Mở cửa 7h30 - 17h00 / T2 - CN xuyên trưa *
Biến thể Mu của virus SARS-CoV-2 được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) nhận định có khả năng vượt qua biến thể Delta, chủng biến thể đang gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cả thế giới.
Biến thể Mu là một trong những biến thể mới của virus Sars-Cov-2, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận vào ngày 30/8, xuất hiện lần đầu tiên tại Colombia. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể Mu được xếp vào nhóm biến thể đáng chú ý (VOI), vì có sự khác biệt về gene so với những phiên bản trước đó của virus. Chính sự khác biệt này có thể khiến biến thể Mu dễ lây lan hơn, gây triệu chứng nặng, trốn tránh phản ứng miễn dịch có được từ vắc xin và kém nhạy cảm với các phương pháp điều trị.
Theo ông Marco Cavaleri, người đứng đầu chiến lược vắc xin của Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA): “Biến thể Mu có khả năng gây lo ngại nhiều hơn biến thể Delta hiện hành vì khả năng thoát miễn dịch. EMA sẽ tiếp tục thảo luận với các nhà phát triển vắc xin về hiệu quả các liều tiêm hiện tại trong việc chống lại biến thể Mu”.
WHO vẫn đang xem xét có nên đặt Mu vào nhóm biến thể “đáng lo ngại” (VOC) hay không. Hiện nay, WHO đang phân loại 4 biến thể virus SARS-CoV-2 ở mức “đáng lo ngại”. Trong đó biến thể Alpha xuất hiện ở 193 quốc gia/vùng lãnh thổ và biến thể Delta tại 170 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Biến thể Mu lần đầu tiên được phát hiện tại Colombia, với tên gọi khác là B.1621. Chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi, Mu đã nhanh chóng xuất hiện tại 40 quốc gia, song chỉ gây ra khoảng 0.1% số ca nhiễm trên toàn cầu.
Sau khi xem xét trình tự gene trong số các mẫu virus được phân tích, giới chức Colombia cho biết 39% trong số đó là biến chủng Mu. Có thể thấy Mu là biến thể phổ biến nhất ở Colombia. Song nước này vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào trong vòng 4 tuần qua. Tại Ecuador, Mu chiếm 13% trong tổng số mẫu virus được phân tích; tại Chile con số này là 40% và tại Anh 45 trường hợp dương tính với Mu, hầu hết là các trường hợp nhập cảnh.
Có thể thấy, Mu không chỉ lưu hành trong phạm vi Colombia, mà đã có xu hướng chuyển dần sang các nước Nam Mỹ lân cận.
Khi nhiễm biến chủng Mu, người bệnh có các triệu chứng tương tự như khi nhiễm các biến thể khác của virus SARS-CoV-2, như:
Hầu hết những người nhiễm biến chủng Mu sẽ có ít nhất một trong những triệu chứng trên.
Cơ quan Quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA) từng bày tỏ lo ngại về biến chủng Mu. Theo thông tin từ hãng thông tấn AFP, Marco Cavaleri, người đứng đầu chiến lược vắc xin của Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) cho biết, cơ quan này chủ yếu đang tập trung vào biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng EMA lơ là việc theo dõi các biến thể virus khác đang từng bước đe dọa cuộc sống người dân trên toàn thế giới như biến thể Lambda, biến thể Mu.
“Thậm chí, biến thể Mu còn có khả năng gây lo ngại nhiều hơn biến thể Delta vì khả năng thoát miễn dịch và lây truyền cao. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có dữ liệu cho thấy biến chủng này có thể vượt biến chủng Delta về mức độ nguy hiểm”, ông Marco Cavaleri cho biết thêm.
Theo các nhà khoa học, biến thể Mu chứa đột biến P681H, được tìm thấy lần đầu tiên trong biến thể Alpha, tăng khả năng lây truyền của virus. Tuy nhiên, các cuộc nghiên cứu về vai trò của đột biến P681H với virus hiện vẫn đang còn dang dở và chưa được giới hàn lâm bình xét chính thức, nên không thể kết luận về vai trò của P681H với Mu. Mặt khác, Mu còn mang hai đột biến là E484K và K417N, khiến mầm bệnh trốn tránh kháng thể. Hai đột biến này trước đó đã được tìm thấy trong biến thể Beta và được chứng minh khiến nhiều loại vắc xin kém hiệu quả hơn.
Mặt khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng bày tỏ quan ngại về khả năng thoát miễn dịch của biến chủng Mu. “Khả năng thoát miễn dịch của biến thể Mu làm dấy lên nhiều lo ngại về hiệu quả ngăn chặn khả năng lây nhiễm của biến thể. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều cuộc nghiên cứu về khả năng thoát miễn dịch của biến thể này”.
Các nhà khoa học và các quan chức y tế công cộng rất muốn biết liệu Mu có khả năng lây truyền cao hơn hay gây bệnh nghiêm trọng hơn biến thể Delta đang chiếm ưu thế tại hầu hết các quốc gia trên thế giới hay không. “Dịch tễ học của biến thể Mu ở Nam Mỹ, cùng sự đồng lưu hành của biến thể Delta, sẽ tiếp tục được nghiên cứu và quan sát”, đại diện của WHO cho biết.
