Mở cửa 7h30 - 17h00 / T2 - CN xuyên trưa *
Sự bùng phát của biến thể AY3 của virus Corona – một chủng đột biến mới của biến thể Delta, được đánh giá nguy hiểm gấp nhiều lần so với các biến thể khác, đã làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới trên toàn cầu. Vậy biến chủng AY3 đáng lo ngại như thế nào?
Sau gần 2 năm kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến thể mới độc lực nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn như biến thể Alpha, Delta, Lambda… Chính những biến thể này đã tạo nên làn sóng lây lan khủng khiếp ở nhiều quốc gia như Anh, Ấn Độ, Brazil, Peru, Mỹ,… Mới đây nhất, biến thể AY.3 xuất hiện, trên toàn Thế giới nó được phát hiện ở 61 quốc gia, nhiều lo ngại cho rằng biến thể phụ này còn nguy hiểm hơn cả Delta.
Biến thể AY3 là một dòng đột biến phụ mới của biến thể Delta được phát hiện tại Ấn Độ vào tháng 10/2020. Các nhà khoa học đánh giá biến thể AY.3 nguy hiểm và có khả năng trốn thoát hệ miễn dịch tốt hơn tất cả các chủng virus SARS-CoV-2 trước đây.
Dựa theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể AY3 được xếp vào hàng các biến thể đáng lo ngại (Variants of Concern-VOC) vì AY.3 “sở hữu” ít nhất một trong 3 tiêu chí so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu gồm:
Virus SARS-CoV-2 không ngừng biến đổi và sự xuất hiện của biến thể AY.3 đang biến nhiều quốc gia trở thành tâm dịch mới của thế giới, gia tăng về độ nguy hiểm, độc lực lẫn sự lây lan nhanh chóng. Điều này đặt ra nhiều thách thức lớn cho giới chức nghiên cứu, các nhà dịch tễ, cũng như gia tăng thêm gánh nặng lên hệ thống y tế toàn cầu đang quá tải.
Theo các nhà dịch tễ, hiện tại vẫn còn quá sớm để khẳng định các triệu chứng nhận biết của chủng AY.3 vì dữ liệu còn tương đối hạn chế. Nhưng về cơ bản, triệu chứng của người nhiễm biến thể AY3 cũng tương tự như với chủng SARS-CoV-2 gốc ban đầu, chủng Delta hay các chủng virus khác như: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, mất vị giác, tiêu chảy, suy giảm thính lực,…
Đáng lo ngại, các nhà khoa học cảnh báo, có rất nhiều trường hợp mang virus SARS-CoV-2 nhưng không triệu chứng (trùng lành) vẫn có khả năng lây nhiễm virus cho những người khác. Do vậy, việc thực hiện nghiêm túc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, giữ khoảng cách là vô cùng cần thiết.
Ngày 19/8/2021, Bộ Y tế Israel thông báo đã phát hiện chuỗi lây lan 10 trường hợp nhiễm chủng mới AY.3 của biến thể Delta, trong đó có 8 người nhập cảnh và 2 người lây lan trong cộng đồng. Trước tình hình cấp bách, Bộ Y tế Israel đã thông báo Quốc hội và khuyến nghị khả năng phong tỏa toàn quốc lần thứ 4 nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Trước đó, Ấn Độ, Mỹ và Anh cũng đã thông báo về sự xuất hiện và lây lan của biến chủng này.
Việc biến chủng AY.3 xuất hiện ở Israel – quốc gia từng được coi là hình mẫu trong cuộc chiến chống Covid-19, đã góp phần đẩy nước này vào cuộc chiến khốc liệt mới khi số ca lây nhiễm mới liên tục tăng cao kỷ lục kể từ thời đỉnh dịch mùa đông năm ngoái, đưa Israel trở lại điểm nóng mới nổi trong các bảng thống kê thế giới. Ông Naftali Bennett, Thủ tướng Israel đã kêu gọi người dân sớm tiêm chủng vắc xin, vì “một đợt phong tỏa khác sẽ phá huỷ tương lai của đất nước”.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC Hoa Kỳ) khuyến cáo, biến thể Delta có khả năng lây lan cao gấp đôi so với chủng virus SARS-CoV-2 nguyên bản, và cao hơn 60% so với biến thể Alpha. Đột biến AY.3 của biến thể Delta gây ra khoảng 15% số ca mắc Covid-19 ở Mỹ, và hiện đã được phát hiện ở ít nhất 61 quốc gia.
