Mở cửa 7h30 - 17h00 / T2 - CN xuyên trưa *
Biểu hiện của bệnh lý nhiễm trùng ngoài da gây ra bởi zona thần kinh và kiến ba khoang có nhiều sự tương đồng, nếu không biết cách phân biệt, rất dễ nhầm lẫn trong việc chẩn đoán và điều trị, khiến bệnh tình không những không thoái triển mà còn tiến triển thành nhiều biến chứng nghiêm trọng, kéo dài thời gian hồi phục.
BS Bùi Công Sự – Quản lý Y khoa khu vực Đông Nam Bộ, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC: “Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và zona thần kinh là hai bệnh lý nhiễm trùng da hoàn toàn khác nhau. Sự nhầm lẫn trong chẩn đoán và sử dụng thuốc có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị, tăng nguy cơ biến chứng và kéo dài quá trình hồi phục. Nhiều người mắc viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang lầm tưởng bản thân mắc zona thần kinh nên sử dụng thuốc Acyclovir để điều trị, điều này có thể khiến vết thương lở loét, nhiễm trùng và bội nhiễm.” |
Zona thần kinh là bệnh lý nhiễm trùng da do virus Varicella Zoster (VZV) – virus gây bệnh thủy đậu, thuộc họ virus thần kinh herpes gây ra. Sau khi người mắc thủy đậu khỏi bệnh, VZV không bị hệ miễn dịch cơ thể đào thải mà tiếp tục khu trú dưới các hạch thần kinh ở trạng thái tiềm tàng, không gây bệnh. Khi gặp các điều kiện thuận lợi như cơ thể suy giảm miễn dịch, tinh thần bị sang chấn, stress hay suy nhược, VZV sẽ tái hoạt động, nhân lên và lây lan nhanh dọc theo các hạch thần kinh trên khắp cơ thể, gây ra bệnh zona thần kinh với triệu chứng ngoài da điển hình là những nốt phát ban, mụn nước chứa dịch gây đau rát, ngứa ngáy.
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là bệnh lý nhiễm trùng ngoài da do dịch tiết chứa độc tố của kiến ba khoang gây ra. Sau tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang, vùng da tiếp xúc sẽ trở nên căng, ngứa ngáy, bỏng rát và sau đó sẽ đỏ ửng, sưng nề và xuất hiện nhiều nốt mụn nước với kích thước to nhỏ không đều, khoảng 1 – 5mm. Sau vài ngày, những nốt mụn nước này có thể căng phồng, to ra, biến thành các bóng nước chứa mủ rất dễ vỡ. Không giống với zona thần kinh thường mọc thành mảng/cụm/dải dọc theo các hạch thần kinh cảm giác, những mụn nước và các vết sang thương sưng đỏ do tiếp xúc kiến ba khoang thường xuất hiện thành vệt, đường rất rõ rệt. Khi tác động lực lên những vùng da tổn thương này, độc tố của kiến ba khoang sẽ nhanh chóng lây lan, khiến tổn thương sẽ lan rộng sang các vùng da lành khác trên cơ thể.