Cho đến nay, mặc dù không có nhiều cảnh báo như biến thể Delta và Alpha, nhưng Mu vẫn được xếp vào danh sách một trong những biến thể cần được quan tâm, do khả năng lây truyền cao và kháng miễn dịch.
Theo Medical News, nhóm chuyên gia Nhật Bản đến từ Đại học Tokyo, Kyoto, Chiba và Tokai đã cảnh báo biến thể Mu có khả năng kháng vắc xin, miễn dịch tự nhiên, thậm chí cao hơn các biến chủng đáng quan ngại (VOC) hoặc đáng chú ý (VOI) khác mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo.
Để có được kết quả này, nhóm các nhà nghiên cứu tạo ra các dạng giả virus chứa protein đột biến của Mu hoặc những biến chủng VOI/VOC khác. Các cuộc thử nghiệm trung hòa virus cho thấy chủng Mu có khả năng chống lại kháng thể của 8 bệnh nhân đang điều trị Covid-19, cao gấp 12,4 lần so với chủng virus gốc ban đầu. Ngoài ra, Mu có khả năng kháng huyết thanh cao gấp 7,6 lần ở 10 đối tượng đã được tiêm vắc xin Pfizer. Nếu so sánh với biến thể Beta, các pseudovirus của biến thể Mu có khả năng kháng lại kháng thể tự nhiên ở những người đã khỏi Covid-19 cao hơn đáng kể.
Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do nhiều loại đột biến mà biến thể Mu có được.
Nghiên cứu được công bố trên Wiley Online Library cũng đã cho thấy vắc xin Pfizer kém hiệu quả hơn với Mu. Dù vậy, khả năng bảo vệ của vắc xin trước kháng thể vẫn rất mạnh mẽ. Đầu tháng 8, hãng thông tấn lớn nhất thế giới Reuters cũng đưa tin 7 người được tiêm phòng đầy đủ tại viện dưỡng lão ở Bỉ đã tử vong sau khi nhiễm biến thể Mu.
Các cuộc nghiên cứu về biến chủng Mu hiện vẫn còn chưa hoàn chỉnh, nhóm đối tượng nghiên cứu vẫn còn khá hạn chế nên chưa thể kết luận bất cứ điều gì về khả năng lây truyền và kháng vắc xin của Mu.
Theo kết quả phân tích, biến thể Mu có 8 đột biến; trong đó, đột biến E484K và K417N có khả năng tránh kháng thể trong vắc xin. Tuy vậy, là một kháng thể mới, cho đến nay vẫn chưa có đầy đủ dữ liệu khẳng định hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 với biến thể Mu.
Tuy nhiên, hầu hết các loại vắc xin phòng Covid-19 đã được cấp phép và lưu hành hiện nay đều có hiệu quả trong việc chống lại các biến thể của virus. Do đó, người dân cần tiêm các loại vắc xin sẵn có để có được sự bảo vệ tốt nhất trước đại dịch. Trong một nghiên cứu của Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE), vắc xin Pfizer giảm 96% tỷ lệ nhập viện điều trị và biến chứng nặng do Covid-19 trong khi đó vắc xin AstraZeneca giảm 92%.
Cả hai loại vắc xin đều được chứng minh có khả năng chống lại nguy cơ bệnh chuyển biến nặng là 90%. Mặt khác, theo số liệu nghiên cứu từ chính phủ Anh tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 có thể giảm đến 96% tỷ lệ nhập viện, 79% nguy cơ nhiễm bệnh có triệu chứng do biến thể Delta.
Tính đến ngày 18/9/2021, Bộ Y tế đã cấp phép cho 8 loại vắc xin phòng Covid-19 bao gồm: AstraZeneca (Vương quốc Anh), vắc xin Sputnik V (Nga), Moderna (Mỹ), Pfizer (Mỹ), Vero Cell (Trung Quốc), vắc xin Janssen, vắc xin Hayat-Vax, vắc xin Abdala (Cuba). Trong đó, hợp đồng của Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC và AstraZeneca sẽ mang về 30 triệu liều vắc xin Covid-19 và chuyển giao toàn bộ theo nguyên tắc phi lợi nhuận cho Chính phủ bằng đúng giá với giá mua lại của AstraZeneca. Chi phí rủi ro, bảo quản, vận chuyển,… lên đến hàng chục tỷ đồng sẽ được VNVC chi trả toàn bộ.
Để chứng minh năng lực vượt trội, Hệ thống tiêm chủng VNVC liên tục mở rộng quy mô kho bảo quản, cơ sở hạ tầng, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên được đào tạo nghiệp vụ bài bản,… để có thể kịp thời đáp ứng nhu cầu cung ứng vắc xin đến các tỉnh thành trên khắp mọi miền đất nước, làm tiền đề cho việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 khi Bộ Y tế cho phép. VNVC sẽ tiếp tục nỗ lực nhập khẩu nguồn vắc xin chất lượng cao để mang về cho người dân, chung tay cùng ngành y tế sớm chấm dứt đại dịch.
Không chỉ có biến thể Mu, rất nhiều biến thể mới gây bệnh Covid-19 đang dần xuất hiện và tấn công người dân trên khắp thế giới. Tiêm phòng đầy đủ là phương pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn những đợt sóng mang tên Covid-19, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng.