Mở cửa 7h30 - 17h00 / T2 - CN xuyên trưa *
Dấu hiệu ung thư giai đoạn cuối thường bộc lộ rõ ràng và ở giai đoạn này ung thư đã di căn đến các cơ quan khác. Nếu không có các phương pháp tầm soát sớm, ung thư cổ tử cung chỉ được phát hiện khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn cuối, di căn sang các bộ phận khác.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối là tình trạng ung thư từ cổ tử cung đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể như khung chậu, bàng quang, trực tràng… Theo phân loại của Liên đoàn phụ khoa và sản khoa quốc tế FIGO, ung thư cổ tử cung chia thành 4 giai đoạn từ I (1) đến IV (4). Con số càng thấp, ung thư càng ít xâm lấn. Con số càng lớn cho thấy tình trạng bệnh ung thư nghiêm trọng. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 4 là giai đoạn cuối, gồm 2 giai đoạn nhỏ.
Ở giai đoạn IVA, tế bào ung thư từ cổ tử cung đã lan đến các bộ phận xung quanh vùng chậu như bàng quang, trực tràng.
Ở giai đoạn IVB, tế bào ung thư từ cổ tử cung đã lan đến các bộ phận khác của cơ thể như gan, phổi, xương hoặc các hạch bạch huyết ở xa.
Tế bào ung thư từ cổ tử cung có thể lan sang các bộ phận khác, sự lây lan này gọi là di căn. Ung thư cổ tử cung lây lan theo 2 cách: phát triển lớn hơn, xâm lấn sang các cơ quan bên cạnh như âm đạo, bàng quang, trực tràng, tử cung hoặc di căn theo đường bạch huyết và đường máu. Các bộ phận di căn xa của ung thư cổ tử cung thường là phổi, gan, xương.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có thể di căn đến những bộ phận sau:
Ở giai đoạn cuối, ung thư cổ tử cung đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Vì vậy các dấu hiệu, triệu chứng của ung thư cổ tử cung được phân loại theo vị trí có tế bào ung thư di căn đến. 8 dấu hiệu Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối thường gặp như sau:
Đau vùng chậu là một trong các gợi ý cho bác sĩ về triệu chứng ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Nguyên nhân của đau vùng chậu là do các tế bào ung thư xâm lấn đến vùng xương chậu.
Khó thở cũng là dấu hiệu hay gặp ở giai đoạn này. Nguyên nhân là do khối u di căn lên phổi, làm tắc nghẽn phế quản, gây suy hô hấp.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn IV di căn vào bàng quang nên bệnh nhân đau buốt khi tiểu, tiểu ra máu, tiểu không kiểm soát, tiểu són, tiểu rắt…
Xuất huyết âm đạo bất thường là dấu hiệu phổ biến của ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Sau khi loại trừ nguyên nhân vận động mạnh hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt, xuất huyết âm đạo bất thường không kèm đau bụng hay đau lưng là dấu hiệu cần phải đi khám bác sĩ ngay.
Nếu dịch tiết âm đạo bất thường (có màu xanh, trắng đục lẫn máu) và có mùi khó chịu thì có thể đây là biểu hiện của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối.
Nếu chu kỳ kinh nguyệt đang đều đặn bỗng nhiên đến sớm hơn hay kéo dài hơn nhưng không tìm ra nguyên nhân cụ thể thì cần chú ý vì đây có thể là dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Sau khi loại trừ nguyên nhân do căng thẳng hay do thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống thì ung thư cổ tử cung có thể là nguyên nhân dẫn đến rối loạn này.
Ở giai đoạn cuối, khối u phát triển to khiến người bệnh thường xuyên mất ngủ, sụt cân, thiếu năng lượng.
Tế bào ung thư cổ tử cung di căn đến trực tràng, dạ dày khiến người bệnh bị rối loạn tiêu hóa.
Thông thường điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối rất khó khăn nhưng vẫn có một số ít bệnh nhân được chữa khỏi. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn IVA là khoảng 16%; của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn IVB là khoảng 15%. Tuy nhiên, đây là những số liệu mang tính tham khảo.
Thời gian sống của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe cụ thể của mỗi người, mức độ đáp ứng điều trị, tâm lý bệnh nhân. Tinh thần lạc quan sẽ giúp kéo dài thời gian sống còn của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối.
Ung thư giai đoạn IV – di căn, có thể được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, thuốc trị ung thư nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch.
Những bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn IV có thể chia thành 2 nhóm: tế bào ung thư khu trú tại cổ tử cung và các cơ quan trong khung chậu như trực tràng và bàng quang (giai đoạn 4A); tế bào ung thư di căn xa tại phổi, gan, xương (giai đoạn 4B).
Ở giai đoạn IVA, những phương pháp điều trị có thể thực hiện với bệnh nhân ung thư cổ tử cung, gồm: hóa xạ trị cùng lúc; phẫu thuật để loại bỏ các hạch bạch huyết vùng chậu, sau đó xạ trị có hoặc không có hóa trị; xạ trị bên trong; hóa trị để thu nhỏ khối u để phẫu thuật; hóa xạ trị cùng lúc để sau đó hóa trị.
Xạ trị là điều trị bằng tia X năng lượng cao có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể được thực hiện bằng một máy nhắm tia X vào cơ thể (gọi là xạ trị ngoài) hoặc đặt các viên nang nhỏ mang chất phóng xạ vào trực tiếp ở vị trí gần cổ tử cung (xạ trị trong). Hầu hết các bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn IVA sẽ được điều trị bằng 2 loại xạ trị này. Xạ trị bằng chùm tia bên ngoài được kéo dài trong khoảng 4 đến 6 tuần.
Xạ trị bên trong có thể kết hợp ngay với quá trình xạ trị bên ngoài hoặc ngay sau khi kết thúc xạ trị bên ngoài. Việc đặt một lượng bức xạ trong cổ tử cung là để đưa liều lượng bức xạ cao đến sát khối u đồng thời giảm lượng bức xạ đến các mô và cơ quan bình thường xung quanh. Việc này được thực hiện bằng một thủ thuật bên trong phòng phẫu thuật. Một thiết bị nhỏ được đặt vào cổ tử cung qua đường âm đạo, sau đó thiết bị được nạp chất phóng xạ vào, để nguyên trong khi bệnh nhân nằm viện từ 1 đến 3 ngày. Xạ trị bên trong thông thường được thực hiện từ 1 đến 2 lần trong suốt quá trình điều trị ung thư.
Hóa trị ở giai đoạn này thường kết hợp với xạ trị để làm cho khối u trở nên nhạy cảm hơn với tia xạ. Tương tự các giai đoạn trước, hóa trị thường dùng là cisplatin (1) hoặc cisplatin kết hợp với fluorouracil. Tuy nhiên, đối với ung thư giai đoạn IV, các phương pháp như phẫu thuật, hóa xạ trị sẽ chỉ có thể giảm sự phát triển của bệnh, không thể cho hiệu quả điều trị theo mong muốn vì tế bào ung thư đã di căn đến nhiều bộ phận.
Ở giai đoạn IVB, tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan xa, phổ biến nhất là di căn vào xương, phổi, gan. Do đó những phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn IVB nhằm mục đích giảm nhẹ triệu chứng và giảm đau.
Ở giai đoạn IVB, các phương pháp điều trị có thể gồm:
Xạ trị như một liệu pháp giảm nhẹ để làm giảm các triệu chứng do ung thư gây ra cũng như cải thiện chất lượng sống.
Ở giai đoạn IVB, hóa trị là phương pháp điều trị đầu tiên được lựa chọn. Tuy nhiên, chỉ có 15 đến 25% bệnh nhân có đáp ứng với hóa trị.
Không có một phương pháp hóa trị đơn lẻ nào đủ tốt để cải thiện thời gian sống sót của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn di căn. Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã thử kết hợp thuốc Platinol với các loại thuốc khác để hy vọng khối u nhỏ lại. Các phác đồ kết hợp thuốc này có nhiều tác dụng phụ hơn và chỉ có tác dụng trong vài tháng trước khi các tế bào ung thư bắt đầu phát triển trở lại.
Điều trị nhắm trúng đích là loại điều trị sử dụng thuốc hoặc các chất khác để xác định và tấn công các tế bào ung thư cụ thể. Ưu điểm của điều trị trúng đích là ít gây hại cho tế bào bình thường so với liệu pháp hóa trị hay xạ trị.