Tuy những tổn thương ngoài da của zona thần kinh và kiến ba khoang có biểu hiện rất tương đồng, nhưng hoàn toàn có thể phân biệt thông qua những tiêu chí đánh giá sự khác biệt sau đây:
Tiêu chí | Zona thần kinh | Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang |
Nguyên nhân | Do sự tái hoạt động của VZV sau khi đã khỏi bệnh thủy đậu và cơ thể gặp phải tình trạng suy giảm miễn dịch, tinh thần căng thẳng, cơ thể suy nhược,… | Do cơ thể tiếp xúc với chất tiết chứa độc tố Pederin (1) do kiến ba khoang tiết ra (tên khoa học là Paedérus). Tùy theo từng địa phương mà có các tên khác nhau như: kiến nhốt, kiến kim, kiến cằm cặp, kiến lác, … |
Thời điểm mắc bệnh trong năm | Bệnh không liên quan đến thời tiết, không theo mùa, có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào mà sức khỏe cơ thể bị suy yếu, tinh thần căng thẳng. | Thường mắc vào mùa mưa. Sau cơn mưa là thời điểm côn trùng nói chung và kiến ba khoang nói riêng không còn chỗ cư trú, chúng thường có xu hướng tìm nơi ẩn nấp, bay theo ánh đèn nhà dân và đậu vào các vị trí ấm áp, có chỗ bám như quần áo, chăn màn, giường chiếu, khăn mặt,… khiến con người tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang ngay sau khi sử dụng các vật dụng trên và gây ra bệnh viêm da tiếp xúc. |
Dấu hiệu ban đầu | Có xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo tiền triệu chứng như vùng da bị VZV hơi sưng đỏ nhẹ, phù nề, gồ cao hơn vùng da xung quanh. | Bệnh thường xuất hiện đột ngột, không có các tiền triệu chứng báo hiệu do độc tố của kiến ba khoang rất mạnh, gây ra tổn thương da nghiêm trọng, với tốc độ vô cùng nhanh chóng. |
Triệu chứng điển hình | Mụn nước, phát ban mọc gần nhau, liên kết và dính chùm/mảng/cụm bám dọc theo các hạch thần kinh cảm giác bị VZV tấn công. | Mụn nước thường nhỏ, có màu đỏ giống mụn mủ, có xu hướng tạo thành vệt/ đường dài, gây bỏng rát, phù nhẹ, ít ngứa. |
Vị trí tổn thương ngoài da | Chủ yếu chỉ xuất hiện ở 1 bên cơ thể, có thể một bên quanh eo, một bên mặt, cổ, lưng hoặc một bên thân dọc theo dây thần kinh liên sườn. | Không có đặc trưng phân bố rõ rệt, có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể có tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang. |
Cảm giác đặc trưng | Đau nhức, bỏng rát sâu tận thần kinh. | Bỏng rát ngoài da. |
Di chứng sau bệnh | Thường để lại sẹo (sẹo lồi/sẹo lõm) và những cơn đau nhức dây thần kinh sau Herpes vẫn còn dai dẳng không dứt. | Thường chỉ để lại dát thẫm màu và mờ dần theo thời gian. |
Khả năng tái phát | Hiếm khi tái phát, tỷ lệ tái phát zona thần kinh ở nam và nữ sau 8 năm lần lượt là 4% và 7%. | Có thể tái phát bất cứ khi nào cơ thể tái tiếp xúc với dịch tiết chứa độc tố của kiến ba khoang. |
Khả năng lây truyền | Người bệnh zona thần kinh có thể lây VZV cho người khác nếu tiếp xúc trực tiếp với mụn nước, phát ban trên vùng da tổn thương và gây ra bệnh thủy đậu nếu người tiếp xúc chưa từng mắc thủy đậu. Nếu người tiếp xúc đã từng mắc thủy đậu, tiềm ẩn nguy cơ mắc zona thần kinh. | Không lây từ người này sang người khác nhưng có khả năng lan rộng khắp cơ thể nếu vết thương không được chăm sóc cẩn thận. |
Thời gian khỏi bệnh | Sau khoảng 2 đến 3 tuần. | Sau khoảng 5-7 ngày. |
Cả bệnh zona thần kinh và viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đều đòi hỏi các phương pháp điều trị khoa học riêng biệt. Việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời, tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng các loại thuốc được kê đơn và tuân theo các thực hành chăm sóc vết thương được bác sĩ khuyến cáo là rất quan trọng để đạt được kết quả phục hồi thành công và giảm thiểu các biến chứng.
Zona thần kinh có biểu hiện nhiễm trùng ngoài da nhưng do virus tấn công hệ thần kinh gây ra nên cần được thăm khám và điều trị sớm, theo hướng dẫn, chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Vì là bệnh lý do virus gây ra nên thông thường, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng virus cho người bệnh sử dụng nhằm ức chế khả năng hoạt động và sự phát triển của virus. Trong những trường hợp bị nhiễm trùng phụ hay bội nhiễm, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thêm kháng sinh để kháng khuẩn, chống nhiễm trùng, giảm đau, giảm viêm và hạn chế sưng tấy trên vết thương.
