HỎI ĐÁP

Những lưu ý khi bị sùi mào gà, mụn cóc sinh dục?
Những lưu ý khi bị sùi mào gà, mụn cóc sinh dục?

Xin bác sĩ cho biết những cần lưu ý khi bị sùi mào gà, mụn cóc sinh dục? (Độc giả ẩn danh)

TRẢ LỜI

Để trả lời cho câu hỏi này, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC đã giải đáp như sau:

Chào bạn,

Khi phát hiện sùi mào gà, mụn cóc sinh dục, người bệnh không nên quá hoang mang, vì sùi mào gà, mụn cóc sinh dục không phải là căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng và có thể điều trị được. Người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Tùy vào tình trạng và mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp như: bôi thuốc ngoài da và phẫu thuật (gồm đốt lạnh, đốt điện, đốt bằng laser và cắt). Người bệnh cần hiểu được rằng, các phương pháp điều trị có tác dụng loại bỏ thương tổn, nhưng không tiêu diệt virus trong cơ thể. Do đó, để hạn chế khả năng tái phát, bạn cần có những phương pháp phòng tránh hiệu quả.

Sau khi điều trị sùi mào gà, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau để phòng lây nhiễm virus HPV cho người khác:

  • Vệ sinh phần da, niêm mạc mới đốt. Lưu ý giữ khô để tránh vi rút có thể sinh sôi, phát triển trở lại;
  • Không dùng chung đồ dùng sinh hoạt với người khác, và không đưa đồ dùng cá nhân của bản thân cho người khác sử dụng. Không sử dụng chung bồn tắm, sau khi đi vệ sinh cần lau sạch bồn vệ sinh;
  • Hạn chế đồ uống có cồn, bia, rượu và các chất kích thích;
  • Chế độ nghỉ ngơi hợp lý, thể dục thể thao thường xuyên, giữ tinh thần thoải mái, lạc quan;
  • Điều trị sùi mào gà là một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên trì. Do đó, trong quá trình điều trị người bệnh không nên bỏ dở liệu trình điều trị, vì việc này sẽ ảnh hưởng đến kết quả và tiến độ điều trị;
  • Đừng quên tái khám theo chỉ định của bác sĩ điều trị;
  • Trong quá trình điều trị không nên quan hệ tình dục để tránh gây tổn thương cho vùng da mới đốt và lây bệnh cho bạn tình.

Vì bệnh sùi mào gà/ mụn cóc sinh dục là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Do đó, cần kiêng quan hệ tình dục 2 tuần sau điều trị khỏi các triệu chứng lâm sàng của bệnh. Ngoài ra, trong vòng 6 tháng đầu sau khi điều trị khỏi bệnh cũng nên sử dụng bao cao su để đảm bảo tính an toàn trong quan hệ tình dục.

Cách phòng tránh sùi mào gà cho bạn tình
Cách phòng tránh sùi mào gà cho bạn tình

Thưa bác sĩ, làm thế nào để phòng tránh sùi mào gà/mụn cóc hậu môn sinh dục cho bạn tình/vợ/chồng? (Độc giả ẩn danh)

TRẢ LỜI

Để trả lời cho câu hỏi này, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC đã giải đáp như sau:

Chào bạn,

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và bạn tình, cả hai nên thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:

  • Chia sẻ thẳng thắn với bạn tình về tình trạng của bản thân trong trường hợp đã nhiễm bệnh;
  • Cùng bạn tình thực hiện xét nghiệm để xác định tình trạng nhiễm HPV;
  • Trang bị cho bản thân và bạn tình những kiến thức y khoa chính xác về con đường lây truyền của bệnh, từ đó chủ động dự phòng. Ngoài con đường lây truyền qua quan hệ tình dục ra, tiếp xúc giữa tay và miệng với bộ phận sinh dục, hoặc qua các vật dụng cá nhân có dịch tiết sinh dục,…
  • Nếu 1 trong 2 người hoặc cả hai đang mắc bệnh thì cần kiêng không quan hệ tình dục. Trong 6 tháng đầu sau khi điều trị khỏi bệnh cũng nên sử dụng bao cao su để phòng nhiễm bệnh;
  • Không sử dụng những vật dụng cá nhân như khăn tắm, đồ lót, bàn chải đánh răng;
  • Nâng cao sức đề kháng của bản thân và phòng tránh bệnh tật;
  • Khám và tầm soát các bệnh tình dục thường xuyên bao gồm cả sùi mào gà và mụn cóc;
  • Tiêm vắc xin phòng HPV là biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất.

