Mở cửa 7h30 - 17h00 / T2 - CN xuyên trưa *
Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 không ngừng biến đổi tạo ra những biến thể mới nhằm phá hủy hàng rào phòng vệ là hệ miễn dịch của con người. Mới đây, Deltacron được xác định là biến thể lai, có bộ gen kết hợp giữa hai biến thể Delta và Omicron. Vậy biến thể Deltacron là gì và mức độ nguy hiểm ra sao?
Deltacron là biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Biến thể này được phát hiện qua quá trình giải trình tự gen. Các nhà khoa học nhận thấy biến thể Deltacron là sự kết hợp giữa hai biến thể Delta và Omicron khi một người mắc cùng lúc 2 biến thể này. Do có chứa các gen từ cả hai biến thể khiến nó được gọi là virus tái tổ hợp. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về tốc độ lây lan cũng như mức độ nguy hiểm của nó để kịp thời có những khuyến cáo đến với cộng đồng.
Deltacron lần đầu tiên được tìm thấy ở Pháp. Cụ thể, các nhà khoa học từ L’Institut Pasteur tại Paris đã giải mã trình tự gen của virus trên các trường hợp được phát hiện ở một số vùng của Pháp và phát hiện ra biến thể này. Dường như, biến thể mới này đã xuất hiện và lưu hành tại Pháp từ đầu tháng Giêng năm nay (theo lịch Việt Nam). Sau đó, trong cuộc họp báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được tổ chức ngày 9/3, các nhà khoa học đã cho biết biến thể Deltacron cũng được xác nhận tại Hà Lan, Đan Mạch, Mỹ và Đức
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã dẫn thông tin từ các nhà khoa học tại IHU Méditerranée Infection ở Marseille (Pháp). Theo đó, biến thể Deltacron xuất hiện thông qua một quá trình tái tổ hợp khi 2 biến thể Delta và Omicron cùng đồng thời lây nhiễm cho bệnh nhân, dẫn tới trao đổi vật chất di truyền và tạo ra một thế hệ con lai mới – Deltacron (1).
Những kết luận rằng Deltacron là thế hệ con lai mới của biến thể Delta và Omicron còn được nhiều nhà khoa học khác nghiên cứu và xác nhận. Các nhà khoa học cho biết “xương sống” của biến thể Deltacron có nguồn gốc từ Delta trong khi đó phần virus tự gắn vào tế bào người là từ Omicron. Bà Maria van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật COVID của WHO cho biết sự đột biến này hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là với sự lưu hành mạnh mẽ của Omicron và Delta như hiện nay. Theo Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học tại WHO, tìm thấy quá trình tái tổ hợp này đều có thể xảy ra ở người hoặc động vật.
Cũng như các biến thể khác, biến thể Deltacron được xác định bằng phương pháp giải trình tự bộ gen của virus thu được trên một cá thể. Các nhà khoa học so sánh các đặc điểm của bộ gen thu được với bộ gen của các biến thể trước đây. Bộ gen của biến thể Deltacron được phát hiện rằng protein bề mặt của virus (được gọi là protein gai (2)) gần như hoàn toàn đến từ Omicron, phần còn lại của bộ gen virus là Delta.
Không khác với các biến thể trước đây, Deltacron xâm nhập và tấn công đầu tiên vào đường hô hấp, gây nên một loạt các triệu chứng bệnh trên đường hô hấp. Đặc biệt, protein gai của Deltacron gần như hoàn toàn đến từ Omicron do đó sau khi biến thể sử dụng protein gai xâm thành công tế bào trong mũi, họng và đường hô hấp trên sẽ gây nên các triệu chứng tương tự như biến thể Omicron như: hắt hơi, ho, chảy nước mũi, sốt, nhức đầu, mệt mỏi, mất vị giác… – các triệu chứng điển hình của COVID-19.