Các dữ liệu nghiên cứu và thực tiễn chỉ rõ, biến thể Delta là chủng virus nguy hiểm nhất “thống trị toàn cầu” trong hàng trăm chủng virus SARS-CoV-2 được phát hiện. Cần hiểu thêm rằng, AY.3 với các đặc điểm đáng quan tâm được xếp vào biến thể đáng lo ngại (VOC) nghĩa là nó tồn tại mối nguy hiểm hơn virus SARS-CoV-2 gốc ban đầu.
Mặc dù AY 3 là một đột biến phụ của Delta, nhưng không thể so sánh AY.3 và Delta theo quy luật bắc cầu. Hiện vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể nào đủ bằng chứng để khẳng định AY.3 nguy hiểm hơn Delta. Mặc dù vậy, các nhà khoa học có một số dữ liệu nhất định để cảnh báo về mức độ đáng sợ của nó.
Chia sẻ về khả năng lây nhiễm và nguy cơ kháng thuốc của AY.3, ông Asher Shalmon, người đứng đầu bộ phận Quan hệ Quốc tế của Bộ Y tế Israel cho biết: “AY.3 trông rất độc, với tỷ lệ lây nhiễm cao, và nó đang phát triển khả năng đề kháng tương đối với vắc xin. Nếu biến thể này đến Israel, nó có thể là một bước ngoặt đẩy quốc gia vào tình huống phải phong tỏa, do đó cần cố gắng tránh AY.3 bằng mọi cách”.
Tại Anh, nỗi sợ biến thể AY3 ngày càng gia tăng. Giáo sư Christina Pagel, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Hoạt động Lâm sàng của Đại học London đưa ra nhận định: “AY.3 có thể né tránh hệ miễn dịch và dễ lây truyền hơn Delta”.
Trên thực tế, biến thể Delta hiện đã lan rộng mạnh mẽ và đột biến thành nhiều chủng phụ, trong đó có 4 nhóm chính gồm: Delta Plus, Delta AY.1, Delta AY.2 và Delta AY.3 (gọi tắt là AY.3). Theo các nhà khoa học, sự khác biệt của các chủng trên sẽ phụ thuộc vào K417N – đột biến bổ sung có khả năng thay đổi lớp protein gai và lây nhiễm cao sang các tế bào khỏe mạnh, cụ thể:
Theo báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, biến thể AY3 có tốc độ lây lan nhanh và khả năng đột biến “thoát khỏi” hệ miễn dịch tốt hơn các biến thể phụ khác. Các nhà dịch tễ cho rằng, cần thêm thời gian để theo dõi chi tiết về phương thức lây truyền của AY.3.
Theo các nghiên cứu ban đầu, biến thể AY.3 vẫn lây qua đường tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp (qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh), hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh qua dịch tiết như nước bọt, dịch tiết hô hấp hoặc các giọt bắn khi họ ho, hắt hơi, nói hoặc hát. Người tiếp xúc gần (trong vòng khoảng cách 1 mét) với người đã nhiễm bệnh có thể mắc bệnh Covid-19 khi các giọt bắn nhiễm bệnh này thâm nhập vào miệng, mũi hoặc mắt của người tiếp xúc.