Hiện có hơn 100 tuýp virus HPV, trong đó có 2 tuýp virus có nguy cơ cao gây bệnh sùi mào gà/mụn cóc hậu môn sinh dục là 6 và 11. Điều may mắn là cả 2 chủng virus này đã có trong vắc xin Gardasil phòng HPV, được khuyến cáo tiêm phòng cho nữ giới trong độ tuổi từ 9-26 tuổi, bất kể đã quan hệ tình dục hay chưa. Hiệu quả vắc xin có thể kéo dài lên đến 30 năm.

Lịch tiêm vắc xin Gardasil phòng virus HPV gồm 3 mũi:

  • Mũi 1: là ngày tiêm mũi đầu tiên.
  • Mũi 2: 2 tháng sau mũi đầu tiên.
  • Mũi 3: 6 tháng sau liều đầu tiên.

Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về việc tiêm vắc xin phòng HPV cho phụ nữ có thai, do đó, phụ nữ cần tránh mang thai trong thời gian tiêm vắc xin phòng HPV. Nếu phát hiện bản thân mang thai khi chưa hoàn thành 3 mũi vắc xin Gardasil, cần hoãn lịch tiêm cho đến khi kết thúc thai kỳ.

Để được tư vấn, đặt lịch tiêm và giải đáp những thắc mắc về vắc xin và tiêm chủng, Quý khách hàng có thể liên hệ số hotline: 028 7102 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc.

Nữ giới mắc bệnh sùi mào gà thì có nên tiêm vắc xin ngừa HPV không?
Nữ giới mắc bệnh sùi mào gà thì có nên tiêm vắc xin ngừa HPV không?

Thưa bác sĩ, em được biết vắc xin HPV được chỉ định tiêm với người chưa phơi nhiễm, tuy nhiên em đã từng mắc bệnh sùi mào gà thì có nên tiêm vắc xin HPV nữa không?

TRẢ LỜI

Để trả lời câu hỏi này, Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC đã giải đáp như sau:

Chào bạn,

Sùi mào gà (mụn cóc sinh dục) là một bệnh gặp chủ yếu ở bộ phận sinh dục nam và nữ, ngoài ra còn gặp ở một số bộ phận khác của cơ thể, do virus Human Papillomavirus (HPV) gây ra. Trước đây, bệnh sùi mào gà được xem là căn bệnh lành tính, tuy nhiên hiện nay trong y khoa đã xuất hiện nhiều trường hợp tế bào di căn và phát triển thành ác tính (ung thư cổ tử cung và ung thư dương vật).

Cho đến nay, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để chị em chủ động phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm: ung thư cổ tử cung, sùi mào gà,… Vắc xin phòng HPV an toàn và có thể đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ trẻ em, phụ nữ và nam giới tránh khỏi những căn bệnh liên quan đến virus HPV.

Phụ nữ đã có quan hệ tình dục hoặc đã lập gia đình vẫn nên tiêm vắc xin phòng HPV để phòng tái nhiễm hoặc phòng các chủng HPV chưa bị nhiễm. Song song với việc tiêm vắc xin, phụ nữ nên định kỳ khám phụ khoa và làm xét nghiệm PAP để tầm soát phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.