Theo các đại diện từ WHO, hiện chưa có dữ liệu rõ ràng chứng tỏ Deltacron lây lan mạnh hơn các biến thể trước đó. Các nhà khoa học đang tiếp tục theo dõi và thảo luận cũng như tiếp tục nghiên cứu kỹ về biến thể này. Tuy nhiên một số chuyên gia khuyến cáo không nên chủ quan trong khi chưa đủ bằng chứng để khẳng định về mức độ lây lan của biến thể lai này.
Theo Tiến sĩ Stephen Griffin, nhà nghiên cứu về virus tại Đại học Leeds (Anh), Deltacron có vẻ chưa trở thành biến thể phổ biến, nhưng có thể đây chỉ là sự khởi đầu rất chậm với ít ca mắc, trước khi biến thể này đủ mạnh để nhân rộng. Do đó hiện nay vẫn còn quá sớm để khẳng định về đặc điểm virus học cũng như mức độ lây lan của Deltacron.
Deltacron có nguy hiểm không là câu hỏi được nhiều người băn khoăn và lo lắng bởi chỉ riêng biến thể Delta hoặc Omicron đã có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm, vậy khi hai biến thể này kết hợp thì liệu rằng tốc độ lây lan và mức độ nguy hiểm có tăng lên?
Lý giải Deltacron nguy hiểm thế nào? Các chuyên gia phân tích rằng, protein gai của Deltacron gần như hoàn toàn đến từ Omicron. Protein gai này giúp virus xâm nhập thành công vào tế bào trong mũi, họng và đường hô hấp trên. Omicron không hoạt động sâu trong phổi, do đó các nhà khoa học cũng cho rằng Deltacron cũng có thể không tấn công phổi nặng, tuy nhiên kết quả nghiên cứu đó chỉ mới dừng lại ở số ít ca bệnh được phát hiện. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để xác định thêm các triệu chứng của biến thể Deltacron cũng như các tổn thương nặng trên phổi có thể xảy ra ở người bệnh.
Riêng đối với đối tượng nguy cơ cao là người cao tuổi, các chuyên gia y tế kêu gọi cần thận trọng theo dõi biến thể lai này, đồng thời cảnh báo nguy cơ biến thể lai này làm giảm miễn dịch ở người cao tuổi, dễ khiến tình trạng nghiêm trọng hơn.
Khi nhiễm Deltacron, những người không có bất kỳ vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào có thể được điều trị chủ yếu bằng các biện pháp hỗ trợ như các biến thể trước đó. Ngoài ra, ACETAPINHEN (Tylenol) được các bác sĩ khuyên nên dùng khi bị nhức đầu, đau cơ hoặc sốt. Tuy nhiên, người bệnh dùng Tylenol hoặc các loại thuốc chống viêm cần phải được chỉ định, kê đơn từ bác sĩ, tránh tự ý dùng thuốc.
Biến thể lai Deltacron là virus tái tổ hợp từ biến thể Delta và biến thể Omicron khi người bệnh đồng nhiễm cùng lúc cả 2 biến thể này. Với khả năng tái tổ hợp và đột biến của virus khiến nhiều người lo ngại rằng biến thể lai này sẽ “qua mặt” được khả năng bảo vệ của vắc xin, đồng thời nhanh chóng lây lan trên toàn cầu, kéo dài đại dịch COVID-19.
Các chuyên gia phân tích rằng, protein gai là phần quan trọng nhất khi virus xâm nhập vào các tế bào. Nó cũng là mục tiêu tấn công chính của các kháng thể do vắc xin tạo ra. Đối với biến thể Deltacron, protein gai được xác định gần như hoàn toàn từ protein gai của biến thể Omicron. Do đó các biện pháp phòng ngừa virus mà cộng đồng đang sử dụng để chống lại Omicron, cụ thể là vắc xin cũng hiệu quả với Deltacron.
Tiến sĩ Etienne Simon-Loriere, chuyên gia virus học tại Viện Pasteur ở Paris, người dẫn đầu nhóm phân lập được chủng Deltacron nhấn mạnh: “Bề mặt của virus giống với Omicron, vì vậy cơ thể sẽ nhận ra nó như đã nhận ra Omicron”.
