. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị ung thư sẽ gây ra nhiều biến chứng nhất định. Bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất là âm đạo, ruột, trực tràng, bàng quang và có thể tiến triển thành hàng loạt các thay đổi và rối loạn, trong đó có tình dục.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, khoảng 30 – 63% người mắc ung thư cổ tử cung có vấn đề về tình dục sau khi điều trị khỏi bệnh. Khảo sát cắt ngang trên 50 bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn I-IIA (đã điều trị khỏi bệnh từ 1 năm trở lên) có độ tuổi từ 27 – 70, trung bình là 48 tuổi, bao gồm 34 người còn kinh và 16 người đã mãn kinh tại khoa Ngoại Ung thư Phụ khoa (BV Ung bướu TP.HCM) cho thấy, 52% bệnh nhân ung thư cổ tử cung không tiếp tục quan hệ tình dục sau khi khỏi bệnh. Lý do chính là do người bệnh sợ tái phát bệnh. Đa số người bệnh (76%) không được tư vấn đầy đủ về những thay đổi của cơ thể và rối loạn tình dục có thể xảy ra sau điều trị.
Duy trì sức khỏe tình dục chính là “ngọn lửa” gìn giữ hạnh phúc gia đình và chất lượng cuộc sống, để giải quyết thay đổi đời sống tình dục do ung thư và các phương pháp điều trị, cần có sự hợp tác, kiên trì và nỗ lực từ 3 phía: người bệnh, bác sĩ và người thân:
Mặc dù có rất nhiều khó khăn gây trở ngại đến sức khỏe tình dục sau điều trị ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, tình trạng đó hoàn toàn có thể cải thiện sau một thời gian kiên trì từ người bệnh, đặc biệt là sự cảm thông, cởi mở và hỗ trợ từ phía “đối tác”.
KHÔNG NÊN! Trong giai đoạn đang bị ung thư cổ tử cung, người bệnh vẫn có thể quan hệ tình dục, tuy nhiên đây là điều không nên, thứ nhất vì người bệnh không có đủ hứng thú, sức khỏe không cho phép. Thứ hai, việc quan hệ tình dục lúc đang điều trị bệnh là không phù hợp. Do vậy, nên hạn chế tối đa quan hệ với người bị ung thư cổ tử cung, nếu muốn quan hệ hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
Vậy sau khi điều trị ung thư cổ tử cung có quan hệ được không? Câu trả lời là ĐƯỢC! Dù đã phẫu thuật cắt bỏ tử cung hoặc xạ trị sau điều trị ung thư cổ tử cung, người bệnh vẫn có thể duy trì quan hệ tình dục vợ chồng. Thông thường, sau điều trị ung thư, cơ thể sẽ dần hồi phục sau khoảng vài tuần, khi đó người bệnh có thể quan hệ trở lại. Lúc đầu có thể xuất hiện những biểu hiện khó chịu như đau, khô rát âm đạo xơ hóa, ngắn âm đạo hoặc chảy máu niêm mạc âm đạo do vẫn còn hiện tượng viêm sau điều trị. Trong trường hợp này, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp hỗ trợ sau:
Người bệnh không nên ngừng hẳn quan hệ tình dục vì dễ khiến tình trạng chít hẹp âm đạo xảy ra, đặc biệt sau xạ trị. Việc quan hệ “chăn gối” sẽ không làm cho tình trạng bệnh nặng lên và cũng không khiến bệnh tái phát, tuy nhiên nên hạn chế, việc quan hệ tình dục thường xuyên là điều không được khuyến cáo.
CÓ THỂ! Đối với chị em phụ nữ, mặc dù chưa quan hệ tình dục lần nào nhưng việc quan tâm đến sức khỏe sinh dục và sinh sản là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Các bệnh phụ khoa hay bệnh lý ung thư phụ khoa như ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư cổ tử cung… có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, dù đã kết hôn hay đã có quan hệ tình dục hay chưa.