Trong trường hợp bạn đã từng mắc sùi mào gà và đang điều trị theo chỉ định của bác sĩ thì bạn vẫn có thể tiêm phòng vắc xin để ngăn ngừa khả năng bệnh biến chứng thành ung thư. Đồng thời, virus HPV rất dễ tái nhiễm – tức là sau khi cơ thể đào thải ra virus vẫn có thể nhiễm lại chúng. Hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể không đủ để ngăn chặn nguy cơ tái nhiễm, nhưng vắc xin lại có thể làm được điều này.

Bên cạnh đó, HPV có nhiều type khác nhau như 6, 11, 16, 18,… việc bạn đã từng bị nhiễm một tuýp HPV nào đó trước đây thì vẫn nên tiêm phòng vắc xin để được tránh nguy cơ lây nhiễm những tuýp HPV nguy hiểm khác.
Trên thế giới, có khoảng 55 quốc gia tiêm vắc xin HPV cho phụ nữ từ 9 – 45 tuổi. Tại Việt Nam, vắc xin Gardasil (Mỹ) phòng HPV số 6, 11, 16, 18 được chỉ định tiêm cho nữ giới trong độ tuổi 9 -26, bất luận đã nhiễm HPV hay chưa.

Phác đồ tiêm chủng vắc xin Gardasil (Mỹ) gồm 3 mũi như sau:

  • Mũi 1: lần đầu tiên tiêm.
  • Mũi 2: 2 tháng sau mũi 1.
  • Mũi 3: 6 tháng sau mũi 1.

Để được tư vấn về vắc xin hoặc đặt lịch tiêm phòng vắc xin HPV, Quý khách có thể gọi đến tổng đài miễn phí 028 7102 6595 hoặc inbox cho fanpage: VNVC – Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn.

Đã tiêm vắc xin phòng HPV thì có cần xét nghiệm PAP nữa không?
Đã tiêm vắc xin phòng HPV thì có cần xét nghiệm PAP nữa không?

Thưa bác sĩ, nếu tôi đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng HPV thì có cần thiết phải làm xét nghiệm PAP nữa không? Chỉ làm xét nghiệm PAP đơn thuần đã đủ để phòng ung thư cổ tử cung chưa ạ?

TRẢ LỜI

Câu hỏi được giải đáp bởi ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, bác sĩ cao cấp khoa Phụ sản, BVĐK Tâm Anh, Hà Nội.

Chào bạn,

Xét nghiệm PAP đơn thuần không đủ để dự phòng ung thư cổ tử cung một cách hiệu quả. Theo Tổ chức Y tế thế giới, chiến lược dự phòng ung thư cổ tử cung bao gồm: giáo dục truyền thông, giảm hành vi nguy cơ nhiễm HPV; đào tạo cán bộ y tế và cung cấp thông tin cho phụ nữ về chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung; chẩn đoán và điều trị những tổn thương tiền ung thư và ung thư. Chiến lược này cũng bao gồm tăng tiếp cận với các dịch vụ điều trị và tầm soát có chất lượng. Tiêm vắc xin phòng HPV là một biện pháp dự phòng tiên phát và không loại trừ việc tầm soát vì vắc xin không bảo vệ chống lại tất cả các chủng HPV nguy cơ cao.

Tuy nhiên, vắc xin không ngăn ngừa được tất cả các chủng virus HPV nguy cơ cao gây ung thư mà chỉ chống lại những chủng gây ung thư phổ biến nhất có trong vắc xin và khả năng bảo vệ chéo thấp với các chủng HPV không có trong vắc xin. Vì vậy, dù bạn đã được tiêm phòng vắc xin HPV bạn vẫn nên làm xét nghiệm PAP với tần suất như những người chưa tiêm phòng.

