Mở cửa 7h30 - 17h00 / T2 - CN xuyên trưa *
Trứng là thực phẩm rất phong phú về mặt dinh dưỡng, chứa nhiều các vitamin và khoáng chất quan trọng, rất bổ dưỡng cho sức khỏe và sự phát triển của cơ thể. Tuy nhiên, trứng cũng là thực phẩm chứa hàm lượng histamin lớn – một chất có thể gây dị ứng và thường được tìm thấy trong nhiều loại hải sản và đồ tanh. Vậy, bị thủy đậu có được ăn trứng không? Nếu ăn trứng khi bị thủy đậu có gây ra các biến chứng da liễu? Nên ăn gì và kiêng gì khi bị thủy đậu?
BS Bùi Thanh Phong – Quản lý Y khoa vùng TP.HCM, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: “Trong thời gian “chiến đấu” với bệnh thủy đậu, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nghiêm trọng. Với việc cung cấp ít nhất 13 loại vitamin khác nhau cùng protein, khoáng chất, chất chống oxy hóa, canxi,… trứng là một nguồn cung cấp giàu chất dinh dưỡng giúp bù đắp năng lượng cho cơ thể, giúp cơ thể nhanh chóng khỏi bệnh và phục hồi. Tuy nhiên, không nên ăn trứng quá nhiều chỉ nên cung cấp một lượng đúng theo nhu cầu của cơ thể ” |
Trứng là một nguồn thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin, chất béo, protein và khoáng chất, cung cấp một hàm lượng dinh dưỡng cao và có nhiều lợi ích cho sức khỏe của con người. Tỷ lệ các chất dinh dưỡng trong trứng được cân đối một cách thích hợp ở cả lòng trắng và lòng đỏ của trứng. Lòng đỏ là phần quan trọng nhất của trứng, chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn, chứa 13,6% protein, 29,8% chất béo và 1,6% chất khoáng.
Protein trong lòng đỏ của trứng chứa các axit amin tốt nhất và hoàn thiện nhất. Protein trong lòng đỏ của trứng chủ yếu là dạng đơn giản và có thể hoà tan, trong khi protein trong lòng trắng chủ yếu là protein Albumin, cũng chứa các axit amin tương đối đầy đủ. Protein trong trứng là nguồn cung cấp tốt của các axit amin cần thiết, có vai trò quan trọng trong cơ thể, đặc biệt là cho sự phát triển cân nặng và chiều cao.
Trứng cung cấp một chất béo quý là lecithin, đây là một chất tự nhiên được tìm thấy ở các mô trong cơ thể, ít được tìm thấy trong các loại thực phẩm khác, nó tham gia vào cấu trúc và hoạt động của tế bào, đặc biệt là tế bào trong não. Nhiều nghiên cứu cho thấy, lecithin có tác dụng điều hòa mức cholesterol, ngăn ngừa sự tích tụ cholesterol và thúc đẩy tiến trình loại bỏ cholesterol ra khỏi cơ thể, tạo ra sự cân bằng.
Trứng cũng có lượng cholesterol đáng kể (600mg cholesterol/100g trứng gà), đồng thời, tương quan thuận lợi giữa lecithin và cholesterol trong trứng giúp lecithin có tác dụng điều hòa cholesterol và ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giúp loại bỏ cholesterol khỏi cơ thể.
Trứng cũng rất giàu các loại vitamin và khoáng chất tốt. Những chất khoáng như sắt, kẽm, đồng, mangan và i ốt tập trung chủ yếu trong lòng đỏ. Lòng đỏ chứa cả các loại vitamin tan trong nước như B1, B6, và các loại vitamin tan trong chất béo như A, D, K.
Trong lòng trắng chỉ có một ít vitamin tan trong nước như B2 và B6. Cả lòng đỏ và lòng trắng đều chứa Biotin, còn được gọi là vitamin B8, tham gia vào quá trình sản xuất năng lượng trong cơ thể. [1]
Trứng chứa nhiều protein nhưng lại ít calorie và carbohydrate, một quả trứng lớn chỉ chứa khoảng 78 calories. Sử dụng trứng trong bữa sáng có thể giúp cơ thể cảm thấy no lâu hơn, hỗ trợ tích cực cho quá trình giảm cân.
Trứng là nguồn cung cấp lutein và zeaxanthin – hai chất chống oxy hóa quan trọng cho sức khỏe của đôi mắt, có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt như thoái hóa điểm và đục thủy tinh thể.
Trứng chứa choline – một chất dinh dưỡng thiết yếu ít người có thể hấp thu đủ. Choline có vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng nhận thức và ngăn ngừa rối loạn thần kinh.
Bên cạnh đó, trứng còn có khả năng tăng mức cholesterol tốt (HDL) và ngăn chặn sự tích tụ cholesterol xấu (LDL), giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh liên quan đến tim mạch.
Trứng cũng chứa nhiều khoáng chất như sắt, kẽm và phốt pho – đều là những hoạt chất quan trọng, có lợi và cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh. Kẽm duy trì hệ miễn dịch và chuyển đổi thức ăn thành năng lượng, trong khi sắt là chất cần thiết đặc biệt đối với phụ nữ do chu kỳ kinh nguyệt của họ. Trứng cũng giàu iốt và selen – hai chất cần thiết cho việc sản xuất hormon tuyến giáp và hỗ trợ chức năng tuyến giáp.
CÓ. Người bị thủy đậu có thể ăn trứng. Mặc dù có nhiều quan niệm cho rằng khi mắc các bệnh ngoài da, như mụn nhọt, mụn cóc, mề đay, thủy đậu, cần kiêng trứng do chứa chất histamin có thể gây dị ứng và viêm nhiễm cao. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng trứng là thực phẩm không tốt cho người mắc bệnh thủy đậu, hay trứng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, cần kiêng trứng khi bị thủy đậu.
Trên thực tế, trong quá trình điều trị bệnh thủy đậu, các chuyên gia chưa từng ghi nhận trường hợp nào ăn trứng gây hậu quả không mong muốn. Ngược lại, các chuyên gia dinh dưỡng thậm chí khuyên người bị thủy đậu nên ăn trứng với mức độ phù hợp. Do thời gian phát bệnh, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nghiêm trọng, các chất dinh dưỡng trong trứng có thể giúp bù đắp và phục hồi các chất dinh dưỡng đã bị mất, tái tạo năng lượng có ích, hỗ trợ tích cực cho quá trình “chiến đấu” với bệnh thủy đậu, giúp người bệnh nhanh chóng khỏi bệnh và phục hồi.
Tuy vậy, để tránh bất kỳ phản ứng dị ứng hay viêm nhiễm nào, người bị thủy đậu tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có những chỉ định dinh dưỡng phù hợp dựa trên tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh lý cá nhân.
⇒ Xem thêm: Bị thủy đậu có được ăn thịt gà không?
Người bị thủy đậu có thể ăn các loại trứng gà, vịt, cút… trong bữa ăn hàng ngày, tuy nhiên, chỉ nên ăn trứng đã được nấu chín kỹ, nên tránh ăn trứng sống và trứng lòng đào, vì có thể gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng và khó tiêu. Người bị thủy đậu cũng nên tránh ăn trứng của các loài hải sản như cua, cá, tôm, mực, vì chúng có khả năng gây kích ứng và làm tình trạng mụn nước, phát ban do thủy đậu trở nên nghiêm trọng hơn.
Đối với người bị thủy đậu, không nên quá lạm dụng trứng trong thực đơn ăn hàng ngày. Thay vào đó, nên hạn chế tiêu thụ trứng, nếu bình thường một người có thể ăn 2 quả trứng mỗi ngày, thì trong giai đoạn bị thủy đậu, nên giới hạn chỉ ăn 2 – 3 quả trứng mỗi tuần. Đặc biệt, những người bị mỡ máu, cao huyết áp, tiểu đường và các vấn đề liên quan đến tim mạch cần cẩn trọng và hạn chế tiêu thụ trứng.
