Mở cửa 7h30 - 17h00 / T2 - CN xuyên trưa *
Thủy đậu là bệnh lý phổ biến và rất dễ mắc phải ở cả trẻ em lẫn người lớn, biến chứng bệnh rất nặng, có thể để lại nhiều di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong. Bị thủy đậu có được tắm không? Kiêng nước có giúp nhanh khỏi không? Cần kiêng gì khi mắc thủy đậu là nỗi băn khoăn của không ít người. Câu trả lời được giải đáp trong bài viết dưới đây.
BS.CKI Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC: “Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm phổ biến có khả năng lây lan nhanh chóng. Trong quá trình điều trị, người bệnh phải được cách ly, chăm sóc đúng cách ngay khi phát hiện bệnh. Nguyên tắc trong việc chữa bệnh thuỷ đậu là ngăn không cho các nốt mụn nước thuỷ đậu bị nhiễm trùng, đồng thời vệ sinh cơ thể thường xuyên để tránh lây nhiễm từ vùng da này sang vùng da khác”. |
Thủy đậu là bệnh lý cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoster. Bệnh có tính lây lan nhanh từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết, giọt bắn từ mũi họng, dịch từ mụn nước thủy đậu. Khi mắc bệnh, người bệnh có triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, nhức đầu, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ kèm mụn nước thường bắt đầu ở ngực, lưng và mặt sau đó lan ra toàn cơ thể.
Các nốt mụn nước do thủy đậu nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách có thể gây thủy đậu bội nhiễm, để lại sẹo lõm, sẹo thâm trên da ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Ngoài ra, thủy đậu còn có thể gây biến chứng như viêm phổi với những triệu chứng như khó thở, đau ngực, tím tái… Nguy hiểm hơn, bệnh có thể dẫn đến viêm não, nhiễm trùng huyết, xuất huyết, hội chứng Reye, hội chứng sốc nhiễm độc, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê…, thậm chí là tử vong.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, bệnh xảy ra ở mọi nơi trên thế giới và gây ra khoảng 7000 ca tử vong hàng năm. Ở các nước có khí hậu ôn hòa, thủy đậu thường gây bệnh cho trẻ em nhiều hơn với tỷ lệ mắc cao nhất ở nhóm dưới 10 tuổi trong khi tỷ lệ này ở người lớn chưa đến 5%. Bệnh thường phổ biến vào cuối mùa đông và kéo dài tới mùa xuân. Thủy đậu có thể đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh, người có bệnh nền mạn tính, người có hệ miễn dịch suy yếu và phụ nữ mang thai.
Phụ nữ mang thai (đặc biệt là tam cá nguyệt thứ nhất và tam cá nguyệt thứ hai) nếu mắc thủy đậu có thể dẫn đến sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi (chậm phát triển trí tuệ, teo chi, teo thần kinh thị giác, chứng đầu nhỏ, não úng thủy, đục thủy tinh thể,…). Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ có tỷ lệ tử vong cao lên đến 30%.
Năm 1995, vắc xin phòng ngừa thủy đậu được giới thiệu và đã làm giảm đáng kể số ca mắc bệnh cũng như các biến chứng nguy hiểm. Vắc xin ngăn ngừa khoảng 70% đến 90% các trường hợp nhiễm trùng và 95% các trường hợp bệnh nặng. [1]
Chuyên gia của Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, người mắc bệnh thủy đậu cần được tắm gội, vệ sinh cơ thể thường xuyên để giảm các cơn ngứa và sự khó chịu trên da. Điều này giúp người bệnh tránh được tình trạng nhiễm trùng nặng hoặc thủy đậu bội nhiễm.
Vào mùa nắng nóng, việc sử dụng quạt để tạo không khí thoáng mát là an toàn và hoàn toàn không làm bệnh trở nên trầm trọng hơn. Trong giai đoạn mắc bệnh, nên cách ly người bệnh đến những nơi đông người để hạn chế lây lan bệnh cho những người khác.
Một số quan niệm dân gian cho rằng người mắc bệnh thủy đậu nên kiêng tắm bởi việc tiếp xúc với nước sẽ làm khiến tốc độ lành vết thương của các nốt mụn nước chậm hơn và làm người bệnh có thể nhiễm hàn đều là những quan niệm không đúng đắn và không có căn cứ khoa học.
⇒ Xem thêm: Bị thủy đậu có được gội đầu không? Hướng dẫn cách làm đúng.
Khi mắc bệnh thủy đậu, việc giữ vệ sinh cơ thể và những vùng da tổn thương đúng cách đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh đẩy nhanh quá trình phục hồi hơn. Cụ thể:
Các chuyên gia khuyến khích người mắc bệnh nên tắm gội, vệ sinh cơ thể bằng nước sạch và ấm vừa phải thường xuyên để làm dịu cơn ngứa cũng như làm sạch da hiệu quả.