Ngoài xét nghiệm PAP, người ta còn sử dụng nhiều phương pháp tầm soát khác. Một số phương pháp tầm soát được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam như sau:

  • Quan sát bằng mắt thường với dung dịch axit acetic (VIA) có thể thay thế hoặc sử dụng cùng với xét nghiệm PAP hoặc xét nghiệm HPV. VIA là kỹ thuật bôi cổ tử cung bằng acid acetic 3-5% trong một phút và sau đó quan sát màu sắc ở cổ tử cung bằng mắt thường, qua đó có thể phát hiện những vùng bất thường.
  • Quan sát bằng mắt thường với dung dịch lugol (VILI) có thể thay thế hoặc sử dụng cùng với xét nghiệm PAP hoặc VIA hoặc xét nghiệm HPV. VILI là kỹ thuật tẩm ướt cổ tử cung bằng dung dịch lugol trong một phút và sau đó quan sát màu sắc ở cổ tử cung bằng mắt thường, qua đó có thể phát hiện những vùng bất thường.
  • Xét nghiệm PAP nhúng dịch: đây là kỹ thuật xét nghiệm được phát triển từ kỹ thuật xét nghiệm PAP truyền thống nhằm loại bỏ các nhược điểm của phương pháp truyền thống. Với phương pháp này, mẫu tế bào cổ tử cung được thu thập và xử lý đặc biệt sau đó trải đều lên lam kính để đọc dưới kính hiển vi. Phương pháp này giúp tăng độ chính xác và tăng khả năng phát hiện tế bào bất thường.
  • Xét nghiệm HPV: là kỹ thuật nhằm phát hiện tế bào cổ tử cung bị nhiễm HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung. Kỹ thuật này lấy mẫu giống như làm PAP, sau đó việc xử lý và cho kết quả hoàn toàn tự động. Trong trường hợp kết quả cho thấy bị nhiễm HPV, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm phương pháp khác để đánh giá như soi cổ tử cung và sinh thiết nếu cần.

Khi làm xét nghiệm PAP, nên kiêng quan hệ tình dục trong vòng 48h, tránh gây ảnh hưởng tới chất lượng mẫu xét nghiệm hoặc gây ra các tổn thương ở cổ tử cung, có thể đến dẫn đến một kết quả bất thường hoặc không chính xác.

Chảy máu sau quan hệ tình dục có phải mắc ung thư cổ tử cung không?
Chảy máu sau quan hệ tình dục có phải mắc ung thư cổ tử cung không?

Thưa bác sĩ, chảy máu sau khi quan hệ tình dục liệu có phải là dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung không? (Độc giả Hoàng Mai).

TRẢ LỜI

Để trả lời cho câu hỏi này, bác sĩ Nguyễn Vương Thảo Nghi, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP.HCM đã có một số chia sẻ như sau:

Chào bạn,

Tình trạng xuất huyết âm đạo (chảy máu) sau quan hệ tình dục là vấn đề khiến rất nhiều chị em phụ nữ băn khoăn, lo lắng liệu có phải mình đang mắc ung thư cổ tử cung hay không? Theo thống kê, ước tính khoảng 0,7–9% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể chảy máu sau chuyện “chăn gối”, lượng máu này chủ yếu từ cổ tử cung.

Ngoài ung thư cổ tử cung, một số tình trạng bệnh lý sau có thể xuất hiện dấu hiệu chảy máu sau quan hệ tình dục như:

  • Tổn thương bộ phận sinh dục trong lúc quan hệ tình dục hoặc quan hệ sau kỳ sinh nở có khâu tầng sinh môn.
  • Mắc các bệnh phụ khoa như viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm nhiễm âm đạo, nấm, lậu…
  • Rối loạn nội tiết tố.
  • Khối u lành tính ở tử cung, cổ tử cung, âm đạo, âm hộ: u xơ tử cung, polyp cổ tử cung, sùi mào gà/mụn cóc sinh dục…
  • Ung thư âm đạo, âm hộ.

Theo bác sĩ Thảo Nghi, các triệu chứng ban đầu của khối u ác tính vùng cổ tử cung không rõ ràng, tiến triển thầm lặng, người bệnh khó nhận biết. Khi các triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn đồng nghĩa với việc tế bào ung thư đã di căn lan rộng thành ác tính. Các can thiệp điều trị lúc này vẫn có thể phát huy được hiệu quả, nhưng khá phức tạp và tốn nhiều chi phí. Trong trường hợp xấu nhất, phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ cắt bỏ toàn bộ tử cung, buồng trứng, các hạch bạch huyết lân cận, ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ.

