Mở cửa 7h30 - 17h00 / T2 - CN xuyên trưa *
“Cứt trâu” thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh khi trẻ được vài tuần cho đến vài tháng tuổi. Đa phần các trường hợp “cứt trâu” ở trẻ thường lành tính. Tuy nhiên, nếu trẻ không được vệ sinh và chăm sóc đúng cách khi bị “cứt trâu”, có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm không tốt cho trẻ.
“Cứt trâu” là căn bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh
Ở một số trẻ sơ sinh, trên da đầu, nhất là vùng thóp có thể xuất hiện những mảng vảy da dày, màu nâu xám mà theo dân gian thường gọi là “cứt trâu”. Thực tế, những mảng vảy này được tạo nên do tuyến bã nhờn tiết ra và khô lại, làm nhiệm vụ bảo vệ vùng thóp còn phập phồng. Hiện tượng “cứt trâu” đóng thành lớp mỏng hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé. Tuy nhiên, nếu “cứt trâu” đóng thành từng mảng vảy dày có thể làm cho bé ngứa ngáy, khó chịu. Nếu không được chăm sóc đúng cách có thể gây ra biến chứng nhiễm khuẩn, rụng tóc, nổi đinh nhọt ở da đầu,…
“Cứt trâu” là căn bệnh không lây truyền, phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi. Trẻ càng lớn, tình trạng này càng ít đi, đến 2-3 tuổi thì hết hẳn.
Khi bé bị “cứt trâu”, nhiều mẹ nghĩ rằng do bản thân không chăm sóc bé kỹ lưỡng, do dị ứng dầu tắm, do nhiễm trùng… Thực tế, tình trạng này là do sự bài tiết quá mức của các chất nhờn nang tuyến, gây dính bết các tế bào da chết tạo thành từng mảng gắn chặt vào da đầu. Ngoài ra, “cứt trâu” cũng có thể là do nội tiết tố của người mẹ vẫn còn lưu hành trong máu của bé; do hệ tiêu hóa non nớt của bé vẫn chưa trưởng thành, không có khả năng hấp thụ đầy đủ biotin, thiếu hụt các vitamin thiết yếu; nếu không được gội đầu thường xuyên làm tích tụ chất nhờn và gia tăng vi khuẩn.
Khi bị “cứt trâu”, da đầu của trẻ sẽ tiết dầu hoặc nhờn, đỏ nhẹ, các mảng vảy trắng, vàng hoặc sậm màu hơn bao phủ một vùng da đầu. Màu của các mảng vảy thường sẽ phụ thuộc vào màu da của trẻ.
Tùy thuộc vào mức độ nặng, nhẹ của bệnh có thể gây nên những ảnh hưởng khác nhau cho trẻ. Thông thường, bệnh không gây cảm giác ngứa ngáy cho trẻ; nhưng trong một số trường hợp bệnh tiến triển nặng, các mảng vảy dày, lan rộng sẽ gây cho bé cảm thấy ngứa ngáy. Tình trạng ngứa có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu da bị tổn thương. Trong một số trường hợp ít gặp, tóc có thể bị rụng khi các mảng vảy bong ra. Tuy nhiên, mẹ cũng đừng nên quá lo lắng khi trẻ rụng tóc, tóc sẽ mọc trở lại sau khi “cứt trâu” biến mất.
Khi những mảng vảy xuất hiện ở những vị trí khác trên cơ thể như mặt, sau tai, ngực, lưng
sẽ được gọi là bệnh “viêm da tiết bã”
Ngoài vùng đầu, khi bệnh “cứt trâu” xuất hiện ở những vị trí khác trên cơ thể như: mặt, sau tai, nách, ngực, lưng; các bác sĩ sẽ dùng thuật ngữ chuyên môn hơn để định danh căn bệnh này là “viêm da tiết bã”. Khi bệnh nhi bị viêm da tiết bã ở vùng ngực, lưng sẽ có những biểu hiện tổn thương hình đồng xu, hình nhẫn. Sau tai xuất hiện dát đỏ, bong tróc da; trong ống tai cũng sẽ bong tróc, tổn thương, khiến nhiều người nhầm lẫn triệu chứng này với bệnh nấm ống tai.
Nếu quan sát thấy tình trạng “cứt trâu” ở trẻ ít và mỏng, mẹ chỉ cần gội đầu cho bé như bình thường, để vệ sinh sạch sẽ dầu thừa trên da đầu bé. Đừng quên tham khảo ý kiến bác sĩ về sản phẩm dầu gội đầu thích hợp cho trẻ bị “cứt trâu”, cũng như tần suất gội đầu cho trẻ. Không phải tất cả dầu gội đầu đều thích hợp cho trẻ sơ sinh. Thông thường, các bác sĩ sẽ khuyên mẹ lựa chọn những loại dầu gội có độ pH thấp hoặc đặc hiệu cho trường hợp trẻ sơ sinh bị “cứt trâu”.