Đa số nguyên nhân của các trường hợp ung thư cổ tử cung là do virus lây qua đường tình dục HPV gây ra. HPV là tên viết tắt của Human Papilloma Virus – virus gây u nhú ở người. Thống kê cho thấy, có hơn 100 loại HPV ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, khoảng 30 loại HPV có thể gây ra các bệnh về đường sinh dục bao gồm âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, dương vật và bìu, cũng như trực tràng và hậu môn. Trong số đó, khoảng 14 loại được xem là có “nguy cơ cao” dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Nguy cơ nhiễm HPV xuất hiện sớm ở trẻ em gái. Ở Việt Nam, trường hợp hy hữu bé gái 14 tuổi chưa quan hệ tình dục đã mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Ngoài ra, dù chưa quan hệ tình dục nhưng nếu đã từng thực hiện những hành vi mơn trớn như âu yếm để đạt cực khoái, quan hệ tình dục bằng miệng hoặc có đụng chạm da thịt với bộ phận sinh dục đều có nguy cơ nhiễm virus HPV và bị ung thư cổ tử cung. Vệ sinh bộ phận sinh dục không đúng cách cũng có thể bị nhiễm HPV.
Do suy nghĩ chủ quan mà nhiều phụ nữ mặc dù chưa quan hệ tình dục nhưng khi xuất hiện dấu hiệu bất thường chỉ nghĩ là do viêm nhiễm phụ khoa. Thường khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng thì người bệnh mới phát hiện, lúc này tỷ lệ chữa khỏi bệnh không cao. Vì vậy, trẻ em gái và phụ nữ dù đã quan hệ tình dục hay chưa cần chủ động tiêm vắc xin phòng ngừa sớm và tầm soát phụ khoa định kỳ.
Nếu phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh không chỉ cao mà còn có thể bảo tồn buồng trứng trước xạ trị, duy trì chức năng sinh sản và chất lượng cuộc sống sau điều trị cho bệnh nhân. Khi có triệu chứng cảnh báo, người bệnh cần nhanh đi khám và tầm soát định kỳ, để có thể phát hiện và điều trị kịp thời nếu mắc bệnh. Đối với người bệnh ung thư cổ tử cung, thì khả năng mang thai, sinh con còn phụ thuộc vào việc bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm hay muộn và phương pháp điều trị ung thư có bị cắt bỏ cổ tử cung, cụ thể:
Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể áp dụng phương pháp điều trị đốt điện/ đốt bằng laser hoặc đông lạnh các tế bào bất thường, đôi khi tiến hành phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung (hay sinh thiết nón). Đây là các phương pháp điều trị dễ dàng, tỉ lệ khỏi đạt 100%.
Hơn hết, các phương pháp điều trị trên không ảnh hưởng tới độ ham muốn quan hệ tình dục và khả năng sinh sản về sau, nên trong trường hợp này bệnh nhân ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể sinh con. Tuy nhiên ở một vài trường hợp, phẫu thuật cắt tử cung được tiến hành khi có kèm theo các triệu chứng bệnh lý khác thì bệnh nhân sẽ không còn khả năng sinh con được nữa.
Với các trường hợp ung thư cổ tử cung tiến triển, di căn đến nhiều cơ quan khác, người bệnh cần điều trị rộng hơn, bằng phẫu thuật triệt để cắt bỏ tử cung và các tổ chức xung quanh, gồm cả nạo vét hạch trong khung chậu, đôi khi tiến hành xạ trị phối hợp với phẫu thuật, hoặc xạ trị đơn thuần, trong một số trường hợp cần thiết điều trị bằng hoá trị. Nếu bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ tử cung thì sau này không thể sinh con.
Trong một số trường hợp ung thư cổ tử cung xâm lấn giai đoạn sớm, hiện nay có thể áp dụng kỹ thuật cắt tử cung và phần trên âm đạo bị tổn thương, trong khi vẫn giữ lại đáy tử cung giúp bảo tồn khả năng sinh sản của phụ nữ. Sau điều trị, phụ nữ vẫn có thể sinh con bằng phương pháp mổ lấy thai.