Đối với những cơn đau gốc ở các dây thần kinh kéo dài dai dẳng, khó chịu, các bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định sử dụng giảm đau và thuốc kháng histamin dạng uống để giảm ngứa, làm dịu các triệu chứng khó chịu. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm các loại thuốc tăng cường khả năng phản ứng của miễn dịch nhằm nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể “chiến đấu” chống lại virus tốt hơn.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, dịch tiết từ cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin với độc tính rất mạnh, thậm chí gấp 12 – 15 lần so với nọc rắn hổ. Tuy nhiên, ngay khi bị viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang, nếu vết thương được xử lý đúng cách thì độc tố của kiến ba khoang cũng không quá nguy hiểm. Những trường hợp nhầm lẫn trong chẩn đoán bệnh và chậm trễ trong việc áp dụng những biện pháp xử lý, điều trị bệnh lý sẽ khiến độc tố lan rộng, gây nên hiệu quả nghiêm trọng. Do đó, khi bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, cần:
Người bệnh nhanh chóng rửa vùng tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang và các vùng da xung quanh bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% hoặc nước sạch để loại bỏ dịch tiết của kiến, nên kết hợp sử dụng các loại xà phòng nhẹ, lành tính để hỗ trợ trung hòa độc tính của kiến ba khoang trên da. Tuy nhiên, cần chú ý không chà xát mạnh gây tổn thương vùng da hoặc khiến chất độc lan rộng ra các vùng da lành khác.
Sau khi vùng da tiếp xúc với độc tố kiến ba khoang được làm sạch, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để tiếp nhận sự chăm sóc y tế đúng cách. Các bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng bệnh lý và đưa ra các phương pháp chăm sóc và điều trị phù hợp. Trong những trường hợp bệnh nhẹ, sẽ không cần điều trị, chỉ cần chăm sóc vết thương và khử trùng đúng cách, bệnh tự khỏi. Đối với trường hợp vùng sang thương phồng rộp, nguy cơ viêm nhiễm cao, bệnh nhân có thể được các bác sĩ chỉ định sử dụng các loại thuốc giảm đau rát, thúc đẩy quá trình làm lành vết thương.
Ngoài ra, có thể sử dụng các thuốc bôi tại chỗ như hồ nước (sản phẩm hóa dược có khả năng khử trùng nhẹ và làm dịu các tổn thương ngoài da, tránh lây lan, viêm nhiễm), kem bôi corticosteroid (kem giảm viêm), kem chứa thành phần kẽm (hỗ trợ kháng khuẩn, làm dịu da) để giảm đau, hạn chế tình trạng viêm nhiễm trở nặng, ngăn ngừa lây lan sang các vùng da lành, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình hồi phục. Tuy nhiên khi sử dụng các loại thuốc điều trị, người bệnh cần tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ.
Nếu phát sinh nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thêm kem kháng sinh tại chỗ, kết hợp với việc uống thuốc kháng histamin nhằm giảm ngứa và kích ứng.
Hiếm khi cần can thiệp toàn thân trừ khi có biểu hiện bội nhiễm.