Một số triệu chứng giúp nhận biết bệnh mà chị em nên chú ý tới gồm:

  • Đau rát vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục;
  • Chảy máu âm đạo bất thường, nhất là sau khi quan hệ tình dục, giữa các kỳ kinh nguyệt, sau mãn kinh hoặc sau khi khám phụ khoa;
  • Dịch tiết âm đạo bất thường, có thể tiết nhiều hơn, có màu xám đục và có mùi hôi.

Khi có triệu chứng chảy máu thường xuyên sau khi quan hệ tình dục, đó có thể là dấu hiệu sớm của ung thư cổ tử cung. Chị em nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời.

Mang thai khi đang mắc ung thư cổ tử cung thì có ảnh hưởng tới em bé không?
Mang thai khi đang mắc ung thư cổ tử cung thì có ảnh hưởng tới em bé không?

Thưa bác sĩ, người mắc ung thư cổ tử cung có cơ hội mang thai và sinh con như người bình thường được không? UTCTC khi mang thai có ảnh hưởng tới em bé hay không ạ? (Trâm Hạ, TP.HCM)

TRẢ LỜI

Câu hỏi được giải đáp bởi ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, bác sĩ cao cấp khoa Phụ sản, BVĐK Tâm Anh, Hà Nội.

Chào bạn,

Bệnh lý ung thư cổ tử cung không gây bất cứ ảnh hưởng trực tiếp nào đến thai nhi, tuy nhiên quá trình điều trị lại gây ảnh hưởng. Tùy theo tuổi thai và giai đoạn ung thư mà sẽ có những cách xử trí khác nhau. Nếu phát hiện ở giai đoạn thật sớm, có thể trì hoãn đến khi thai trưởng thành lúc đó mới can thiệp để bảo toàn mạng sống cả mẹ lẫn con.

Ở giai đoạn cuối thai kỳ, thông thường người ta sẽ đánh giá can thiệp mổ lấy thai khi thai đủ trưởng thành và điều trị cho mẹ. Ngược lại, nếu ung thư giai đoạn muộn, phát hiện ở giai đoạn đầu thai kỳ thường phải chấm dứt thai kỳ và điều trị ung thư cổ tử cung ngay. Do đó, điều quan trọng là trong thai kỳ phải khám thai định kỳ, kịp thời phát hiện các tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm để điều trị hiệu quả.

Hiện nay, với các phương pháp điều trị hiện đại, những phụ nữ trẻ mắc bệnh ở giai đoạn sớm có thể được điều trị bảo toàn khả năng sinh sản, và họ hoàn toàn có khả năng sinh con sau này. Tuy nhiên, người mắc bệnh sẽ không thể có thai nếu đã điều trị cắt tử cung hoặc điều trị xạ trị làm ảnh hưởng đến buồng trứng.

Có nhiều biện pháp để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, phổ biến nhất là:

  • Sử dụng bao cao su khi có quan hệ tình dục.
  • Chung thủy 1 vợ, 1 chồng.
  • Ngừng hút thuốc hoặc lạm dụng một số loại thuốc.
  • Tránh tiếp xúc da kề da với người được biết đã bị nhiễm virus.

Phụ nữ nên thực hiện xét nghiệm Pap (Pap smear) hoặc thử nghiệm HPV DNA định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư cổ tử cung. Việc tiêm vắc xin thậm chí được khuyến cáo cho những người quan hệ tình dục với nhiều đối tượng khác nhau để ngăn chặn các giai đoạn tiền ung thư phát triển. Trong quá trình điều trị, bạn có thể yêu cầu bác sĩ thực hiện chăm sóc giảm nhẹ, được biết là phương pháp mang lại sự giảm đau và hạn chế các triệu chứng nghiêm trọng khác của bệnh có thể xảy ra.