Hiện nay, liệu pháp điều trị trúng đích là thuốc nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch chính xác và kháng thể đơn dòng – loại protein của hệ thống miễn dịch con người nhưng được tạo ra trong phòng thí nghiệm.
Có thể dùng để trị nhiều bệnh, trong đó có ung thư cổ tử cung. Các kháng thể đơn dòng này có thể gắn vào một mục tiêu cụ thể trên tế bào ung thư hoặc tế bào khác đang giúp đỡ tế bào ung thư phát triển. Sau đó, kháng thể đơn dòng sẽ tiêu diệt những tế bào ung thư này hoặc ngăn chặn chúng lây lan hay phát triển thêm. Kháng thể đơn dòng được dùng bằng cách tiêm truyền vào cơ thể. Kháng thể đơn dòng có thể sử dụng riêng lẻ hoặc kèm theo thuốc hay chất phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư.
Trong một nghiên cứu gần đây, thêm Avastin (bevacizumab) vào điều trị hoá chất đã tăng 3,7 tháng tỉ lệ sống thêm trung bình ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung tái phát hoặc di căn. Bộ phận cơ thể bị di căn ở bên ngoài vùng xạ dường như đáp ứng với hoá chất tốt hơn so với những tổ chức ung thư đã bị chiếu xạ trước đó hoặc di căn trong khung chậu. Bevacizumab là một kháng thể đơn dòng liên kết với một protein được gọi là yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) và có thể ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới mà khối u cần phát triển. Bevacizumab được sử dụng để điều trị ung thư cổ tử cung đã di căn (lan sang các bộ phận khác của cơ thể) và ung thư cổ tử cung tái phát.
Kết hợp với liệu pháp miễn dịch chính xác sử dụng kết quả xét nghiệm chẩn đoán phân tử gồm trình tự ADN để xác định các bất thường dẫn đến ung thư trong bộ gen của bệnh nhân ung thư. Sau khi xác định được những bất thường về di truyền, một liệu pháp nhắm trúng đích được thiết kế để tấn công vào vị trí đột biến trong bộ gen của tế bào ung thư. Bệnh nhân có thể chủ động hỏi bác sĩ để tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng có sử dụng thuốc trúng đích này. Tisotumab vedotin là chất liên hợp kháng thể đơn dòng kết hợp thuốc (ADC) có tác dụng tiêu diệt tế bào đích (tế bào ung thư).
Liệu pháp miễn dịch là sử dụng hệ thống miễn dịch của bệnh nhân để chống lại ung thư. Hệ thống miễn dịch cũng được xem là một trong những yếu tố quan trọng chống lại ung thư. Bệnh ung thư được cho là có liên quan đến sự suy yếu của hệ miễn dịch. Vai trò của các tế bào miễn dịch rất quan trọng vì có thể nhận biết các tế bào ung thư để loại bỏ hoặc giữ chúng trong tầm kiểm soát. Các chất do hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra hoặc được tạo ra trong phòng thí nghiệm được sử dụng để thúc đẩy, khôi phục khả năng phòng thủ tự nhiên của cơ thể để chống lại bệnh ung thư.
Hiện nay, việc sử dụng liệu pháp miễn dịch “ức chế điểm kiểm soát” PD-1 và PD-L1 đang mang lại những hứa hẹn trong điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt Keytruda để điều trị cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung tái phát hoặc di căn. Ngoài ra, chất ức chế điểm kiểm soát Opdivo (nivolumab) cũng cho thấy có tác dụng tương tự.
Liệu pháp tế bào nuôi (ACT) với tế bào lympho thâm nhập vào khối u hoặc tế bào T được biến đổi gen biểu hiện thụ thể tế bào T mới hoặc thụ thể kháng nguyên chimeric là một chiến lược khác để sửa đổi hệ thống miễn dịch để nhận ra tế bào ung thư. Liệu pháp ACT sử dụng loại tế bào miễn dịch (tế bào T) của chính bệnh nhân để xác định và tấn công tế bào ung thư khi truyền trở lại cơ thể bệnh nhân. Liệu pháp này vẫn đang được thử nghiệm lâm sàng.