Theo báo cáo, virus SARS-CoV-2 rất dễ bùng phát ở không gian kín như nhà hàng, quán karaoke, nhà thờ,… Ở môi trường này, giọt bắn này lơ lửng trong không khí, chậm rơi xuống mặt đất, khi người bệnh thở ra thì virus sẽ quẩn quanh và rất dễ lây lan dịch bệnh. Nếu không gian thông khí, ngoài trời thì virus sẽ phát tán đi nhanh.
Virus SARS-CoV-2 đã và đang đột biến liên tục để trốn tránh hệ miễn dịch của con người và gây những tác động to lớn đến diễn biến của đại dịch Covid-19, song song với biến thể AY.3, còn 6 biến chủng nguy hiểm khác của virus SARS-CoV-2 đã và đang là mối nguy hại đến sức khỏe toàn cầu, bao gồm:
Với một loại virus nguy hiểm vừa mới được phát hiện, việc xác định hiệu quả chính xác của các loại vắc xin Covid-19 trong việc phòng, chống biến thể AY.3 vẫn đang là thách thức với các nhà khoa học.
Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định, các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện nay không thể chống lại biến thể AY3. Vắc xin Covid-19 là “vũ khí” quan trọng nhất bảo vệ người được chủng ngừa khỏi nguy cơ biến chứng nặng, nhập viện và tử vong do Covid-19.
“Hãy tiêm bất kỳ loại vắc xin có sẵn khi có cơ hội. Vắc xin giúp bảo vệ bạn và cả những người xung quanh bạn. Vắc xin cũng sẽ làm giảm nguy cơ biến thể Delta lan truyền trong cộng đồng và gây ra các biến thể mới”, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết.
Dữ liệu Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) chứng minh, vắc xin Pfizer giúp giảm 96% tỷ lệ nhập viện điều trị, vắc xin AstraZeneca đạt tỷ lệ là 92%. Đồng thời, cả 2 loại vắc xin này đã được chứng minh có khả năng chống lại nguy cơ diễn tiến bệnh nặng là hơn 90%.
Một nghiên cứu khác trên Tạp chí Y khoa New England cho thấy 2 liều vắc xin Covid-19 của Pfizer hoặc AstraZeneca có hiệu quả ngăn ngừa biến thể Delta gần tương đương với hiệu quả trước biến thể Alpha. Cụ thể, 2 mũi tiêm vắc xin của Pfizer có hiệu quả 88% ngăn ngừa ca bệnh có triệu chứng do nhiễm biến thể Delta và 93,7% biến thể Alpha. 2 mũi vắc xin AstraZeneca quả bảo vệ 74,5% đối với biến chủng Alpha, cao hơn so với ước tính ban đầu là 66%.
Đối với vắc xin Moderna, nghiên cứu trên 50.000 bệnh nhân thuộc Hệ thống Y tế Phòng khám Mayo, các nhà nghiên cứu nhận thấy hiệu quả của vắc xin Moderna chống nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ 86% vào đầu năm 2021 xuống 76% vào tháng 7 – khi biến thể Delta chiếm ưu thế.
Càng chần chừ tiêm vắc xin Covid-19, virus càng biến thể nguy hiểm, người dân càng dễ bị lây, khiến dịch bệnh kéo dài, hậu quả càng thảm khốc. Bản chất việc tiêm vaccine là đưa vật chất hoặc các protein vô hại từ virus vào cơ thể để kích thích cơ thể sinh ra kháng thể nhằm chống lại virus đó. Các kháng thể sẽ duy trì hoạt động trong cơ thể người được tiêm, từ đó sẵn sàng chống lại các loại virus, vi khuẩn đã được tiêm trong vaccine.
Sự xuất hiện của biến thể AY3 của virus Corona đang là một thách thức mới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của các nước trên thế giới. Trước nguy cơ kép mắc Covid-19 và cúm trong mùa thu – đông sắp tới, các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên đi tiêm vaccine Covid-19 nhanh nhất có thể, đồng thời tiếp tục nghiêm các biện pháp y tế công cộng như nguyên tắc 5K nhằm chống lại các chủng virus mang gen đột biến cao hơn.