Khi chế biến các món trứng cho người bị thủy đậu, ngoài việc đảm bảo đủ dinh dưỡng, cần quan tâm đến khả năng tiêu hóa và dễ nuốt của món ăn. Dưới đây là một số cách chế biến trứng phù hợp cho người thủy đậu:
Ngoài ra, khi chế biến các món ăn từ trứng, cần lưu ý tránh sử dụng các thành phần làm gia tăng histamin như hải sản, đồ tanh, để tránh gây dị ứng..
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra với các triệu chứng thường gặp là sốt và nổi nhiều mụn nước chứa dịch gây ngứa ngáy, khó chịu trên khắp cơ thể. Do đó, khi mắc thủy đậu, người bệnh cần chú ý đến chế độ ăn uống để không ảnh hưởng đến quá trình điều trị và phục hồi. Ngoài việc hạn chế tiêu thụ trứng, cần lưu ý về chế độ ăn uống như sau:
Trong quá trình điều trị thủy đậu, việc ăn các loại rau củ quả tươi và trái cây là rất quan trọng để bổ sung vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, việc bổ sung vitamin A, vitamin C và bioflavonoids (nhóm hợp chất tự nhiên có khả năng chống oxy hóa, kháng vi khuẩn) giúp tăng cường sức đề kháng và giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn.Các loại thực phẩm như cà rốt, dưa chuột và bông cải cũng là những nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất quan trọng.
Tuy nhiên, nếu người bệnh có mụn nước trong miệng, vết loét trong cổ họng hoặc khoang miệng, nên tránh dùng trái cây và rau củ giàu vitamin C vì dễ gây đau rát, xót miệng và kích ứng. Thay vào đó, nên ăn những loại thực phẩm mềm, vị nhạt, dễ nuốt và dễ tiêu hóa như cháo, súp, canh và khoai tây nghiền, để tránh ma sát với các vết mụn và giảm đau rát.
Ngoài ra, việc bổ sung thực phẩm giàu kẽm cũng rất quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch và mang lại cảm giác ngon miệng. Các nguồn thực phẩm giàu kẽm bao gồm ngũ cốc, đậu, măng tây và nấm.
Để bổ sung canxi và magie, người bệnh có thể thêm các loại thực phẩm như đậu, bánh mì nguyên hạt và ngũ cốc nguyên hạt vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày.
Cuối cùng, cần uống đủ nước, đặc biệt là uống nước ép trái cây tươi. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu nước mà còn bổ sung chất điện giải, giúp giải nhiệt và thanh lọc cơ thể, từ đó tăng cường sức khỏe tổng thể, thúc đẩy quá trình khỏi bệnh và nhanh chóng phục hồi.
Khi bị thủy đậu, người bệnh nên kiêng thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng hoặc quá mặn có thể gây nhiệt miệng, đau họng và làm tăng nguy cơ lây lan các vết mụn nước và kéo dài quá trình lành.
Kiêng các sản phẩm từ sữa và phụ phẩm của sữa như bơ, phô mai và yogurt vì đây là các thực phẩm gây tiết nhờn trên da, có thể gây sưng viêm và làm vết mụn nổi lâu hơn. Đồng thời, những loại thực phẩm này cũng làm da tiết nhiều dầu, tạo điều kiện thuận lợi cho virus thủy đậu lây lan.
Hạn chế việc ăn những món ăn vặt có nhiều calo mà ít chất dinh dưỡng, vì chúng có thể làm cơ thể mệt mỏi và suy nhược. Các loại thịt có tính ấm và nóng như thịt gà cũng tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh, người bệnh cũng cần chú ý kiêng, không nên ăn cho đến khi khỏi bệnh.