Thực hiện lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá và nên hạn chế quan hệ tình dục trước 21 tuổi. Điều này có thể giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc chứng loạn sản cổ tử cung. Tiêm phòng được đánh giá là an toàn và đem lại hiệu quả cao trong phòng ngừa nhiễm HPV, bảo vệ cơ thể khỏi những loại virus HPV gây ung thư, tiền ung thư và mụn cóc sinh dục phổ biến nhất. Vắc xin có hiệu quả cao nhất khi tiêm trong khoảng độ tuổi từ 9-26 tuổi, tốt nhất là từ 11-14 tuổi.

Hiện nay, tại Việt Nam có vắc xin Gardasil (Mỹ) có chứa 4 type huyết thanh virus HPV là 6, 11, 16 và 18, giúp bảo vệ phụ nữ và nam giới trước nguy cơ nhiễm HPV. Vắc xin được khuyến cáo tiêm 3 mũi như sau:

  • Mũi 1: mũi tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: 2 tháng sau mũi 1.
  • Mũi 3: 6 tháng sau mũi 1.

Để đặt lịch tiêm phòng HPV, Quý khách có thể điền thông tin tại đây hoặc gọi đến tổng đài: 028 7102 6595, liên hệ qua fanpage Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn – VNVC.

Sùi mào gà sinh dục có điều trị dứt điểm được không?
Sùi mào gà sinh dục có điều trị dứt điểm được không?

Thưa bác sĩ, gần đây bộ phận sinh dục của em xuất hiện các nốt mụn sẫm màu và hơi gồ ghề, lúc sờ vào có cảm giác tựa như súp lơ trắng. Em tìm hiểu thì được biết đây là triệu chứng của bệnh mụn cóc sinh dục? Làm thế nào để điều trị mụn cóc sinh dục hiệu quả? (Độc giả Hoàng Phan Hoàng).

TRẢ LỜI

Để trả lời cho câu hỏi này, ThS. BS. Đinh Thị Hiền Lê, Bác sĩ cao cấp khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội đã có một số chia sẻ như sau:

Chào bạn,

Mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) là sự phát triển của các mô mềm ở vùng sinh dục hoặc hậu môn. Đây là căn bệnh lây qua đường tình dục do virus Human Papilloma (HPV) gây ra, ảnh hưởng đến cả nam và nữ giới, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

Trước khi tiến hành điều trị mụn cóc sinh dục, các bác sĩ sẽ hỏi thăm kỹ càng tình trạng sức khỏe hiện tại, khám kỹ càng những nơi mà mụn cóc phát triển trên cơ thể, có thể khám cả vùng chậu vì một số mụn cóc có thể mọc sâu bên trong cơ thể người bệnh. Đồng thời, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm Pap để kiểm tra sự hiện diện của HPV và phát hiện những biểu hiện tiền ung thư.

Việc điều trị có thể khiến các triệu chứng của bệnh biến mất nhưng không loại bỏ được virus hoàn toàn. Bởi virus HPV có khả năng tái nhiễm – có nghĩa bạn vẫn có thể tái phát bệnh sau khi quá trình chữa trị kết thúc.
Tùy vào tính chất và mức độ của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp. Có một số phương pháp điều trị phổ biến như sau:

  • Dùng thuốc bôi ngoài da.
  • Phẫu thuật: đốt lạnh, đốt điện, đốt bằng laser và cắt.
  • Ngoài ra, người bệnh cần giữ gìn vệ sinh nơi có tổn thương, tăng cường sức đề kháng, và cần điều trị cho cả bạn tình.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho virus HPV, do đó rất khó điều trị triệt để sùi mào gà/mụn cóc hậu môn sinh dục do virus HPV. Ngoài ra, virus HPV có thể tồn tại trong cơ thể dưới dạng thể ẩn nên các triệu chứng sẽ xuất hiện trong vòng 3-6 tháng tiếp theo, và có thể tái nhiễm kể cả sau khi đã được điều trị.