Evusheld phòng ngừa được biến chủng Deltacron. Evusheld là thuốc kháng thể đơn dòng của AstraZeneca nghiên cứu và sản xuất dùng để dự phòng COVID-19. Với sự xuất hiện của biến thể lai Deltacron thì câu hỏi “Evusheld có giúp phòng ngừa biến chủng Deltacron được không?” đang được nhiều người dân quan tâm.
Thông tin từ nhà sản xuất AstraZeneca, Evusheld là hỗn hợp của hai kháng thể đơn dòng tác dụng kéo dài, được thiết kế và tối ưu hóa bởi công nghệ độc quyền của AstraZeneca. Theo dõi trong nghiên cứu PROVENT của AstraZeneca, người được tiêm Evusheld có được kháng thể gần như tức thì ngay sau vài giờ tiêm, cung cấp đủ kháng thể cần thiết để bảo vệ giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19 hiệu quả lên tới 83% và không có trường hợp nào bệnh nặng hay tử vong ở nhóm dùng Evusheld.
Evusheld là kháng thể đơn dòng, có cơ chế khác với vắc xin. Theo đó, vắc xin ngừa COVID-19 là chế phẩm sinh học bao gồm các kháng nguyên được đưa vào người, cơ thể “nhận diện” rồi tự sản sinh ra kháng thể, gọi là miễn dịch chủ động. Trong khi đó, nhiều trường hợp ở người bị suy giảm miễn dịch từ vừa đến nặng thì khả năng sản sinh không đủ, thậm chí không sinh ra kháng thể để phòng ngừa COVID-19. Để bảo vệ những nhóm người suy giảm miễn dịch, người không sản sinh đủ kháng thể sau tiêm vắc xin, người không thể tiêm vắc xin do tiền sử sốc phản vệ nạng… Evusheld đi theo con đường miễn dịch thụ động, nghĩa là tiêm vào cơ thể một lượng kháng thể đã được tổng hợp sẵn. Nhờ đó, Evusheld cung cấp đủ lượng kháng thể cần thiết để chống lại SARS-CoV-2 nhờ trung hòa các tác nhân gây bệnh và chống xâm nhập vào tế bào khỏe mạnh. Người bệnh có thể tiêm Evusheld bằng đường tiêm bắp (cơ mông).
Evusheld có hiệu quả phòng ngừa ít nhất 6 tháng, đặc biệt vẫn duy trì khả năng trung hòa trước biến thể Omicron. Do biến thể lai Deltacron có bề mặt virus gần như từ Omicron do đó ở người dùng Evusheld cơ thể vẫn nhận diện và duy trì khả năng trung hòa tốt với virus biến thể lai này.
Evusheld được đánh giá là “tấm khiên” vững chắc để bảo vệ sức khỏe con người trước đại dịch COVID-19. Đặc biệt, Evusheld bảo vệ tối đa những người suy giảm miễn dịch từ trung bình đến nặng do các bệnh lý hay do các điều trị ức chế miễn dịch và cơ thể không đáp ứng đầy đủ với vắc xin COVID-19 (người bệnh ung thư, người bệnh HIV, người bệnh đang điều trị chống thải ghép sau ghép tạng (3), người bệnh lupus ban đỏ,…); hoặc người không thể tiêm bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào vì dị ứng với các thành phần của vắc xin.
Trên đây là tổng hợp những phân tích cùng các dẫn chứng từ các nhà khoa học quốc tế chứng minh sự xuất hiện của biến thể Deltacron, các triệu chứng và mức độ lây nhiễm của Deltacron có nguy hiểm hay không; Biện pháp nào giúp đón đầu và phòng ngừa hiệu quả Deltacron trước khi biến thể này được ghi nhận gây bệnh tại Việt Nam. Cùng những thông tin trên, các biện pháp 5K vẫn được khuyến cáo tăng cường để phòng chống lây nhiễm biến thể Deltacron.