Người mắc thủy đậu thường đi kèm với triệu chứng sốt nên cơ thể sẽ dễ đổ mồ hôi. Nếu không được tắm gội, vệ sinh cơ thể sạch sẽ hàng ngày rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập, tăng mức độ nhiễm trùng và sự khó chịu cho người bệnh. Do đó, với thắc mắc bị thủy đậu có được tắm không, chuyên gia khẳng định người mắc bệnh thủy đậu nên tắm gội mỗi ngày để cơ thể luôn sạch sẽ, ngăn ngừa nhiễm trùng và tinh thần cảm thấy dễ chịu hơn.
Việc tắm gội, vệ sinh cá nhân sạch sẽ mỗi ngày không chỉ giúp hạn chế tình trạng nhiễm trùng da, ngăn ngừa bệnh lây lan từ vùng da này sang vùng da khác mà còn khiến người bệnh luôn cảm thấy mát mẻ, dễ chịu, tinh thần được thư giãn thoải mái, đẩy nhanh quá trình phục hồi hơn.
Khi mắc thủy đậu, người bệnh đã bị nhiễm virus varicella zoster khiến cơ thể mệt mỏi, sốt, sức đề kháng suy yếu, do đó tắm gội vệ sinh hàng ngày bằng nước sạch và ấm vừa phải sẽ giúp điều hòa thân nhiệt, làm cơ thể mát từ bên trong, hạ nhiệt nhanh đồng thời làm dịu cơn ngứa, làm sạch da hiệu quả.
Trong quá trình tắm khi bị thủy đậu, người bệnh lưu ý không sử dụng xà phòng để tắm. Bởi một số loại xà phòng có bảng thành phần hóa học có thể gây kích ứng, khô da và khiến nốt mụn nước thủy đậu sưng tấy và nặng hơn là nhiễm trùng. Do đó, bác sĩ khuyến khích người bệnh chỉ nên sử dụng các loại sữa tắm dịu nhẹ chứa ít chất tẩy rửa để tắm gội trong quá trình điều trị bệnh.
Bên cạnh đó, người bệnh nên lau nhẹ nhàng vùng da tổn thương, các nốt mụn nước, tránh cọ xát mạnh vì có thể gây đau rát, vỡ các nốt mụn nước khiến nhiễm trùng da, nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng huyết, gây khó khăn cho quá trình điều trị và phục hồi.
Sau khi tắm xong, người bệnh nên dùng khăn cotton hoặc khăn xô mềm dễ thấm nước, thấm nhẹ nhàng toàn thân, mặc quần áo thoáng mát, chấm thuốc xanh methylen lên nốt mụn nước để sát khuẩn.
Ngoài việc sử dụng thuốc xanh để chấm lên các nốt mụn nước, người bệnh cũng có thể sử dụng kem dưỡng da Calamine để làm dịu da và giảm ngứa do thủy đậu bằng cách dùng ngón tay hoặc tăm bông sạch, thoa một ít kem dưỡng da Calamine lên vùng da bị ngứa. Lưu ý, không bôi xung quanh vùng da mắt nhạy cảm.
Quần áo bó sát khiến các nốt mụn nước có nguy cơ cao bị vỡ, quần áo có chất liệu thô cứng cũng có thể cọ xát vào da gây nhiễm trùng, nhiễm trùng diện rộng, làm chậm quá trình phục hồi của người bệnh.
Một trong những lưu ý đầu tiên khi tắm đối với người mắc thủy đậu là tuyệt đối không tắm bằng nước lạnh vì có thể khiến cơ thể bị cảm lạnh.
Người bệnh cũng nên tắm nhanh, lau người thật khô sau khi tắm xong, không nên ngâm mình trong nước quá lâu vì dễ bị cảm lạnh hơn. Đồng thời, việc tắm quá lâu cũng khiến hệ thống mạch máu co lại và nhịp tim không ổn định, có thể làm trầm trọng thêm bệnh.
Người mắc bệnh thủy đậu cần được tắm trong phòng kín gió và vệ sinh sạch sẽ để tránh bị cảm lạnh cũng như tránh các vấn đề nhiễm trùng về da.
Một số loại xà phòng thông thường sẽ có bảng thành phần chứa chất tẩy rửa mạnh, nếu sử dụng để tắm trong quá trình điều trị thủy đậu có thể gây kích ứng da, khô da, nhiễm trùng da. Chính vì vậy, người bệnh nên ưu tiên dùng các loại sữa tắm dịu nhẹ chứa ít chất tẩy rửa để tắm gội trong quá trình điều trị bệnh.
Khi bị thủy đậu người bệnh nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý bằng cách sử dụng các thực phẩm lành tính, ít chất đạm, được chế biến dưới dạng lỏng và dễ tiêu hóa.