Người bệnh không tự ý sử dụng thuốc điều trị mụn cóc thông thường để điều trị sùi mào gà. Việc điều trị sai phương pháp có thể dẫn đến những tổn thương nặng nề và khiến bệnh nguy trọng hơn.

Sùi mào gà/mụn cóc hậu môn sinh dục có thể tự biến mất không?
Sùi mào gà/mụn cóc hậu môn sinh dục có thể tự biến mất không?

Thưa bác sĩ tôi có nên xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục khác và HIV khi mắc sùi mào gà/mụn cóc hậu môn sinh dục không? Sùi mào gà có thể tự biến mất không? (Độc giả ẩn danh)

TRẢ LỜI

Câu hỏi được giải đáp bởi bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC.

Chào bạn,

Sùi mào gà lây truyền qua đường tình dục, điều đó có nghĩa là bạn cũng có nguy cơ cao nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, kể cả HIV. Do đó, bạn nên làm thêm các xét nghiệm cho các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, kể cả HIV.

Sùi mào gà/mụn cóc hậu môn sinh dục là những u nhú màu hồng tươi hoặc màu nâu, mềm, có cuống mọc liên tiếp gần nhau thành khối u sùi giống như mào gà hoặc mụn mọc thành đám sần sùi như da cóc. Các triệu chứng của bệnh sùi mào gà thường xuất hiện sau khi nhiễm HPV từ 2 tuần đến 8 tháng, trung bình từ 2-3 tháng:

  • Xuất hiện nốt sùi nhỏ ở bộ phận sinh dục, nốt đổi màu hoặc màu xám.
  • Nhiều mụn nhỏ nằm sát nhau.
  • Bộ phận sinh dục bị ngứa và gây khó chịu.
  • Chảy máu khi quan hệ tình dục.

Các triệu chứng của bệnh mụn sùi mào gà/mụn cóc hậu môn sinh dục chỉ tự biến mất ở 20-30% các trường hợp mắc. Tuy nhiên, do virus HPV vẫn còn tồn tại trong cơ thể nên việc tái phát các triệu chứng có thể diễn ra trong vòng 3-6 tháng tiếp theo kể cả sau khi đã được điều trị.

Sùi mào gà có thể lây nhiễm theo các hình thức như:

  • Lây qua đường tình dục: Quan hệ tình dục, quan hệ tình dục qua đường miệng, quan hệ qua hậu môn không an toàn là nguyên nhân chính gây ra bệnh sùi mào gà. Dùng miệng để kích thích cơ quan sinh dục của người bệnh hoặc ngược lại cũng có nguy cơ lây nhiễm như nhau.
  • Mẹ lây sang cho con: Khi thai nhi đi qua cổ tử cung và âm đạo của mẹ, thai nhi sẽ tiếp xúc với virus qua các tổn thương sùi, khiến trẻ sơ sinh cũng có thể bị sùi mào gà.
  • Lây qua vết thương hở: Virus HPV có thể xuất hiện tại những nơi có vết thương hở.
  • Lây qua đường ăn uống: Mặc dù hiếm gặp nhưng vẫn có khả năng xảy ra. Vì vậy việc phòng bệnh khi sinh hoạt chung là điều cần thiết, đặc biệt là ở những nơi đông người, nơi mà có những người lạ, người mới gặp lần đầu.

Bệnh sùi mào gà/mụn cóc hậu môn sinh dục tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống do gây triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh.

Nốt sùi mào gà/mụn cóc hậu môn sinh dục thường xuất hiện ở vùng kín nên người bệnh rất e ngại, âm thầm chịu đựng và không muốn đến các cơ sở y tế để điều trị dẫn đến bệnh tái phát nhiều lần. Sùi mào gà/mụn cóc hậu môn sinh dục còn gây đau rát, khó chịu khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, sùi mào gà/mụn cóc hậu môn sinh dục làm tăng nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.