Hoặc trong trường hợp khác, bác sĩ sẽ chỉ định cắt tử cung trước hay xạ trị trước. Bảo tồn buồng trứng cho bệnh nhân trẻ và mong muốn có con, chính là ưu tiên hàng đầu của bác sĩ. Để có thể làm được điều này, trước xạ trị, các bác sĩ sẽ bảo vệ buồng trứng của người bệnh trước tác hại của tia xạ bằng kỹ thuật bóc tách và “treo” hai buồng trứng cao hơn vị trí giải phẫu thông thường. Sau đó đến bước xạ trị, các bác sĩ sẽ tránh vùng buồng trứng đã được đánh dấu và sử dụng thêm tấm chắn ngăn tia xạ không chiếu đến vị trí mới của buồng trứng.
Bệnh lý ung thư cổ tử cung ít phổ biến ở phụ nữ đang mang thai, ước tính chỉ xảy ra với khoảng 3% số ca mắc ở mẹ bầu. Trong thai kỳ, nếu mẹ bầu thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường thì bác sĩ sản khoa có thể đề nghị thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap smear) để chẩn đoán.
Các chuyên gia y tế nhân mạnh, ung thư cổ tử cung không gây bất cứ ảnh hưởng trực tiếp nào đến thai nhi và việc sinh nở, tuy nhiên quá trình hóa trị lại gây ảnh hưởng. Tùy theo tuổi thai, khối u, giai đoạn ung thư, sức khỏe tổng thể mà sẽ có bác sĩ chuyên khoa sẽ đề nghị cách điều trị khác nhau.
Do đó, điều quan trọng nhất là trong thai kỳ phải khám thai định kỳ đúng lịch, kịp thời phát hiện các tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm để điều trị hiệu quả, kịp thời bảo vệ sức khỏe cả em bé và người mẹ.
Hiện nay, với sự phát triển các phương pháp điều trị hiện đại, những phụ nữ trẻ mắc ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm có thể được điều trị bảo toàn khả năng sinh sản, và hoàn toàn có khả năng sinh con sau này. Tuy nhiên, người bệnh sẽ không thể có thai nếu đã điều trị cắt tử cung hoặc xạ trị làm ảnh hưởng đến buồng trứng.
BS.CKI Bạch Thị Chính nhấn mạnh: Từ khi có vắc xin HPV phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh về đường sinh dục do virus HPV được đưa vào sử dụng, nhiều phụ nữ được bảo vệ tốt hơn đặc biệt là trước căn bệnh ung thư cổ tử cung. Bên cạnh phòng ngừa bằng vắc xin, phụ nữ nên thực hiện đầy đủ các phương pháp dự phòng gồm: khám phụ khoa định kỳ, giữ vệ sinh vùng kín, dinh dưỡng và vận động hợp lý.
Không để ung thư cổ tử cung và các bệnh do virus HPV cướp đi hạnh phúc tương lai của phụ nữ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hội Y học Dự phòng Việt Nam khuyến cáo trẻ gái trên 9 tuổi và phụ nữ dưới 27 tuổi nên tiêm vắc xin Gardasil (Mỹ) phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh do virus HPV càng sớm càng tốt, bất kể từng quan hệ tình dục hay chưa.
Virus HPV có nhiều chủng khác nhau và khả năng tái nhiễm là rất cao. Nếu đã từng nhiễm một tuýp HPV nào trước đây, vẫn nên tiêm vắc xin để bảo vệ trước những tuýp virus HPV còn lại. Miễn dịch tự nhiên của cơ thể sau khi bị nhiễm virus HPV không đủ để phòng tránh nguy cơ tái nhiễm, nhưng vắc xin lại có thể làm được điều này.
Hiện tại, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đang có sẵn vắc xin Gardasil (Mỹ) phòng ngừa 4 tuýp virus HPV 6, 11, 16 và 18 gây bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn (85-91%), ung thư âm đạo (70-78%), ung thư âm hộ (30%), ung thư dương vật, mụn cóc sinh vật (hơn 90% gây ra bởi các virus HPV tuýp 6,11), ung thư hầu họng (bao gồm cả ung thư tại gốc lưỡi và amidan),… Lịch tiêm chủng gồm 3 mũi: Mũi 1 là ngày tiêm mũi đầu tiên; mũi 2 được tiêm sau 2 tháng từ mũi 1; mũi 3 được tiêm sau 6 tháng từ mũi 2.