Bổ sung các thực phẩm giàu kẽm như nấm, măng tây, ngũ cốc, các loại đậu, ốc, nghêu,… để tăng cường khả năng miễn dịch cho người bệnh.
Tăng cường thực phẩm từ sữa, bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt, cá béo, chuối, đậu… chứa nhiều canxi và magie.
Các loại rau tươi bổ sung nhiều chất xơ, khoáng chất vitamin và nước cho cơ thể như rau cải xanh, rau bồ ngót, rau mồng tơi, cà rốt, khoai lang, bí, cà chua, các loại đậu,…
Các loại trái cây tươi giàu vitamin có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp người bệnh nhanh hồi phục như cam, chanh, bưởi, đu đủ, dưa hấu, ổi, dâu tây, kiwi,… Tuy nhiên, trong trường hợp mụn nước mọc trong miệng, hình thành các vết loét, người bệnh cần tránh ăn các loại trái cây quá chua và nhiều axit như cam và chanh, để tránh đau rát.
Uống nhiều nước lọc, kể cả canh, súp, nước ép trái cây để giúp đào thải độc tố, thanh lọc cơ thể, bổ sung chất điện giải giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn.
⇒ Xem thêm: Bệnh thủy đậu nên kiêng gì?
Người bệnh cần được nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh tại chỗ từ 7-10 ngày kể từ khi phát hiện các triệu chứng, tránh tới chỗ đông người để lây nhiễm cho những người xung quanh. Người bệnh cần được cách ly tạm thời, hạn chế sinh hoạt chung, sử dụng đồ dùng chung với người khác cho đến khi khỏi bệnh. Vệ sinh và sát khuẩn đồ dùng cá nhân của người bệnh thường xuyên.
⇒ Bạn có thể xem thêm: Cách vệ sinh khi bị thủy đậu cho trẻ em và người lớn.
Người bệnh có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách rất quan trọng, góp phần giảm thiểu mức độ tổn thương, hạn chế tình trạng viêm nhiễm, ít để lại sẹo lõm, sẹo thâm và các biến chứng tiềm ẩn.
⇒ Tìm hiểu nhiều hơn về cách điều trị bệnh thủy đậu ← tại đây.
Để chủ động phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả, Bộ Y tế khuyến cáo:
Sau khi điều trị khỏi bệnh, các nốt mụn nước thủy đậu đã lành lặn hoàn toàn, lúc này người bệnh có thể tắm gội lại bình thường bằng xà phòng/ sữa tắm phù hợp để giúp loại bỏ các tế bào chết và bụi bẩn, giữ cơ thể luôn sạch sẽ, thoải mái.
KHÔNG! Trong quá trình điều trị bệnh thủy đậu, người bệnh cần hạn chế đến những nơi tập trung đông người để tránh việc lây nhiễm bệnh cho những người khác.
KHÔNG NÊN! Với khả năng kháng khuẩn, chống viêm hiệu quả, thực tế có một số loại lá có thể hạn chế triệu chứng này ở người bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo không nên tự ý sử dụng các loại lá này để tắm vì trong một số trường hợp lá không đảm bảo vệ sinh, chưa được rửa sạch, còn chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nếu tắm phải khiến nhiễm trùng da, bội nhiễm da có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng và kéo dài. Do đó, người bệnh cần có chỉ định của bác sĩ trước khi sử dụng các loại lá để tắm trong việc hỗ trợ điều trị bệnh thủy đậu.
Như vậy, thắc mắc bị thủy đậu có được tắm không đã được giải đáp. Bệnh thủy đậu lây lan rất nhanh nếu không được điều trị đúng cách có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Do do, tắm và giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là vùng da bị tổn thương thật tốt sẽ giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Zona thần kinh nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, nguy cơ cao tiến triển các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là zona...
Xem ThêmTrẻ bị zona là tình trạng nhiễm trùng da do virus Varicella zoster gây ra, bệnh cao điểm là vào mùa mưa khi thời tiết chuyển mùa....
Xem ThêmZona thần kinh là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella-zoster gây ra với triệu chứng phát ban, nổi mụn nước trên bề mặt da, khiến...
Xem ThêmCác giai đoạn của zona thần kinh của mỗi người không giống nhau. Nếu giai đoạn nhẹ bệnh chỉ biểu hiện với các triệu chứng nhẹ, nhưng...
Xem ThêmThủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây bệnh cho tất cả mọi người nhưng đặc biệt nguy hiểm ở trẻ sơ sinh. Thủy đậu ở...
Xem ThêmCách chữa thủy đậu ở người lớn là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm bởi những biến chứng không chỉ làm ảnh hưởng...
Xem Thêm