Có thể phòng ngừa hiệu quả nguy cơ lây nhiễm zona thần kinh và viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang bằng các phương pháp sau:
Phòng ngừa zona thần kinh | Phòng ngừa kiến ba khoang |
Đối với người chưa từng bị thuỷ đậu, không tiếp xúc với người bệnh thủy đậu và người mắc zona thần kinh. Chủ động tiêm phòng vắc xin đầy đủ để phòng ngừa cả thủy đậu và zona thần kinh. Đối với người đã từng mắc thủy đậu, có nguy cơ nhiễm zona thì cần xây dựng và duy trì chế độ sống khoa học, lành mạnh, hạn chế tối đa căng thẳng, giữ tinh thần lạc quan, tích cực, vui vẻ và cân đối hóa chế độ sinh dưỡng, ưu tiên dung nạp vitamin C. Đồng thời tăng cường vận động cơ, hoạt động thể chất nhằm cải thiện sức khỏe, tăng cường miễn dịch. Loại bỏ thói quen xấu, sử dụng các chất kích thích có hại cho hệ miễn dịch cơ thể như thuốc lá, rượu bia,… Tích cực chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần để sớm phát hiện các dấu hiệu khởi phát của bệnh, được xét nghiệm và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý, từ đó tiếp nhận các phương pháp điều trị và chăm sóc khoa học đúng cách, giảm thiểu nguy cơ biến chứng, rút ngắn thời gian khỏi bệnh và phục hồi sau bệnh. | Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là tình trạng tiếp xúc với độc tố của kiến. Do đó, để phòng ngừa hiệu quả, cần thực hiện các biện pháp giảm thiểu tối đa nguy cơ tiếp xúc với kiến ba khoang trong quá trình sinh hoạt, học tập và làm việc. Theo Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế, để phòng ngừa côn trùng nói chung và kiến ba khoang nói riêng bay vào nhà, nên hạn chế mở cửa, buông rèm cửa hoặc lắp lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa sổ và lỗ thông khí, đặc biệt là ở những khu vực gần cây cối, cánh đồng khi thắp đèn. Nên ngủ trong màn và tránh đứng dưới ánh đèn sáng ở nơi công cộng và chú ý khi làm việc dưới ánh đèn, vì kiến ba khoang thường xuất hiện ở những nơi có ánh đèn sáng. Nếu có điều kiện, nên bật đèn ở ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và tiêu diệt chúng đúng cách, tránh để dịch tiết trong cơ thể kiến bắn lên cơ thể. Ngăn chặn khả năng sinh sống và lưu trú của kiến bằng cách phá hủy môi trường sống của chúng, đảo đảm vệ sinh môi trường xung quanh nhà, khai quang, làm sạch bụi rậm, cây cỏ. Nên giũ mạnh khăn mặt và quần áo trước khi sử dụng để phòng ngừa nguy cơ kiến ba khoang đậu lên những vật dụng này. Khi làm việc trên đồng ruộng, đặc biệt vào mùa mưa bão, cần sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động như quần áo dài tay, đội mũ/nón, bịt khẩu trang và đi ủng. Có thể sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng như deltamethrin, alpha cyhalothrin và permethrin để diệt kiến ở những vị trí mà kiến thường tập trung gần người. |
Việc phân biệt bệnh zona thần kinh và kiến ba khoang là vô cùng quan trọng để đảm bảo áp dụng phương pháp xử lý, chăm sóc và điều trị đúng cách, hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng, lở loét, viêm nhiễm nghiêm trọng. Triệu chứng nhiễm trùng da do virus có sự khác biệt so với viêm da do côn trùng, zona thần kinh biểu hiện bằng những mụn nước chứa dịch kết mảng thành dải bám sát các hạch thần kinh trên cơ thể và gây ra cảm giác đau nhức thần kinh. Trong khi đó viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang biểu hiện bằng những mụn nước nhỏ trên nền da sưng đỏ, xuất hiện thành vệt/đường dài và gây ra cảm giác bỏng rát ngoài ra.
Khi chẳng may mắc bệnh giời leo, nếu bệnh nhân chủ quan sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, có thể dẫn đến những tác hại...
Xem ThêmZona thần kinh nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, nguy cơ cao tiến triển các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là zona...
Xem ThêmZona thần kinh ở lưng là tình trạng vùng da lưng bị nổi mụn nước do các tổn thương gây ra bởi virus Varicella zoster. Tương tự...
Xem ThêmGiời leo là bệnh rất phổ biến với người Việt Nam, dễ tái phát, biến chứng lâu dài nếu không điều trị đúng. Ngoài thăm khám, tuân...
Xem ThêmGiời leo ở mắt là bệnh lý gây ra do virus Varicella zoster (VZV) với những sang thương ở vùng da quanh mắt và mí mắt người...
Xem ThêmBất cứ lứa tuổi nào cũng có thể mắc zona thần kinh. Đa số những người mắc zona thường không biết mình nhiễm bệnh từ bao giờ...
Xem Thêm