Thử nghiệm SKYSCRAPER-04 giai đoạn II đang đánh giá tính an toàn và hiệu quả của việc kết hợp tiragolumab – một chất ức chế TIGIT và Tecentriq (atezolizumab) như một liệu pháp điều trị bậc hai ở những bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung có PD-L1 dương tính với di căn và / hoặc tái phát. Tiragolumab là một kháng thể đơn dòng trị ung thư nhắm vào TIGIT – một trạm kiểm soát miễn dịch ức chế giống như PD-L1 được biểu hiện trên các tế bào miễn dịch thâm nhập vào khối u như tế bào T và tế bào NK. (2)
Ung thư cổ tử cung nên ngưng điều trị khi bác sĩ có thông báo về tình trạng của bệnh nhân không còn khả năng chữa trị. Lúc này, khối u có thể đã phát triển lớn, di căn xa đến nhiều bộ phận khác của cơ thể. Tổng trạng sức khỏe của bệnh nhân bị suy kiệt, không thể thực hiện các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị hay phẫu thuật. Việc ngưng điều trị cũng có thể được bác sĩ chỉ định khi bệnh nhân được áp dụng nhiều phương pháp nhưng không đáp ứng với điều trị. Sau khi ngưng điều trị, bệnh nhân được chuyển sang giai đoạn chăm sóc giảm nhẹ.
Ở giai đoạn cuối của ung thư cổ tử cung, bệnh nhân được chăm sóc giảm nhẹ, nhằm có được cuộc sống thoải mái nhất có thể. Chăm sóc giảm nhẹ có thể được thực hiện ở bất cứ giai đoạn tiến triển nào của bệnh ung thư cổ tử cung. Bệnh nhân và người thân có thể phương án chăm sóc giảm nhẹ tại bệnh viện hoặc tại nhà. Nhiều bệnh nhân và người thân chọn cách chăm sóc tại nhà sau khi ngưng điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối.
Ở giai đoạn 4 của ung thư cổ tử cung bệnh nhân thường đau nhiều ở vùng chậu do khối u phát triển, chèn ép lên các cơ quan. Tế bào ung thư di căn cũng gây đau đớn ở phổi, ngực. Để giảm đau, có thể dùng thuốc để giúp bệnh nhân dễ chịu hơn. Ngoài ra có thể tiêm thuốc vào dây thần kinh, tủy sống hoặc mô quanh dây thần kinh để cản trở việc dẫn truyền tín hiệu đau, giảm bớt sự đau đớn.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối thường di căn đến phổi. 70% trường hợp bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối bị khó thở, suy hô hấp, đau ngực do khối u di căn, đây cũng là một điểm để nhận biết ung thư cổ tử cung giai đoạn 4. Một số cách để giảm khó thở như: thay đổi tư thế nằm, ngồi; sử dụng giường, nệm, gối có thể nâng cao đầu dễ dàng; dùng thiết bị hỗ trợ thở hoặc bình oxy tại nhà.
Cần giữ vệ sinh đường niệu tốt để tránh nhiễm trùng.
Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để giúp bệnh nhân vượt qua sự mệt mỏi do bệnh ung thư gây ra.
Khi xuất hiện các dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối thì điều này có nghĩa quỹ thời gian sống còn lại của người bệnh rất ít. Do đó, người nhà cần cân nhắc giữa việc tiếp tục các biện pháp y tế gây đau đớn với việc chăm sóc tại nhà, để giúp người bệnh có những thời gian sống thoải mái và gần gũi bên cạnh người thân yêu.
Tiêm vắc xin ngừa virus HPV là phương pháp hiệu quả, an toàn và tiết kiệm phòng ung thư cổ tử cung và một số bệnh lây...
Xem ThêmUng thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, mụn cóc sinh dục, các tổn thương tiền ung thư...
Xem ThêmĐến tháng có tiêm HPV được không? Là thắc mắc của rất nhiều phụ nữ khi có ý định tiêm vắc xin phòng virus HPV - nguyên...
Xem ThêmUng thư cổ tử cung di căn được xem là giai đoạn muộn của bệnh. Việc điều trị lúc này vô cùng khó khăn, tốn kém và...
Xem ThêmTiêm vắc xin HPV có ảnh hưởng đến kinh nguyệt không? Tiêm HPV có bị chậm kinh không? Là các vấn đề được nhiều phụ nữ quan...
Xem ThêmViệc tiêm chủng rất cần thực hiện theo nguyên tắc đúng lịch, đủ mũi để phát huy tốt nhất hiệu quả bảo vệ của vắc xin. Vậy...
Xem Thêm