Gội đầu nhẹ nhàng bằng nước ấm và sử dụng dầu gội chuyên dụng cho trẻ sơ sinh
Sau khi gội đầu sạch sẽ cho trẻ, mẹ có thể dùng lược mềm được thiết kế riêng cho trẻ sơ sinh hoặc bàn chải đánh răng để nhẹ nhàng chải tóc. Chải tóc là thao tác giúp các mảng vảy “cứt trâu” dễ bong ra hơn sau khi gội đầu. Cũng như thao tác gội, mẹ hãy chải tóc cho trẻ thật nhẹ nhàng theo một hướng và có thể chải lúc tóc khô. Tuyệt đối không cố gắng chải mạnh để làm bong các mảng vảy “cứt trâu”. Nếu da đầu của trẻ bị ửng đỏ, mẹ nên giảm tần suất chải đầu.
Sử dụng lược cho trẻ sơ sinh hoặc bàn chải nhẹ nhàng chải tóc
Ngoài gội và chải đầu, mẹ có thể tham khảo thêm ý kiến bác sĩ điều trị để bôi thêm dầu hoặc thuốc cho da đầu trẻ, giúp hỗ trợ điều trị bệnh nhanh hơn. Một số loại dầu chăm sóc da cho trẻ bị “cứt trâu” có thể kể đến như vaseline, parafin, mỡ axit salicylic 2%. Trong đó, vaseline có tác dụng hỗ trợ làm mềm, dịu sự khô ráp da; parafin hỗ trợ làm mềm, giữ nước, làm giảm kích ứng da và mỡ axit salicylic 2% là hợp chất tiêu sừng, hoạt động tăng lượng hơi ẩm trong da và phân rã các chất làm tế bào da dính lại với nhau.
Sau khi bôi một lớp dầu mỏng trên da, mẹ nhẹ nhàng mát xa da đầu trẻ trong khoảng 1 phút và để dầu ngấm đều trong khoảng 15 phút. Khi mát xa, mẹ lưu ý thận trọng trong trường hợp trẻ còn thóp trên đầu. Thao tác bôi dầu được thực hiện trước khi gội một vài giờ để làm cho lớp vảy mềm, tự bong tróc.
Mát xa da đầu trẻ trong khoảng 1 phút sau khi bôi dầu
Mẹ lưu ý không nên tự mua và bôi thuốc cho điều trị “cứt trâu” cho trẻ, mà không có sự chỉ định của các bác sĩ. Vì nếu trong trường hợp trẻ bị “cứt trâu” kèm theo viêm da cơ địa hoặc có bội nhiễm liên cầu, thì các loại thuốc bôi thông thường không đủ khả năng điều trị bệnh, nếu bôi thuốc không thích hợp còn có thể khiến tình trạng “cứt trâu” diễn tiến nặng hơn.
Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc “cứt trâu” ở trẻ nhỏ, mẹ cần lưu ý vệ sinh da đầu và chăm sóc trẻ đúng cách. Mẹ cần giữ da đầu của trẻ sạch, khô; gội đầu bằng dầu gội của trẻ mỗi ngày để loại bỏ chất nhờn và tế bào chết. Bên cạnh đó, mẹ còn có thể hạn chế hầm, bí hơi ẩm ở vùng da đầu bằng cách không đội mũ cho trẻ vào những ngày tiết trời ấm áp. Trong trường hợp cần thiết phải đội mũ, mẹ lựa chọn cho bé những chiếc mũ có chất liệu cotton mềm mại, thoáng khí.
Không đội mũ cho trẻ trong những ngày tiết trời ấm áp, để hạn chế hầm bí
“Cứt trâu” là tình trạng rất thường gặp ở trẻ nhỏ trong những tháng đầu đời. Tuy không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ, nhưng có thể tiến triển trầm trọng và gây ra nhiều biến chứng nặng nếu không được thăm khám và điều trị đúng cách. Chính vì vậy, khi phát hiện trẻ bị “cứt trâu”, mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và hướng dẫn phương pháp điều trị, không tự ý mua thuốc bôi khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính ở cổ họng và đường hô hấp trên (mũi, xoang cạnh mũi, đường mũi và hầu họng). Tác...
Xem ThêmBệnh thủy đậu (tiếng anh là chickenpox) hay còn được gọi là trái rạ, phỏng dạ, thường xảy ra ở người lớn và cả trẻ em. Nếu...
Xem ThêmThủy đậu là một loại bệnh phổ biến và rất dễ mắc phải ở cả trẻ nhỏ lẫn người lớn, biến chứng bệnh rất nặng, có thể...
Xem ThêmNgừng thở là hội chứng xảy ra ở gần như 100% trẻ sinh non trước 30 tuần thai và ít phổ biến hơn ở trẻ sinh non...
Xem ThêmSốt co giật là tình trạng trẻ tăng nhiệt độ sốt đột ngột, cứng người, trợn mắt tay chân giật liên hồi và có thể tự hết...
Xem ThêmVacxin cúm Gc Flu cung cấp sự bảo vệ tốt nhất cho cơ thể chống lại các chủng cúm mùa, đồng thời còn kích hoạt hệ miễn...
Xem Thêm