Để được tư vấn và đặt lịch tiêm chủng, Khách hàng có thể gọi đến Hotline: 028 7300 6595, inbox cho fanpage: https://www.facebook.com/trungtamtiemchungvnvc/, hoặc đến trực tiếp Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc để được hỗ trợ và hướng dẫn: https://vnvc.vn/he-thong-trung-tam-tiem-chung/
Các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung hiện nay là phết tế bào cổ tử cung (Pap smear), xét nghiệm HPV. Xét nghiệm Pap smear định kỳ có thể giúp tầm soát bệnh từ sớm để điều trị kịp thời, giảm nguy cơ bất thường tiến triển thành ung thư. Phụ nữ từ 21 – 29 tuổi được khuyến cáo thực hiện xét nghiệm Pap smear 3 năm/ 1 lần.
Phụ nữ từ 30 – 64 tuổi nên thực hiện bộ đôi xét nghiệm Pap smear và xét nghiệm HPV 5 năm/ lần. Xét nghiệm HPV giúp phát hiện các trường hợp bệnh bị bỏ sót bởi xét nghiệm Pap smear, tăng tỷ lệ phát hiện bệnh từ sớm.
Virus HPV lây rất dễ dàng qua đường quan hệ tình dục. Không chỉ phụ nữ, nam giới vẫn có nguy cơ bị nhiễm virus HPV. Virus này còn có khả năng gây ung thư dương vật, âm đạo, âm hộ, hậu môn, cổ họng, mụn cóc sinh dục… Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ, nam giới nên quan hệ tình dục an toàn, không nên quan hệ quá sớm.
Giữ vệ sinh vùng kín hàng ngày, trước và sau quan hệ giúp phụ nữ phòng ung thư cổ tử cung và nhiều bệnh phụ khoa khác. Không nên làm “chuyện ấy” vào những ngày “đèn đỏ” để tránh vi khuẩn có điều kiện dễ dàng xâm nhập vào âm đạo, đồng thời thăm khám phụ khoa 6 tháng/ 1 lần nhằm sớm phát hiện các bệnh lây qua đường tình dục.
Chế độ dinh dưỡng giúp phụ nữ, nhất là phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh tăng cường sức đề kháng, chống bệnh tật. Thực phẩm giàu vitamin C, A, E và chất chống oxy hóa góp phần bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do, từ ngăn ngừa nguy cơ ung thư. Vận động, tập thể dục và nghỉ ngơi phù hợp, khoa học mang đến cho phụ nữ sức khỏe tốt, tinh thần thư thái để sống vui khỏe, hạnh phúc.
Trên đây là tất cả thông tin khoa học về bị ung thư cổ tử cung có quan hệ tình dục được không? Dù phẫu thuật cắt bỏ tử cung hay xạ trị thì sau điều trị ung thư cổ tử cung thì người bệnh vẫn có thể duy trì “chuyện ấy”, chỉ có việc sinh con là không thể nếu đã cắt bỏ tử cung. Để bảo vệ thiên chức làm mẹ, phụ nữ cần chủ động chủng ngừa và tầm soát định kỳ để đẩy lùi ung thư cổ tử cung.
Tiêm vắc xin ngừa virus HPV là phương pháp hiệu quả, an toàn và tiết kiệm phòng ung thư cổ tử cung và một số bệnh lây...
Xem ThêmUng thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, mụn cóc sinh dục, các tổn thương tiền ung thư...
Xem ThêmĐến tháng có tiêm HPV được không? Là thắc mắc của rất nhiều phụ nữ khi có ý định tiêm vắc xin phòng virus HPV - nguyên...
Xem ThêmUng thư cổ tử cung di căn được xem là giai đoạn muộn của bệnh. Việc điều trị lúc này vô cùng khó khăn, tốn kém và...
Xem ThêmTiêm vắc xin HPV có ảnh hưởng đến kinh nguyệt không? Tiêm HPV có bị chậm kinh không? Là các vấn đề được nhiều phụ nữ quan...
Xem ThêmViệc tiêm chủng rất cần thực hiện theo nguyên tắc đúng lịch, đủ mũi để phát huy tốt nhất hiệu quả bảo vệ của vắc xin. Vậy...
Xem Thêm