Cần kiêng ăn các loại hải sản, đồ tanh chứa nhiều histamin, dễ gây dị ứng và ngứa ngứa ngáy. Cam, chanh, cà phê và sôcôla là những thực phẩm giàu axit có thể gây sưng tấy và tổn thương da, đặc biệt ở khu vực mụn nước.
Ngoài ra, các loại thực phẩm có khả năng để lại sẹo xấu sau khi lành bệnh như rau muống, đồ nếp, chất kích thích, đồ ăn nhiều dầu mỡ cũng nên được tránh.
⇒ Hãy xem chi tiết về chế độ ăn và kiêng qua bài viết: Bệnh thủy đậu nên kiêng gì?
Để chủ động phòng ngừa bệnh thủy đậu và các biến chứng của nó, cần thực hiện các biện pháp:
Đặc biệt, cần chủ động tiêm vắc xin phòng thủy đậu cho trẻ nhỏ khi vừa đủ độ tuổi có thể tiêm vắc xin, tiêm cho trẻ tiền học đường, thanh thiếu niên, người lớn nếu chưa được tiêm thủy đậu trước đó, tiêm phụ nữ mang thai trước ít nhất 1 – 3 tháng so với kế hoạch sinh con. Đây là biện pháp phòng ngừa bệnh thủy đậu và biến chứng của bệnh hiệu quả, đơn giản, nhanh chóng và tiết kiệm nhất.
VNVC hiện đang có đầy đủ 03 loại vắc xin phòng thủy đậu với hiệu quả cao cho mọi đối tượng từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi, bao gồm Varivax (Mỹ), Varilrix (Bỉ), Varicella (Hàn Quốc), được bảo quản nghiêm ngặt trong điều kiện tối ưu của hệ thống dây chuyền lạnh (Cold Chain) và hệ thống kho lạnh hiện đại, quy mô lớn, đạt chuẩn Quốc tế GSP, đảm bảo chất lượng và độ an toàn của vắc xin từ 2-8 độ C theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất.
Bị thủy đậu có được ăn trứng không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể ăn trứng vì trứng là thực phẩm giàu dưỡng chất có lợi cho sức khỏe và khả năng hồi phục của cơ thể cùng nhiều lợi ích khác, sự có mặt của trứng trong khẩu phần ăn hàng ngày giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên, khi bị thủy đậu nên hạn chế số lượng trứng và số lần ăn trứng trong 1 tuần so với lúc khỏe mạnh, nên ăn theo nhu cầu tối thiểu được các chuyên gia khuyến cáo..
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính với khả năng lây lan nhanh chóng, bất cứ ai cũng có thể bị thủy đậu và tiềm ẩn nguy cơ biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và sự phát triển trong tương lai. Do đó, việc dự phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin thủy đậu đầy đủ và đúng lịch là vô cùng cần thiết, cần được thực hiện chủ động và càng sớm càng tốt cho cả trẻ em và người lớn.
Vắc xin phòng thủy đậu mang lại hiệu quả phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm của virus Varicella-Zoster gây bệnh thủy đậu lên đến trên 98%. Vậy...
Xem ThêmThủy đậu là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh chóng do virus Varicella-Zoster gây ra. Người bệnh cần được chăm sóc và có chế...
Xem ThêmThủy đậu vốn dĩ lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng có thể diễn biến thành thủy đậu nặng với các biến chứng nguy...
Xem ThêmKhi mắc bệnh thủy đậu, nếu tiêu thụ các loại thực phẩm không phù hợp có thể gây kích thích vết loét, làm chậm quá trình lành...
Xem ThêmTrẻ bị zona là tình trạng nhiễm trùng da do virus Varicella zoster gây ra, bệnh cao điểm là vào mùa mưa khi thời tiết chuyển mùa....
Xem ThêmZona thần kinh là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella-zoster gây ra với triệu chứng phát ban, nổi mụn nước trên bề mặt da, khiến...
Xem Thêm